Skip to content
Kiến thức - Tháng 5 27, 2025

Top 5 nguyên nhân gây đau bụng dưới, đau trên dây rốn sau sinh

Cập nhật lần cuối: Tháng 6 23, 2025

Đau bụng dưới hoặc đau vùng trên rốn sau sinh là tình trạng khiến nhiều mẹ lo lắng, đặc biệt khi cơn đau kéo dài hoặc kèm theo biểu hiện bất thường. Đây có thể là phản ứng sinh lý bình thường nhưng cũng có thể liên quan đến các vấn đề hậu sản.

Top 5 nguyên nhân gây đau bụng dưới, đau quanh rốn sau sinh

Có nhiều nguyên nhân gây ra đau bụng dưới sau sinh cho sản phụ, trong đó phổ biến là do sản dịch ứ đọng, sự phục hồi của tử cung, vết rạch sinh mổ hoặc do nhiễm trùng.

1. Đau bụng do ứ đọng sản dịch

Một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau bụng dưới sau sinh là tình trạng bế sản dịch. Sản dịch là chất lỏng chảy ra từ tử cung trong suốt quá trình hồi phục sau sinh, bao gồm máu và các mô tế bào. Trong một số trường hợp, sản dịch không thể thoát ra ngoài hoàn toàn mà bị ứ đọng lại trong tử cung, gây ra cơn đau bụng dữ dội.

Khi sản dịch ứ đọng, cơ thể sẽ phản ứng với việc tạo ra các cơn co thắt tử cung để đẩy chất lỏng ra ngoài. Tuy nhiên, nếu không có sự can thiệp kịp thời, cơn đau có thể kéo dài và nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ.

2. Đau bụng do quá trình tử cung co hồi

Sau khi sinh, tử cung của người mẹ sẽ trải qua một quá trình co lại để trở về kích thước ban đầu, giúp ngừng chảy máu và tránh các biến chứng nguy hiểm. Đây là một quá trình sinh lý bình thường nhưng có thể gây ra đau bụng dưới.

Cảm giác đau này thường giống như những cơn co thắt trong quá trình chuyển dạ, nhưng ít dữ dội hơn. Cơn đau có thể kéo dài trong vài ngày đầu sau sinh và đặc biệt cảm nhận rõ khi sản phụ cho con bú, do sự kích thích của việc bú khiến tử cung co thắt mạnh hơn.

Hầu hết các sản phụ đều gặp phải tình trạng đau bụng do tử cung co hồi. Tuy nhiên, mức độ đau và thời gian kéo dài của các cơn đau này phụ thuộc vào từng người và phương pháp sinh. Những sản phụ sinh mổ có thể gặp phải cơn đau kéo dài hơn do tác động của ca phẫu thuật.

3. Đau bụng do vết rạch hoặc vết mổ

Sản phụ sinh mổ sẽ phải đối mặt với những cơn đau bụng dưới do vết mổ. Các cơn đau này thường là do sự tác động trực tiếp từ vết cắt vào lớp da và cơ vùng bụng. Cảm giác đau có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần và sẽ giảm dần khi vết mổ lành lại.

Ngoài vết mổ, đối với những sản phụ sinh thường, các cơn đau có thể xuất phát từ vết rạch tầng sinh môn hoặc vết rách âm đạo. Những vết thương này sẽ lành lại trong thời gian sau sinh, nhưng trong quá trình đó, sản phụ có thể cảm thấy đau nhức và khó chịu, đặc biệt là khi di chuyển hoặc khi cho con bú.

4. Đau bụng do táo bón

Táo bón là một vấn đề phổ biến mà nhiều sản phụ gặp phải sau sinh. Các nguyên nhân gây táo bón có thể bao gồm sự thay đổi nội tiết tố, thiếu hoạt động thể chất, chế độ ăn nghèo chất xơ, hoặc ảnh hưởng từ việc dùng thuốc giảm đau. Một trong những nguyên nhân phổ biến khác là do vết rạch tầng sinh môn hoặc rách âm đạo gây đau khi đi tiêu, khiến sản phụ gặp khó khăn trong việc tống hết chất thải.

Khi táo bón xảy ra, bụng dưới có thể bị căng và đau do sự tích tụ của phân trong ruột. Việc không điều trị táo bón kịp thời có thể khiến tình trạng này kéo dài và làm tăng mức độ khó chịu.

5. Đau bụng do nhiễm trùng hậu sản

Nhiễm trùng là một nguyên nhân nghiêm trọng gây đau bụng dưới sau sinh, đặc biệt nếu sản phụ không được chăm sóc và vệ sinh đúng cách. Các nhiễm trùng có thể xảy ra tại vết mổ, vết khâu tầng sinh môn, hoặc các cơ quan khác như tử cung và âm đạo. Ngoài đau bụng, nhiễm trùng còn có thể kèm theo các triệu chứng như sốt cao, mùi hôi từ vùng kín và khó chịu toàn thân.

Một trong các loại nhiễm trùng nguy hiểm là viêm nội mạc tử cung, khi lớp niêm mạc tử cung bị vi khuẩn tấn công và gây viêm. Việc điều trị nhiễm trùng cần phải sử dụng kháng sinh, và nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai.

Đau bụng dưới có thể kéo dài bao lâu sau khi sinh?

Thời gian đau bụng dưới sau khi sinh có thể hết trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh, tuy nhiên thời gian kéo dài cụ thể có thể khác nhau tùy vào nguyên nhân gây ra cơn đau.

Nếu sản phụ sinh thường, các cơn đau sẽ bắt đầu ngay sau khi em bé ra đời, đặc biệt là vào ngày thứ 2 và 3 sau sinh. Cơn đau có xu hướng giảm dần trong khoảng 8-10 ngày và hoàn toàn hết trong khoảng 6 tuần đầu. Những cơn đau sẽ tăng lên khi bạn cho con bú. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài quá lâu, bạn nên đi thăm khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Với sản phụ sinh mổ, cơn đau có thể kéo dài hơn một chút so với sinh thường. Cùng với đó, các cơn đau do tử cung co lại sẽ giảm dần trong khoảng 8-10 ngày sau sinh. Bạn cần chú ý chăm sóc vết mổ cẩn thận để tránh nhiễm trùng và giúp vết thương lành nhanh chóng.

Cần làm gì khi bị đau bụng dưới sau sinh?

Để cải thiện tình trạng bị đau bụng dưới sau khi sinh, mẹ có thể tham khảo một số phương pháp sau:

  • Sử dụng thuốc giảm đau: Nếu cơn đau trở nên quá mức và ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt của bạn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc giảm đau phù hợp với tình trạng của bạn.
  • Vận động nhẹ nhàng: Mặc dù đau bụng có thể khiến bạn cảm thấy không muốn di chuyển, nhưng việc đi bộ nhẹ nhàng hoặc vận động cơ thể có thể giúp giảm cơn đau. Ngoài ra, vận động cũng giúp cải thiện tình trạng táo bón, nếu bạn gặp phải.
  • Chườm ấm: Với các cơn đau do vết mổ, bạn có thể áp dụng chườm ấm lên vùng đau để giảm cảm giác rát hoặc ngứa, đồng thời làm dịu vết thương.
  • Bổ sung chất xơ: Để phòng tránh táo bón, bạn nên tăng cường các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi trong chế độ ăn và đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày.

Tuy nhiên, nếu cơn đau bụng kéo dài, có xu hướng nặng dần hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường như sốt, dịch âm đạo có mùi hôi hoặc có máu, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Một trong những nỗi lo lớn nhất của các sản phụ là cảm giác đau đớn sau khi sinh con. Mỗi cử động cũng có thể gây ra cơn đau khó chịu. Hiểu được những khó khăn và nỗi lo lắng trong quá trình mang thai và sinh nở, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đã phát triển chương trình chăm sóc thai sản, đảm bảo sự thoải mái cho mẹ cả trong và sau khi sinh.

Chương trình được thiết kế với lộ trình thăm khám sức khỏe khoa học từ khi mang thai đến sau khi sinh. Đồng hành cùng mẹ là đội ngũ bác sĩ sản phụ khoa giàu kinh nghiệm, có chuyên môn cao, cùng hệ thống thiết bị y tế hiện đại, giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.

Lưu ý: Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho ý kiến hay chẩn đoán từ bác sĩ chuyên khoa. Sản phụ không nên tự ý điều trị tại nhà mà càn tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo phục hồi nhanh chóng, không ảnh hưởng sức khỏe.

Đau bụng dưới sau sinh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu cơn đau kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng lạ, sản phụ cần đến gặp bác sĩ sớm sẽ giúp sản phụ nhận được sự can thiệp và điều trị kịp thời.

Cấp cứu

(84-24) 3574 1111

Đội ngũ bác sĩ cấp cứu và bác sĩ phẫu thuật được đào tạo nội bộ sẵn sàng 24/7.
Tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp khẩn cấp.

Chatbot