Skip to content
Kiến thức - Tháng 5 27, 2025

Top 5 các bệnh tiêu hóa ở trẻ em cha mẹ cần chú ý

Cập nhật lần cuối: Tháng 6 20, 2025

Trẻ em có hệ tiêu hóa còn non yếu nên rất dễ mắc các bệnh lý liên quan đến tiêu hóa, đặc biệt trong giai đoạn ăn dặm hoặc khi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Sau đây là những dấu hiệu nhận biết của 5 bệnh tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ, đi kèm dấu hiệu cảnh báo và hướng dẫn chăm sóc an toàn, hiệu quả tại nhà và khi cần đến bác sĩ.

Top 5 các bệnh tiêu hóa ở trẻ em

Dưới đây là 5 bệnh lý, triệu chứng cho thấy hệ tiêu hóa không tốt ở trẻ nhỏ mà ba mẹ cần lưu ý:

1. Tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy ở trẻ em là tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc nhiều nước, thường xảy ra hơn 3 lần mỗi ngày. Đây là một bệnh lý tiêu hóa phổ biến, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân chính gây tiêu chảy là nhiễm trùng do virus (như Rotavirus), vi khuẩn (E. coli, Salmonella), hoặc ký sinh trùng (Giardia lamblia). Ngoài ra, dị ứng thực phẩm, không dung nạp lactose, chế độ ăn uống không vệ sinh, hoặc tác dụng phụ của thuốc (như kháng sinh) cũng có thể dẫn đến tiêu chảy.

Các triệu chứng bao gồm:

  • Đi ngoài phân lỏng hoặc nhiều nước, có thể kèm máu (trong tiêu chảy nhiễm khuẩn).
  • Sốt, nôn mửa.
  • Đau bụng, chướng bụng.
  • Mất nước
  • Khát nước nhiều.
  • Mắt trũng, môi khô, da khô.
  • Đi tiểu ít hoặc không đi tiểu trong nhiều giờ.
  • Trẻ mệt mỏi, lờ đờ, quấy khóc hoặc ngủ li bì.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như suy dinh dưỡng, hoặc nhiễm trùng nặng.

Điều trị tiêu chảy chủ yếu tập trung vào bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol (ORS) hoặc truyền dịch khi mất nước nặng. Trẻ cần được duy trì chế độ ăn uống bình thường, bổ sung men vi sinh để cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Kháng sinh chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Để phòng ngừa tiêu chảy, cha mẹ cần tiêm vắc xin Rotavirus cho trẻ, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và nguồn nước, rửa tay sạch sẽ, và tẩy giun định kỳ. Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước hoặc tiêu chảy kéo dài, cần đưa trẻ đến khoa sản nhi tại bệnh viện Việt Pháp để được thăm khám và điều trị kịp thời.

2. Táo bón

Táo bón cũng là 1 bệnh lý thường gặp ở trẻ em, do các bé không thích ăn các loại thực phẩm chứa chất xơ như rau củ.

Đây là tình trạng trẻ đi ngoài phân cứng, khô, khó khăn, và ít hơn bình thường (thường dưới 3 lần mỗi tuần). Nguyên nhân gây táo bón bao gồm chế độ ăn ít chất xơ, uống không đủ nước, thói quen nhịn đi vệ sinh, hoặc rối loạn chức năng ruột. Một số trường hợp táo bón có thể liên quan đến bệnh lý, như suy giáp, dị tật bẩm sinh ở đường tiêu hóa (bệnh Hirschsprung), hoặc tác dụng phụ của thuốc.

Triệu chứng thường gặp ở trẻ như:

  • Trẻ khó chịu, đau bụng, căng thẳng khi đi vệ sinh
  • Phân khô cứng, có thể kèm theo máu do tổn thương hậu môn.
  • Một số trẻ còn bị đầy bụng, biếng ăn, hoặc cáu kỉnh.
  • Nếu táo bón kéo dài, trẻ có thể bị nứt hậu môn, phình đại tràng, hoặc suy dinh dưỡng.

Điều trị táo bón cần kết hợp điều chỉnh chế độ ăn và thay đổi thói quen sinh hoạt. Ba mẹ nên bổ sung thực phẩm giàu chất xơ (rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt), khuyến khích trẻ uống đủ nước và tập thói quen đi vệ sinh đều đặn. Trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc làm mềm phân, thuốc nhuận tràng phù hợp hoặc thực hiện nội soi trực tràng ở trẻ em để quan sát khi cần thiết.

3. Rối loạn tiêu hóa

Bệnh rối loạn tiêu hóa xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Tình trạng này được hiểu là hoạt động của hệ tiêu hóa bị rối loạn, dẫn đến các triệu chứng như đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, hoặc buồn nôn do hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn chỉnh.

Để phòng tránh và điều trị rối loạn tiêu hóa ở bé, cha mẹ cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và hạn chế sử dụng kháng sinh khi không cần thiết.

4. Không dung nạp Lactose

Không dung nạp lactose là tình trạng cơ thể không thể tiêu hóa hoặc hấp thụ lactose, một loại đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Nguyên nhân chính là do thiếu hoặc không có enzyme lactase trong ruột non, enzyme này có vai trò phân giải lactose thành glucose và galactose để cơ thể hấp thụ.

Nguyên nhân có thể do thiếu enzyme lactase tự nhiên từ khi trẻ còn bé hoặc do các tôn thương ruột non như nhiễm trùng, viêm ruột, hoặc các bệnh lý như celiac hoặc Crohn, khiến giảm sản xuất lactase.

Các triệu chứng của bệnh lý này thường xuất hiện sau khi tiêu thụ sữa hoặc sản phẩm từ sữa, thường trong vòng 30 phút đến vài giờ:

  • Đau bụng, đầy hơi.
  • Buồn nôn hoặc nôn.
  • Tiêu chảy, phân lỏng có mùi chua.
  • Đầy hơi, xì hơi nhiều.
  • Ở trẻ sơ sinh có thể kèm theo khó chịu, quấy khóc sau khi bú sữa.

Hiện chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát bằng cách:

  • Hạn chế hoặc loại bỏ lactose khỏi chế độ ăn: Tránh sữa và các sản phẩm từ sữa thông thường hoặc sử dụng sữa không lactose hoặc các sản phẩm thay thế như sữa hạnh nhân, sữa đậu nành.
  • Bổ sung enzyme lactase: Uống enzyme lactase trước khi tiêu thụ thực phẩm chứa lactose.
  • Bổ sung canxi và vitamin D: Để tránh nguy cơ thiếu hụt do không tiêu thụ sữa.

5. Bệnh kiết lỵ

Bệnh kiết lỵ ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng đường ruột, thường do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra, dẫn đến triệu chứng tiêu chảy kèm theo máu và chất nhầy trong phân. Đây là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong môi trường vệ sinh kém, và có thể gây nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Cha mẹ cần tập trung vào việc bù nước, kiểm soát nhiễm trùng và giảm triệu chứng cho trẻ kịp thời bằng dung dịch oresol (ORS) hoặc truyền dịch nếu tình trạng mất nước nặng. Trong trường hợp kiết lỵ do vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh phù hợp, còn nếu nguyên nhân là ký sinh trùng như amip, cần sử dụng thuốc chống ký sinh trùng. Chế độ ăn uống cũng rất quan trọng, cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, đủ dinh dưỡng và tránh thực phẩm dầu mỡ hoặc cay nóng. Ngoài ra, cần theo dõi sát sao các triệu chứng của trẻ tại nhà, đặc biệt là dấu hiệu mất nước hoặc bệnh trở nặng. Nếu trẻ sốt cao liên tục, tiêu chảy kéo dài hoặc có dấu hiệu co giật, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời.

Trên đây là tổng hợp 5 bệnh lý về đường tiêu hóa ở trẻ em phổ biến nhất. Với các nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị, cha mẹ cần nắm rõ để hiểu hơn về bệnh lý, từ đó có những biện pháp phòng tránh và điều trị kịp thời.

Cấp cứu

(84-24) 3574 1111

Đội ngũ bác sĩ cấp cứu và bác sĩ phẫu thuật được đào tạo nội bộ sẵn sàng 24/7.
Tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp khẩn cấp.

Chatbot