Skip to content
Kiến thức - Tháng 5 27, 2025

Top 6 cách điều trị ợ nóng, ợ chua hiệu quả nhất

Cập nhật lần cuối: Tháng 6 22, 2025

Ợ nóng, ợ chua nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tiêu hóa. Điều trị đúng cách sẽ giúp giảm nhanh triệu chứng và ngăn ngừa tái phát.

Top 6 cách chữa ợ nóng, ợ chua hiệu quả và an toàn

Ợ nóng và ợ chua là các triệu chứng bệnh đường tiêu hóa thường gặp, gây ra cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Dưới đây là những cách trị ợ nóng, ợ chua hiệu quả và tương đối an toàn mà bạn có thể áp dụng để giảm bớt sự khó chịu:

1. Thay đổi tư thế

Tư thế của cơ thể cũng là một trong những yếu tố góp phần gây ra chứng ợ nóng. Do đó, nếu bạn bị ợ nóng khi đang ngồi hoặc nằm, hãy thử đứng lên và thay đổi tư thế. Nếu bạn đang đứng, hãy đứng thẳng lưng hơn.

Việc giữ tư thế thẳng này giúp làm giảm áp lực lên cơ thắt thực quản dưới (LES, là một cơ vòng có chức năng ngăn axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản).

Ngoài ra, nếu bạn đang chuẩn bị đi ngủ thì hãy điều chỉnh tư thế ngủ sao cho phần thân trên của bạn được nâng cao hơn. Nếu giường của bạn không có chức năng tự điều chỉnh thì có thể sử dụng gối nệm để nâng cao phần đầu và thân trên khi ngủ.

Thêm vào đó, bạn cũng nên nằm ngủ nghiêng trái, không chỉ tốt cho tìm mà còn giúp giảm bớt tình trạng trào ngược axit dạ dày.

2. Sử dụng các loại nguyên liệu tự nhiên

Sử dụng các loại nguyên liệu quen thuộc có thể giúp bạn cải thiện chứng ợ chua, ợ nóng rát cổ hiệu quả:

  • Gừng: Gừng có tính ấm, giúp cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa và làm dịu bớt các vấn đề liên quan đến dạ dày. Khi gặp phải triệu chứng ợ nóng, bạn có thể uống một ly trà gừng ấm hoặc thêm gừng vào các món ăn hàng ngày để hỗ trợ cho hệ tiêu hóa.
  • Trà hoa cúc: Trong trà hoa cúc có chứa hợp chất làm dịu cơn co thắt trong dạ dày và hỗ trợ giải phóng khí thừa. Nhờ vậy, khi bạn sử dụng trà hoa cúc, các triệu chứng đầy bụng, ợ chua và khó tiêu sẽ được cải thiện rõ rệt. Nếu bạn uống trà đều đặt với liều lượng hợp lý, nó sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả các bệnh về đường tiêu hóa.
  • Mật ong: Mật ong từ lâu đã được biết đến như một phương thuốc tự nhiên giúp điều trị các vấn đề về dạ dày. Pha mật ong với nước ấm sẽ giúp làm dịu niêm mạc dạ dày, giảm bớt cảm giác ợ chua và hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả.
  • Lá bạc hà: Lá bạc hà chứa nhiều hợp chất có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa, giúp tăng cường khả năng tiêu hóa và thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Bạc hà còn giúp ngăn ngừa tình trạng trào ngược dịch vị dạ dày, đồng thời cải thiện các vấn đề tiêu hóa.

Ngoài ra, cam thảo, giấm táo, chuối,… cũng là một số nguyên liệu được chứng minh là có thể giúp cải thiện tình trạng dạ dày, từ đó làm giảm chứng ợ chua, ợ nóng. Đối với bà bầu bị ợ nóng, có thể kết hợp một số nguyên liệu như nha đam và mật ong, nghệ và sữa chua hoặc hạt thì là để cải thiện tình hình.

Nếu nhà có sẵn những nguyên liệu này bạn có thể thử tìm hiểu và áp dụng nhé.

3. Nhai kẹo cao su

Nhai kẹo cao su sau khi ăn cũng là cách hữu ích để loại bỏ mùi hôi miệng do thức ăn còn sót lại, đồng thời giúp giảm chứng ợ nóng, đặc biệt là ở những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Khi bạn gặp tình trạng miệng có vị chua do axit dạ dày trào ngược, việc nhai kẹo cao su sẽ giúp kích thích sản xuất nước bọt, từ đó giúp trung hòa axit và làm sạch miệng, giảm thiểu cảm giác khó chịu và bảo vệ răng miệng hiệu quả.

4. Đi bộ nhẹ nhàng sau bữa ăn

Thức ăn thường ở trong dạ dày khoảng 6 tiếng nên phải mất một thời gian mới có thể tiêu hóa hoàn toàn. Vì vậy, sau bữa ăn, bạn có thể cảm thấy ợ nóng rát ở cổ họng do còn thức ăn lưu lại trong dạ dày.

Để giảm bớt tình trạng này, bạn nên đi bộ nhẹ nhàng sau khi ăn để thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Tránh nằm xuống hoặc thực hiện các hoạt động mạnh ngay sau khi ăn.

5. Uống nước

Bổ sung nước giúp điều chỉnh độ pH trong dạ dày, cải thiện quá trình hệ tiêu hóa và ngăn ngừa tình trạng ợ nóng.

Khi cảm thấy khó chịu ở cổ họng hoặc ngực, bạn có thể thử uống nước theo từng ngụm nhỏ để giảm sự tích tụ axit trong thực quản. Không nên uống quá nhiều nước trong một lần, bởi nó có thể gây ra hiện tượng tràn vào dạ dày, hòa lẫn với axit và trào ngược lại trên thực quản.

6. Thay đổi thói quen sinh hoạt

Trên đây là một số biện pháp mà bạn có thể áp dụng khi bị ợ chua, ợ nóng để làm giảm cảm giác khó chịu nhanh chóng. Tuy nhiên, về lâu dài, bạn nên tập hình thành các thói quen sống lành mạnh để phòng tránh tình trạng này quay lại. Các phương pháp hạn chế ợ chua, ợ nóng quay lại bao gồm:

  • Thay đổi thói quen ăn uống: Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, ăn chậm nhai kỹ, hạn chế ăn khuya hoặc ăn quá no. Tránh ăn đồ cay nóng, nhiều axit, nhiều dầu, đồ có ga và có cồn.
  • Không dùng chất kích thích: Không sử dụng thuốc là hoặc các chất kích thích khác, bởi chúng có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và thực quản, gây trào ngược dạ dày.
  • Mặc đồ rộng rãi: Nên chọn trang phục thoải mái để tốt cho hệ tiêu hóa. Quần áo chật tạo áp lực lên vùng bụng, gây cản trở hoạt động của dạ dày và thực quản, làm tăng nguy cơ trào ngược axit.
  • Kiểm soát cân nặng: Cân nặng dư thừa có thể tạo áp lực lên hệ tiêu hóa và gây ra các triệu chứng khó chịu. Vì vậy bạn nên duy trì thói quen vận động thường xuyên, đồng thời tránh ăn các thực phẩm giàu chất béo để cải thiện và bảo vệ sức khỏe.

Lưu ý: Những phương pháp trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế hoàn toàn cho việc chẩn đoán hay điều trị y khoa. Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. Để xác định chính xác tình hình sức khỏe, nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ phù hợp.

Khi nào nên gặp bác sĩ để điều trị ợ chua, ợ nóng?

Nếu bạn đã thử hết các biện pháp trên mà tình trạng ợ nóng, ợ chua không thuyên giảm thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đặc biệt, nếu việc ợ nóng còn kèm theo những dấu hiệu sau thì nên sắp xếp thời gian đến bệnh viện ngay:

  • Ợ chua kéo dài kèm đau bụng, buồn nôn.
  • Cảm giác ợ bị vướng lại ở cổ họng, khó thở.
  • Đau tức ngực, rát cổ họng.
  • Có kèm táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Ợ ra máu.
  • Chướng bụng, đầy hơi khó tiêu.

Hy vọng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn nắm được một số cách chữa ợ nóng để áp dụng khi cần. Tuy nhiên nếu phát hiện thấy các vấn đề bất thường, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và có phương án điều trị phù hợp.

Cấp cứu

(84-24) 3574 1111

Đội ngũ bác sĩ cấp cứu và bác sĩ phẫu thuật được đào tạo nội bộ sẵn sàng 24/7.
Tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp khẩn cấp.

Chatbot