Skip to content
Kiến thức, Thư viện bệnh - Tháng 5 27, 2025

Nhiễm lạnh sau sinh nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách xử lý

Cập nhật lần cuối: Tháng 6 23, 2025

Sau sinh, cơ thể người mẹ còn yếu nên rất dễ bị nhiễm lạnh nếu không được chăm sóc đúng cách. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

Tình trạng nhiễm lạnh sau sinh là gì?

Cảm giác ớn lạnh sau sinh là tình trạng mà mẹ bỉm cảm thấy cơ thể lạnh từ đầu đến chân hoặc ở một số khu vực nhất định, mà không thể làm ấm được. Tình trạng này tái diễn nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến cả tinh thần lẫn sức khỏe của mẹ.

Thời gian trải qua cảm giác lạnh có thể khác nhau ở mỗi người, một số người chỉ lạnh trong vài phút, trong khi người khác có thể kéo dài từ vài giờ đến cả ngày. Khi bị ớn lạnh, mẹ thường cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, run rẩy, sổ mũi, sốt, viêm họng… và cần được nghỉ ngơi.

Ngoài ra, một số sản phụ có thể cảm thấy lạnh sau khi tiếp xúc với không khí lạnh hoặc sử dụng nước lạnh. Tuy nhiên, triệu chứng này có thể nặng hơn nếu mẹ gặp phải vấn đề về sức khỏe như huyết áp thấp, nhiễm trùng hay sốt.

Bị lạnh người sau sinh có nguy hiểm không?

Bị ớn lạnh sau khi sinh thường không gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe, nhưng có thể khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi và bị ảnh hưởng đến tâm lý.

Nếu được chăm sóc kịp thời, cơn ớn lạnh có thể giảm bớt trong vài ngày. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc đúng cách, tình trạng nhiễm lạnh có thể kéo dài và phát triển thành các vấn đề phức tạp hơn.

Nếu tình trạng này kéo dài hoặc đi kèm với các triệu chứng bất thường khác như sốt cao, đau bụng, hoặc dịch tiết âm đạo có mùi hôi, thì đó có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng hậu sản.

Vì sao sản phụ bị nhiễm lạnh sau khi sinh?

Một số nguyên nhân khiến sản phụ bị nhiễm lạnh sau sinh bao gồm sự thay đổi nội tiết tố, mất máu sau khi sinh, kiêng cữ sai cách, hoặc một số vấn đề về tâm lý.

Mất máu sau sinh

Trong quá trình sinh nở, đặc biệt là sinh mổ hoặc gặp phải các biến chứng, sản phụ có thể mất một lượng máu đáng kể. Máu không chỉ giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể mà còn cung cấp oxy và dưỡng chất cho các tế bào. Khi mất máu, cơ thể dễ bị hạ nhiệt, dẫn đến hiện tượng ớn lạnh.

Không chỉ vậy, chảy máu sau sinh còn ảnh hưởng đến tuần hoàn, huyết áp và nhịp tim, làm tình trạng ớn lạnh càng thêm nghiêm trọng.

Nội tiết tố thay đổi

Sự thay đổi đột ngột về hormone trong cơ thể chính là một trong những nguyên nhân gây cảm giác ớn lạnh sau sinh. Trong suốt thời gian mang thai và sinh nở, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều biến động về hormone, đặc biệt là oxytocin.

Oxytocin được sản xuất bởi não và tiết vào hệ tuần hoàn trong quá trình sinh. Hormone này giúp kích thích co bóp tử cung, giảm đau và tạo cảm giác hạnh phúc, gắn kết giữa mẹ và con.

Tuy nhiên, sau khi sinh, mức độ oxytocin giảm mạnh, gây mất cân bằng hormone. Trong những giờ đầu sau sinh, cơ thể cần thời gian để điều chỉnh lại, khiến người mẹ có cảm giác ớn lạnh.

Cảm giác này thường gặp hơn ở những phụ nữ trải qua quá trình sinh nở phức tạp hoặc có mức oxytocin thấp trong thai kỳ.

Kiêng cữ không đúng cách

Việc kiêng cữ quá mức như hạn chế tắm rửa, tránh gió, mặc đồ quá kín hoặc ít ra ngoài có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Khi đó, sự thay đổi nhiệt độ hoặc tiếp xúc với các yếu tố có hại có thể dễ dàng khiến sản phụ bị nhiễm lạnh, dẫn đến hiện tượng ớn lạnh sau sinh.

Vấn đề tâm lý

Sau sinh, phụ nữ thường phải đối mặt với nhiều thay đổi như cơn đau, mất ngủ, lo lắng về ngoại hình và việc chăm sóc bé. Căng thẳng kéo dài có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị tác nhân có hại xâm nhập, dẫn đến hiện tượng ớn lạnh.Ngoài những nguyên nhân trên, việc tắm đêm, tắm nơi có gió lạnh hoặc tiếp xúc với mưa cũng có thể góp phần gây ra tình trạng ớn lạnh sau sinh.

Xử lý và ngăn ngừa tình trạng bị nhiễm lạnh sau sinh

Dưới đây là một số biện pháp mà sản phụ có thể tham khảo khi bị để phòng tránh hoặc giảm bớt tình trạng bị ớn lạnh sau sinh:

Giữ ấm cơ thể

Biện pháp đơn giản và quan trọng nhất để ngăn ngừa nhiễm lạnh là giữ ấm cơ thể. Sản phụ nên mặc quần áo ấm và có thể sử dụng chăn để giữ nhiệt trong suốt giai đoạn hậu sản. Các bộ quần áo mềm, thoải mái nhưng đủ ấm sẽ giúp cơ thể sản phụ duy trì nhiệt độ ổn định, tránh việc bị lạnh đột ngột.

Cần đặc biệt chú ý đến các vùng dễ bị lạnh như cổ, tay và chân. Đối với những sản phụ sinh vào mùa lạnh, việc mang găng tay, mũ và khăn quàng là cần thiết để bảo vệ cơ thể khỏi những tác động của môi trường.

Ngoài ra, chú ý chỉ sử dụng nước ấm để uống hoặc vệ sinh cơ thể, cũng không nên ăn đồ ăn lạnh trước khi sức khỏe phục hồi hoàn toàn.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Sản phụ nên bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt là vitamin C, vitamin A và các khoáng chất như kẽm và sắt, giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi và tăng cường khả năng miễn dịch. Một chế độ ăn giàu protein từ thịt, cá, trứng và các thực phẩm từ thực vật như rau xanh và trái cây sẽ giúp cơ thể duy trì sức khỏe và sức đề kháng tốt.

Chăm sóc vệ sinh cơ thể và không gian sống

Việc duy trì vệ sinh cơ thể sạch sẽ giúp sản phụ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Các sản phụ nên đảm bảo không gian sống không quá ẩm ướt và cần có sự thông gió hợp lý. Tránh để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với gió lạnh hoặc không khí có độ ẩm cao. Khi tắm rửa, sản phụ cần chú ý đến việc không để nước lạnh làm cơ thể bị lạnh đột ngột.

Nghỉ ngơi đầy đủ và giảm căng thẳng

Để tăng cường sức khỏe và đề kháng, sản phụ cần có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ. Việc thiếu ngủ và căng thẳng có thể làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến sản phụ dễ bị nhiễm lạnh và các bệnh lý khác.

Sản phụ cần tạo điều kiện để có giấc ngủ sâu, giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng. Ngoài ra, việc giữ tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng cũng giúp tăng cường sức đề kháng và cải thiện khả năng hồi phục sau sinh.

Tập thể dục nhẹ nhàng

Tập thể dục nhẹ nhàng sau sinh sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu và điều hòa thân nhiệt. Các bài tập như đi bộ nhẹ, yoga cho sản phụ hoặc các bài tập thư giãn có thể giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi và tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên thực hiện các bài tập quá sức trong giai đoạn đầu sau sinh.

Thăm khám định kỳ và theo dõi sức khỏe

Trong quá trình hồi phục sau sinh, sản phụ cần theo dõi sát sao sức khỏe của mình và tham khảo ý kiến bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường. Nếu có các triệu chứng nhiễm lạnh kéo dài như sốt, ho, hoặc mệt mỏi, sản phụ nên đi khám để nhận được sự điều trị kịp thời. Việc phát hiện và xử lý các vấn đề sức khỏe sớm sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng và giảm thiểu tác động xấu đến cơ thể.

Sau khi sinh, cơ thể mẹ phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, trong đó một số vấn đề mà nhiều người gặp phải bao gồm sản dịch kéo dài sau sinh, đau tay, đau đầu, chóng mặt hay các vấn đề tâm lý như trầm cảm. Nếu đề kéo dài, các tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng phức tạp và nguy hiểm hơn.

Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là địa chỉ uy tín, được biết đến với dịch vụ chăm sóc sức khỏe thai sản chất lượng cao. Khoa Sản của bệnh viện cam kết mang đến một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn cho các sản phụ, với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và cơ sở vật chất hiện đại.

Mẹ có thể tham khảo Chương trình thai sản của bệnh viện viện để yên tâm hơn khi có quy trình chăm sóc toàn diện, khoa học, theo sát sức khỏe từ khi mang thai đến khi sinh con.

Lưu ý: Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa. Nếu nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, sản phụ nên đến cơ sở y tế uy tín và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Nhiễm lạnh sau sinh là tình trạng phổ biến nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu nhận diện sớm. Việc duy trì chế độ chăm sóc hợp lý, giữ ấm cơ thể và theo dõi sức khỏe định kỳ sẽ giúp sản phụ hồi phục nhanh chóng và tránh được những rủi ro không đáng có. Hãy luôn chăm sóc bản thân và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế khi cần thiết.

Cấp cứu

(84-24) 3574 1111

Đội ngũ bác sĩ cấp cứu và bác sĩ phẫu thuật được đào tạo nội bộ sẵn sàng 24/7.
Tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp khẩn cấp.

Chatbot