Skip to content
Kiến thức - Tháng 5 27, 2025

Nguyên nhân và cách xử lý khi trẻ ăn vào bị nôn liên tục

Cập nhật lần cuối: Tháng 6 20, 2025

Trẻ bị nôn liên tục sau khi ăn có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề về tiêu hóa hoặc sức khỏe nghiêm trọng hơn. Tình trạng này không nên chủ quan vì dễ dẫn đến mất nước, suy dinh dưỡng hoặc che lấp bệnh lý nguy hiểm.

Vì sao trẻ ăn vào bị nôn?

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ ăn vào bị nôn, trong đó phổ biến nhất có thể kể đến như:

  • Dị ứng thực phẩm: Dị ứng với một số loại thực phẩm như sữa, trứng, đậu nành, lúa mạch, hải sản hay chất phụ gia trong thực phẩm có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị nôn. Khi tiếp xúc với thực phẩm gây dị ứng, hệ miễn dịch của trẻ phản ứng mạnh, dẫn đến tình trạng nôn, ngứa ngáy, sưng môi hoặc phát ban.
  • Thực phẩm không an toàn: Nếu tiếp xúc với thực phẩm bị ô nhiễm hoặc không an toàn, trẻ có thể bị nôn mửa sau khi ăn.
  • Bệnh rối loạn tiêu hóa: Hệ tiêu hóa non nớt của trẻ có thể gặp khó khăn với một số loại thức ăn. Ăn quá nhanh, không tiêu hóa kịp hoặc thức ăn quá nóng cũng có thể làm trẻ bị nôn.
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Các bệnh nhiễm trùng tiêu hóa như viêm ruột, viêm dạ dày hoặc nhiễm khuẩn tiêu hóa có thể gây viêm và đau ở vùng dạ dày và ruột, khiến trẻ cảm thấy buồn nôn và nôn mửa.
  • Hệ miễn dịch yếu: Trẻ em thường có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm, dẫn đến tình trạng nôn sau khi ăn.
  • Tiếp xúc với chất độc hoặc thuốc: Trẻ có thể bị nôn nếu tiếp xúc với các chất độc hoặc sử dụng thuốc có tác dụng phụ gây buồn nôn và nôn.
  • Căng thẳng hoặc có vấn đề tâm lý: Áp lực tâm lý, căng thẳng hoặc lo âu có thể tác động đến hệ tiêu hóa của trẻ, gây buồn nôn và nôn mửa.

Việc trẻ bị nôn mửa không phải lúc nào cũng là do bệnh lý. Trong một số trường hợp, chúng có thể được cải thiện tại nhà bằng cách điều chỉnh tư thế khi cho trẻ ăn hoặc bú, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Tuy nhiên, nếu tình trạng nôn kéo dài hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường sau đây, bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời:

  • Da của trẻ có dấu hiệu tái nhợt và trẻ gặp khó khăn trong việc thở.
  • Trẻ nôn mửa kèm theo máu hoặc chất dịch màu xanh, vàng.
  • Trẻ có triệu chứng thở khò khè, ho kéo dài hoặc tăng cân chậm.

Cách xử lý khi trẻ ăn vào bị nôn ra

Dưới đây là một số phương pháp xử lý tình trạng nôn mửa ở trẻ mà cha mẹ có thể áp dụng để bảo vệ sức khỏe và giúp bé cảm thấy thoải mái hơn:

  • Chuẩn bị sẵn khăn sạch để lau cho trẻ khi bị nôn và thay đồ nếu cần. Ngoài ra, để tránh làm bẩn cơ thể và quần áo của trẻ, bạn có thể dùng khăn quàng hoặc yếm đeo vào cổ bé.
  • Không nên nổi giận hay lớn tiếng với trẻ, mà thay vào đó cần tiếp cận trẻ một cách nhẹ nhàng để bé cảm thấy yên tâm và không lo sợ.
  • Không nên xốc trẻ lên khi trẻ đang nôn, vì điều này có thể khiến dịch nôn tràn vào phổi và gây hại cho sức khỏe của trẻ.
  • Hãy vuốt lưng hoặc ngực trẻ từ trên xuống và trò chuyện nhẹ nhàng để giảm bớt sự lo lắng của trẻ trong lúc nôn.
  • Để đảm bảo an toàn khi ăn, hãy cho trẻ nằm ở tư thế đầu và phần thân trên cao hơn so với phần thân dưới. Nếu trẻ nôn, hãy nghiêng bé sang một bên để ngăn dịch nôn vào phổi.
  • Sau khi nôn, bé cần được bổ sung nước. Bạn có thể cho trẻ uống nước lọc đã đun sôi hoặc nước ép trái cây, nhưng cần cho uống từ từ, dùng muỗng nhỏ để tránh làm quá tải dạ dày của trẻ.
  • Sau khoảng 12 – 24 giờ, nếu tình trạng nôn đã thuyên giảm, bạn có thể bắt đầu cho trẻ ăn uống trở lại bình thường. Tuy nhiên, hãy lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa và phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ theo độ tuổi.
  • Để tránh làm trẻ bị đầy bụng buồn nôn, trào ngược hay tạo tâm lý áp lực trong việc ăn uống, cha mẹ cần chú ý điều chỉnh khẩu phần ăn của trẻ. Thay vì ăn một bữa lớn, nên chia cho trẻ ăn thành các bữa nhỏ, đều đặn trong ngày để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất.
  • Thói quen ăn lâu dài trong khi chơi, xem thiết bị điện tử hoặc bồng bế di chuyển là những yếu tố quan trọng khiến trẻ biếng ăn, không muốn ăn. Do đó, cha mẹ nên tạo ra môi trường ăn uống tập trung, hạn chế việc trẻ ăn trong thời gian quá dài (tốt nhất không nên quá 30 phút) và tránh cho trẻ vừa ăn vừa sử dụng thiết bị điện tử.
  • Bổ sung men vi sinh có lợi cũng là một lựa chọn mà cha mẹ nên cân nhắc để cải thiện sức khỏe tiêu hóa của trẻ và giảm thiểu nguy cơ nôn mửa.

Tình trạng trẻ ăn vào bị nôn có thể cải thiện nhờ vào việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý. Vì vậy, thay vì hoang mang, lo lắng, cha mẹ nên giữ bình tình để xử lý kịp thời. Tuy nhiên, nếu tình trạng nôn của trẻ kéo dài, tốt nhất nên đưa trẻ thăm khám tại các cơ sở uy tín càng sớm càng tốt.

Cấp cứu

(84-24) 3574 1111

Đội ngũ bác sĩ cấp cứu và bác sĩ phẫu thuật được đào tạo nội bộ sẵn sàng 24/7.
Tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp khẩn cấp.

Chatbot