Bệnh rối loạn tiêu hóa là gì?
Bệnh rối loạn tiêu hóa là một thuật ngữ tổng quát dùng để chỉ một nhóm các vấn đề ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa của cơ thể. Khi hệ tiêu hóa không hoạt động hiệu quả, các chức năng của các cơ quan bị rối loạn, dẫn đến các triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Các vấn đề này có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nghiêm trọng, và có thể được chia thành 2 loại:
- Bệnh lý tiêu hóa thực thể: Xảy ra khi có sự thay đổi về cấu trúc trong hệ tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của nó.
- Rối loạn tiêu hóa chức năng: Xảy ra khi hệ tiêu hóa không hoạt động đúng cách, nhưng không có sự thay đổi về cấu trúc hay bệnh lý thực thể.
Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa
Các nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa rất đa dạng, trong đó phổ biến nhất có thể kể đến như sau:
- Uống rượu bia quá mức: Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra các bệnh về đường tiêu hóa ở người trưởng thành. Thường xuyên tiêu thụ rượu bia làm giảm men tiêu hóa và gây mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, dẫn đến hội chứng ruột kích thích, đau bụng, đầy hơi và tiêu chảy.
- Lạm dụng kháng sinh: Đây là nguyên nhân phổ biến gây bệnh rối loạn tiêu hóa ở trẻ em. Sử dụng kháng sinh không đúng cách, đặc biệt ở trẻ nhỏ, có thể gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nặng và kháng thuốc. Vì vậy, nếu bạn muốn điều trị cho bé, cần có chỉ định bác sĩ khi dùng thuốc.
- Ăn uống không vệ sinh: Việc tiêu thụ thực phẩm không sạch sẽ hoặc không rõ nguồn gốc có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, như đau bụng, tiêu chảy và nhiễm khuẩn đường ruột.
- Vấn đề bệnh lý trong cơ thể: Các bệnh liên quan đến dạ dày (trào ngược dạ dày, loét dạ dày), viêm ruột thừa cấp, viêm đại tràng,… cũng là những nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa.
Các dấu hiệu điển hình của rối loạn tiêu hóa
Một số biểu hiện rối loạn tiêu hóa phổ biến ở người lớn và trẻ em thường bao gồm:
- Đau bụng: Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, thường xuất hiện ở vùng bụng dưới bên trái, nhưng cũng có thể lan ra các khu vực khác. Một số trường hợp, cơn đau còn có thể lan lên lưng.
- Đầy hơi, khó tiêu: Đây là triệu chứng phổ biến trong rối loạn tiêu hóa, biểu hiện bằng bụng căng cứng, ợ hơi hoặc trung tiện nhiều lần.
- Rối loạn đại tiện: Triệu chứng này thường tiến triển từ từ và ngày càng nặng hơn. Người bệnh có thể cảm thấy đau bụng từng cơn, với tình trạng thay đổi giữa táo bón và tiêu chảy, việc đi vệ sinh không đều. Thỉnh thoảng, táo bón và tiêu chảy có thể xen kẽ hoặc một trong hai triệu chứng sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Ngoài ra, bệnh rối loạn tiêu hóa ở trẻ em còn có thể bao gồm chán ăn, nôn trớ, và quấy khóc. Với phụ nữ mang thai, triệu chứng này tương tự như ở người lớn nhưng chủ yếu xảy ra trong ba tháng đầu và cuối thai kỳ. Các dấu hiệu khác có thể bao gồm ợ chua, miệng đắng hoặc hôi, buồn nôn, và nôn ói.
Phòng ngừa tình trạng rối loạn tiêu hóa hiệu quả
Để ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa nói chung và rối loạn tiêu hóa nói riêng, mỗi người cần thiết lập một lối sống lành mạnh. Dưới đây là một số gợi ý hữu ích:
- Ăn uống đủ dinh dưỡng, đảm bảo thực phẩm đã được chế biến kỹ lưỡng, tránh những món ăn có thể kích thích hệ tiêu hóa hoặc gây tiêu chảy.
- Người hay bị táo bón nên bổ sung nhiều chất xơ và rau xanh để hỗ trợ quá trình tiêu hóa và bài tiết.
- Hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống có cồn nhiều nhất có thể.
- Cung cấp men vi sinh và lợi khuẩn cho đường ruột để duy trì cân bằng vi sinh.
- Tạo thói quen đi vệ sinh đều đặn, nên thực hiện vào một thời điểm cố định mỗi ngày.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất để cải thiện sức đề kháng và phòng chống các tác nhân gây rối loạn tiêu hóa.
- Tạo và giữ thói quen vận động thường xuyên, đồng thời cố gắng hạn chế căng thẳng. Những gợi ý hàng đầu là tập thể dục hoặc tập yoga.
Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa kể trên, bạn cũng nên tập thói quen ăn từ từ, nhai kỹ và giữ tinh thần thoải mái để tránh căng thẳng. Đặc biệt lưu ý không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được chữa bệnh rối loạn tiêu hóa một cách khoa học và hiệu quả.
Bệnh rối loạn tiêu hóa là vấn đề phổ biến, nhưng không nên xem nhẹ. Nếu để tình trạng này kéo dài, nó có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe và tinh thần, thậm chí dẫn đến những bệnh lý nghiêm trọng. Vì vậy, khi gặp các triệu chứng bất thường liên quan đến tiêu hóa, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn kịp thời.