Rung thất là gì?
Rung thất là tình trạng tim đập nhanh bất thường, cơ tâm thất rung lên với tần số rất cao do các xung điện hỗn loạn.
Ở trạng thái bình thường, tim đập đều đặn với tần số 60-100 lần/ phút nhờ hệ thống dẫn truyền tim. Hệ thống này phát ra xung điện xuất phát từ nút xoang nằm ở tâm nhĩ phải, sau đó lần lượt dẫn truyền xung điện sang tâm nhĩ trái, nút nhĩ thất, bó His và mạng Purkinje xuống hai tâm thất. Nhờ đó, hai tâm nhĩ và hai tâm thất co bóp nhịp nhàng, đều đặn, giúp tim bơm máu tới các cơ quan trong cơ thể.
Trong rung thất, xung điện bất thường khiến tâm thất rung động hỗn loạn không thể co bóp để bơm máu. Kết quả là máu không được bơm ra từ tâm thất đến các cơ quan, đặc biệt là não và tim, dẫn đến ngừng tuần hoàn.
Nguyên nhân gây rung thất
Không phải tất cả trường hợp rung thất đều có thể xác định nguyên nhân. Nhìn chung, hầu hết bệnh nhân bị rung thất đều có bệnh tim nền như:
– Bệnh mạch vành: xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn một phần do các mảng xơ vữa, làm giảm lưu lượng máu và oxy đến cơ tim.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), bệnh động mạch vành là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do tim mạch trên toàn thế giới. Khoảng 80% các trường hợp rung thất xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành, đặc biệt là trong hoặc ngay sau cơn nhồi máu cơ tim.
– Nhồi máu cơ tim cấp (AMI): là tình trạng động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột. Cơ tim không nhận đủ máu dẫn đến hoại tử. Rung thất thường xảy ra trong hoặc sau cơn nhồi máu cơ tim cấp. Theo một nghiên cứu cho thấy, trong số bệnh nhân nhập viện do AMI, có đến 5-10% trường hợp bị rung thất hoặc nhịp nhanh thất trong cơn nhồi máu cơ tim cấp, 5% khác sẽ gặp biến chứng này trong vòng 48 giờ sau khi nhập viện.
– Bệnh cơ tim: bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim giãn… có thể làm thay đổi cấu trúc và chức năng của tim, làm tăng nguy cơ dẫn đến chứng loạn nhịp tim, bao gồm rung thất.
Ngoài ra, một số yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến rung thất:
– Tiền sử rung thất trước đó: Những bệnh nhân đã từng bị rung thất trước đó có nguy cơ cao tái phát rung thất, thường do các bệnh tim nền và tình trạng sức khỏe xấu đi theo thời gian.
– Di truyền: Những người mắc bệnh tim bẩm sinh, hội chứng Brugada… thường có nguy cơ rung thất cao hơn so với người bình thường.
– Tai nạn do điện giật hoặc chấn thương tim: làm rối loạn hoạt động điện của tim, gây ra các xung động bất thường dẫn đến rung thất.
– Mất cân bằng điện giải: Nồng độ kali, magie trong máu bất thường có thể làm rối loạn hoạt động điện của tim, góp phần gây ra rung thất.
Triệu chứng rung thất
Trong rung thất, lưu lượng máu lên não giảm nghiêm trọng khiến người bệnh nhanh chóng mất ý thức, dẫn đến ngất xỉu. Chuyển biến bệnh thường diễn ra rất nhanh, điều quan trọng để cứu sống người bệnh là cần can thiệp kịp thời.
Trước rung thất, người bệnh có thể có các triệu chứng cảnh báo như:
- Đau ngực
- Chóng mặt
- Khó thở
Tuy nhiên, những triệu chứng này thường không mang tính đặc hiệu khiến người bệnh khó nhận biết và xử trí cho đến khi cơn rung thất xảy ra.
Rung thất nguy hiểm thế nào?
Rung thất là một tình trạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân rung thất phụ thuộc vào thời gian từ khi khởi phát đến can thiệp sớm và khử rung tim. Nếu được cấp cứu sớm, tỷ lệ cứu sống bệnh nhân cao tới 50%.
Tuy nhiên, trên thực tế, máy khử rung tim không được bố trí sẵn có trong cộng đồng, việc can thiệp xử trí khi bệnh nhân rung thất ngoài bệnh viện trở nên khó khăn, chậm trễ. Sau 10 phút không được hồi sức tim phổi và sốc điện, khả năng cứu sống người bệnh gần như bằng không.
Hơn thế, ngay cả khi được cứu sống, có tới 30-40% bệnh nhân phải sống chung với biến chứng sau rung thất do thiếu oxy. Những trường hợp này thường khó có thể phục hồi hoàn toàn dù được điều trị.
Các biến chứng có thể gặp sau rung thất bao gồm:
- Tổn thương não
- Rối loạn nhịp tim sau khi khử rung tim
- Chấn thương do hồi sức tim phổi
- Bỏng da
- Khuyết tật vĩnh viễn
- Tổn thương cơ tim
- Tử vong
Chẩn đoán rung thất
Do tỷ lệ tử vong cao, cần nhanh chóng xác định tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn để cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Bác sĩ sẽ chẩn đoán rung thất dựa trên kết quả từ:
– Theo dõi tim: Màn hình đọc những xung điện tim sẽ cho thấy tim đập thất thường.
– Kiểm tra mạch: Trong rung thất, có thể không có mạch.
Sau khi cấp cứu cho bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để tìm ra nguyên nhân gây rung thất:
– Điện tâm đồ: là xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán nhồi máu cơ tim – nguyên nhân phổ biến gây ra rung thất. Điện tâm đồ ghi lại các tín hiệu điện từ tim qua các điện cực gắn trên da giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng tổn thương tim.
– Xét nghiệm máu: khi cơ tim bị hoại tử, troponin sẽ được phóng thích vào máu. Thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ biết được nồng độ troponin trong máu, từ đó xác định liệu có cơn nhồi máu cơ tim hay không.
– Chụp X-quang: thông qua ảnh phim X-quang tim, bác sĩ sẽ quan sát những dấu hiệu bất thường về kích thước và hình dạng tim, hệ thống mạch máu…
– Siêu âm tim: thường được chỉ định kết hợp với điện tâm đồ trong phát hiện và xác định nhồi máu cơ tim khi có dấu hiệu bệnh hoặc thông tin nghi ngờ khác. Cùng với đó, siêu âm tim cũng hỗ trợ đánh giá chức năng, hoạt động của tim, van tim…
– Chụp động mạch vành: ảnh chụp mạch vành giúp bác sĩ phát hiện khu vực bị tắc nghẽn. Nếu có tắc nghẽn, bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật nong mạch vành hoặc đặt stent để mở rộng động mạch, cải thiện tuần hoàn máu, nhờ đó giảm nguy cơ rung thất.
– Chụp cắt lớp vi tính tim (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): nhằm tái tạo hình ảnh 2 chiều – 3 chiều của cấu trúc tim bao gồm màng tim, mạch vành tim, cơ tim và van tim, từ đó bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác các vấn đề tim mạch nếu có.
Điều trị rung thất
Rung thất là một trường hợp khẩn cấp đòi hỏi can thiệp y tế ngay lập tức. Bệnh nhân rung thất sẽ mất ý thức trong vòng vài giây và nhanh chóng ngừng thở hoặc mất mạch. Cấp cứu điều trị rung thất bao gồm hồi sức tim phổi (CPR) và sốc tim với một thiết bị gọi là máy khử rung.
– Hồi sức tim phổi (CPR): Ép tim ngoài lồng ngực bệnh nhân với tần số 100-120 lần/phút để duy trì lưu lượng máu đến các cơ quan cho đến khi máy khử rung sẵn sàng sốc điện.
– Sốc điện: Sốc điện được thực hiện nhằm khôi phục nhịp tim bình thường. Sau sốc điện tim, bệnh nhân cần được theo dõi liên tục nhịp tim, độ bão hòa oxy máu động mạch trên monitor, nhịp thở, huyết áp. Nếu bị rối loạn nhịp, bệnh nhân cần sử dụng thuốc chống loạn nhịp theo chỉ định của bác sĩ.
Phòng ngừa rung thất
Phòng ngừa rung thất bao gồm việc thay đổi lối sống và kiểm soát tốt các tình trạng bệnh tim nền nếu có.
Với các trường hợp phát hiện tình trạng hẹp, tắc mạch vành, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện nong mạch, đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành nhằm giảm thiểu nguy cơ dẫn đến rung thất.
– Nong mạch và đặt stent là kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da, giúp mở rộng lòng động mạch, phục hồi lưu lượng máu và giảm nguy cơ biến chứng do tắc nghẽn mạch máu.
– Phẫu thuật bắc cầu mạch vành là thủ thuật phức tạp hơn, bác sĩ sẽ lấy mảnh ghép từ mạch máu khỏe mạnh khác trong cơ thể (thường là động mạch ở thành ngực, tay hoặc chân) để làm cầu nối bắc qua đoạn mạch bị tắc hẹp, tạo ra con đường mới cho dòng máu lưu thông, loại bỏ yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến rung thất.
Về lối sống, người bệnh cần duy trì những thói quen lành mạnh để tăng cường sức khỏe tim mạch:
– Ăn uống lành mạnh: nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, protein như đậu nành, đậu, các loại hạt, cá, thịt gia cầm không da và các sản phẩm từ sữa ít béo. Hạn chế muối, đường và chất béo bão hòa.
– Tập thể dục: Không chỉ giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, tập thể dục thường xuyên là biện pháp để kiểm soát đái tháo đường, cholesterol và huyết áp cao, nhờ đó giảm nguy cơ bệnh liên quan đến tim. Cố gắng tập 30-60 phút tất cả các ngày trong tuần với các môn thể thao phù hợp với sức khỏe.
– Kiểm soát cân nặng: Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Do đó, người bệnh cần giảm cân nếu chỉ số khối cơ thể BMI lớn hơn hoặc bằng 25.
– Không hút thuốc: Hút thuốc là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim, đặc biệt là xơ vữa động mạch. Tốt nhất bạn nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.
– Kiểm soát huyết áp và cholesterol: Dùng thuốc theo chỉ định và kiểm tra sức khỏe định kỳ để kiểm soát huyết áp cao hoặc cholesterol cao.
– Từ bỏ rượu: Uống rượu thường xuyên có liên quan đến nguy cơ rung thất cao. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ, so với những người không uống rượu, người uống nhiều hơn 15 đơn vị rượu mỗi tuần có nguy cơ rung thất trước khi can thiệp động mạch vành qua da (PCI) cao gấp 3,30 lần.
Phát hiện sớm và điều trị rung thất tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội
Rung thất là tình trạng cực kỳ nguy hiểm, cần được can thiệp kịp thời để cứu sống bệnh nhân. Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là địa chỉ uy tín trong tầm soát, điều trị và cấp cứu các bệnh lý tim mạch với:
- Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tim mạch nhiều năm kinh nghiệm như: TS. BS. Ngô Chí Hiếu – tiến sĩ Nội Tim mạch nguyên Trưởng khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Tim Hà Nội; TS. BS. Alain Patrice Lebon – tiến sĩ y khoa Tim mạch từng làm việc tại nhiều bệnh viện lớn tại Pháp; BSCKII. Phạm Thu Thủy đào tạo chuyên sâu tại Pháp, nhiều năm công tác tại Bệnh viện Bạch Mai;
- Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng cấp cứu túc trực 24/7, sẵn sàng cứu chữa khẩn cấp với trang thiết bị cấp cứu hiện đại.
- Đầy đủ thiết bị thực hiện các cận lâm sàng quan trọng trong chẩn đoán: siêu âm tim doppler màu, siêu âm tim qua đường thực quản, điện tâm đồ, điện tâm đồ gắng sức, chụp mạch vành…
- Hệ thống phòng chụp mạch vành, can thiệp số hóa DSA hiện đại, tuân thủ quy định nghiêm ngặt về phòng chống nhiễm khuẩn.
- Các gói khám tầm soát tim mạch toàn diện đáp ứng nhu cầu phát hiện sớm nguy cơ tim mạch tiềm ẩn, chương trình đánh giá tim mạch cho người chơi thể thao…
Trong tình huống khẩn cấp, liên hệ ngay hotline cấp cứu: 024 3574 1111