Siêu âm tim gắng sức là gì?
Siêu âm tim gắng sức là phương pháp siêu âm tim được thực hiện khi người bệnh ở trạng thái gắng sức. Hai hình thức gắng sức chính là gắng sức bằng thể lực hoặc gắng sức bằng thuốc. Ở hình thức gắng sức bằng thể lực, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh đạp xe hoặc đi bộ. Nếu phương pháp này không phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định gắng sức bằng thuốc, sử dụng một số thuốc như dobutamine hoặc dipyridamole để làm tăng nhịp tim và nhu cầu oxy của cơ tim.
Bằng cách so sánh hình ảnh siêu âm tim trước, trong và sau khi gắng sức, bác sĩ có thể phát hiện các vùng cơ tim bị giảm tưới máu hoặc suy giảm chức năng co bóp do thiếu oxy. Những tình trạng này có thể không xuất hiện lúc cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh mạch vành, đánh giá mức độ tổn thương cơ tim và đưa ra hướng điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Siêu âm tim gắng sức bằng thể lực
Siêu âm tim gắng sức bằng thể lực là một phương pháp phổ biến giúp đánh giá chức năng tim khi hoạt động gắng sức. Bệnh nhân sẽ thực hiện bài tập thể lực nhằm kích thích tim đập nhanh hơn và tăng nhu cầu oxy cơ tim, từ đó giúp bác sĩ phát hiện các rối loạn tưới máu cơ tim và những bất thường về chức năng tim có thể không xuất hiện khi nghỉ ngơi.
Phương pháp này có thể được thực hiện bằng hai hình thức vận động chính: chạy bộ trên băng tải hoặc sử dụng xe đạp nằm. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tập trung vào siêu âm tim gắng sức sử dụng xe đạp, phương pháp phổ biến hơn tại Việt Nam do phù hợp với nhiều đối tượng bệnh nhân, đặc biệt là người lớn tuổi và những người có vấn đề về khớp.
Quy trình thực hiện bao gồm ba giai đoạn: nghỉ ngơi, gắng sức và hồi phục.
- Siêu âm tim lúc nghỉ ngơi: Bệnh nhân được yêu cầu nằm ngửa, các điện cực được gắn lên ngực để theo dõi điện tâm đồ và huyết áp trong suốt quá trình thực hiện. Bác sĩ tiến hành siêu âm tim lúc nghỉ để thu thập các chỉ số cơ bản về cấu trúc và chức năng tim, bao gồm phân suất tống máu thất trái, vận động thành tim và dòng chảy trong tim.
- Siêu âm tim khi gắng sức: Máy đạp xe chuyên dụng được bố trí để người bệnh có thể đạp xe ở tư thế nằm. Các mức tải (mức độ nặng – nhẹ) khi đạp sẽ được bác sĩ điều chỉnh trong quá trình thực hiện phương pháp. Bệnh nhân bắt đầu đạp xe với mức tải ban đầu, sau đó mức tải sẽ tăng dần theo từng bậc, tùy thuộc vào tình trạng và khả năng gắng sức của bệnh nhân. Trong suốt quá trình này, bác sĩ liên tục theo dõi hình ảnh siêu âm, nhịp tim, huyết áp và điện tâm đồ để phát hiện dấu hiệu thiếu máu cơ tim hoặc rối loạn nhịp. Nghiệm pháp sẽ được dừng lại nếu bệnh nhân đạt mức gắng sức tối đa dự đoán theo tuổi và giới, hoặc xuất hiện các triệu chứng không dung nạp như đau ngực nặng, khó thở nhiều, chóng mặt, mệt lả hoặc có các thay đổi bất thường trên điện tâm đồ hoặc có sự thay đổi huyết áp bất thường.
- Siêu âm tim giai đoạn hồi phục: Sau khi ngừng gắng sức, bác sĩ tiếp tục ghi lại hình ảnh siêu âm tim, theo dõi huyết áp, điện tâm đồ của bệnh nhân trong khoảng 10-15 phút hoặc cho đến khi các chỉ số trở về trạng thái bình thường.
Hình ảnh và các chỉ số thu được ở ba giai đoạn nghỉ, gắng sức và hồi phục sẽ được so sánh để đánh giá chức năng tim, phát hiện các bất thường mới xuất hiện hoặc trở nên rõ ràng hơn khi gắng sức.
Phương pháp này không xâm lấn, an toàn và có thể thực hiện nhiều lần, nhưng không phù hợp với bệnh nhân có hạn chế về khả năng vận động. Ở một số ít trường hợp có thể gặp triệu chứng mệt mỏi, choáng hoặc xuất hiện các biến cố tim mạch, do đó cần được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Siêu âm tim gắng sức bằng thuốc
Siêu âm tim gắng sức bằng thuốc được áp dụng cho bệnh nhân không thể vận động do các bệnh lý cơ xương khớp, thần kinh hoặc tình trạng sức khỏe yếu. Thay vì tập thể dục, bệnh nhân sẽ được truyền tĩnh mạch thuốc như dobutamine nhằm kích thích tim đập nhanh và mạnh hơn hoặc dipyridamole gây giãn mạch, làm thay đổi lưu lượng máu đến tim.
Trước khi bắt đầu, bác sĩ sẽ giải thích quy trình và kiểm tra các chống chỉ định, bao gồm bệnh nhân có tiền sử loạn nhịp nặng, hạ huyết áp nặng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (nếu sử dụng thuốc giãn mạch) hoặc dị ứng với thuốc sử dụng.
Bệnh nhân được yêu cầu nằm ngửa trên giường, các điện cực gắn trên ngực bệnh nhân để theo dõi điện tâm đồ, huyết áp trong suốt quá trình.
Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm tim lúc nghỉ, sau đó truyền thuốc với liều tăng dần để kích thích tim.Khi nhịp tim đạt mức mong muốn, bác sĩ tiến hành siêu âm tim ở trạng thái kích thích, đồng thời theo dõi chặt chẽ người bệnh để kịp thời xử lý các phản ứng phụ có thể xảy ra, như đau ngực, hồi hộp, tụt huyết áp, nhịp nhanh hoặc loạn nhịp nguy hiểm.
Sau đó, bác sĩ sẽ đưa nhịp tim về bình thường bằng cách sử dụng thuốc chẹn beta nếu bệnh nhân được kích thích bằng dobutamine hoặc sử dụng aminophylline nhằm trung hòa tác dụng giãn mạch nếu bệnh nhân dùng dipyridamole có triệu chứng không dung nạp.
Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi điện tâm đồ, huyết áp, triệu chứng cho đến khi các chỉ số ổn định.
Siêu âm tim gắng sức được chỉ định khi nào?
Siêu âm tim gắng sức được chỉ định trong nhiều trường hợp nhằm đánh giá chức năng tim khi tim phải hoạt động ở cường độ cao. Phương pháp này giúp bác sĩ kiểm tra tình trạng tưới máu cơ tim, phát hiện bệnh lý tim mạch tiềm ẩn và đánh giá hiệu quả điều trị sau can thiệp.
- Chẩn đoán bệnh mạch vành: Đây là một trong những chỉ định quan trọng nhất của siêu âm tim gắng sức. Khi bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ như đau thắt ngực, khó thở khi gắng sức, đánh trống ngực hoặc mệt mỏi không rõ nguyên nhân, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện phương pháp này để xác định tim có được cung cấp đủ máu khi làm việc nặng hay không. Ngoài ra, siêu âm tim gắng sức cũng giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh mạch vành đối với những bệnh nhân đã được chẩn đoán trước đó, từ đó đưa ra quyết định điều trị phù hợp.
- Đánh giá chức năng tim sau can thiệp hoặc phẫu thuật tim mạch: Phương pháp này thường được áp dụng để theo dõi sau khi bệnh nhân đã trải qua các thủ thuật hoặc phẫu thuật quan trọng như đặt stent động mạch vành, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành hoặc thay van tim nhân tạo. Mục tiêu là kiểm tra xem tim có hoạt động hiệu quả sau điều trị hay không, đồng thời đánh giá nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch trong tương lai.
- Đánh giá chức năng van tim, bệnh cơ tim và kiểm tra khả năng dự trữ lưu lượng máu của tim: Siêu âm tim gắng sức có thể giúp phát hiện bệnh van tim (hẹp van, hở van) và các bệnh lý cơ tim (bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ). Đặc biệt, phương pháp này hữu ích trong việc kiểm tra khả năng dự trữ lưu lượng máu của tim, giúp bác sĩ đánh giá xem tim có thể đáp ứng tốt với nhu cầu oxy khi hoạt động cường độ cao hay không.
Đối với một số bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao nhưng chưa có triệu chứng rõ ràng (chẳng hạn như người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp lâu năm hoặc rối loạn mỡ máu), siêu âm tim gắng sức có thể giúp sàng lọc nguy cơ bệnh lý tim mạch từ sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Dựa vào kết quả siêu âm tim gắng sức, cùng thăm khám lâm sàng và các chỉ định cận lâm sàng khác, bác sĩ có thể phát hiện các vấn đề tim mạch tiềm ẩn và theo dõi hiệu quả điều trị, từ đó tối ưu hóa phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân.
Siêu âm tim gắng sức có an toàn không?
Siêu âm tim gắng sức là một phương pháp chẩn đoán được thực hiện rộng rãi trong đánh giá chức năng tim. Để đảm bảo an toàn khi siêu âm tim gắng sức, người bệnh cần được chỉ định phù hợp và theo dõi sát sao bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Nhìn chung, siêu âm tim gắng sức khá an toàn nhưng vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ nhẹ như chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, đánh trống ngực hoặc tăng/giảm huyết áp tạm thời. Đối với phương pháp dùng thuốc, một số bệnh nhân có thể cảm thấy nóng bừng, đau đầu, hồi hộp hoặc khó chịu ở ngực, nhưng các triệu chứng này thường biến mất nhanh sau khi ngừng thuốc.
Trong một số ít trường hợp, có thể xảy ra các phản ứng nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim hoặc tăng huyết áp. Do đó các phòng gắng sức cần có trang bị đồ sơ/cấp cứu để kịp thời xử trí các vấn đề có thể xảy ra.
Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả siêu âm tim gắng sức
Kết quả của siêu âm tim gắng sức có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm:
- Tình trạng thể chất của bệnh nhân: Bệnh nhân có thể không đạt được mức gắng sức tối đa do mệt mỏi, đau chân, thiếu máu, suy nhược cơ thể hoặc các bệnh lý đi kèm như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh động mạch ngoại biên…
- Thuốc đang sử dụng: Một số thuốc như chẹn beta, chẹn kênh canxi, thuốc giãn mạch, thuốc kích thích thần kinh giao cảm… có thể làm thay đổi đáp ứng của tim với gắng sức.
- Chất lượng hình ảnh siêu âm: Hình ảnh siêu âm có thể bị hạn chế ở những bệnh nhân có thành ngực dày, béo phì, bệnh phổi mạn tính, biến dạng lồng ngực, hút thuốc hoặc nâng ngực. Điều này làm giảm độ rõ nét của hình ảnh, ảnh hưởng đến độ chính xác của chẩn đoán.
- Kỹ thuật thực hiện: Việc đặt đầu dò không đúng vị trí, thao tác đo không chính xác hoặc lựa chọn mặt cắt siêu âm không phù hợp có thể dẫn đến sai lệch kết quả. Ngoài ra, kinh nghiệm của bác sĩ thực hiện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá và phân tích hình ảnh.
- Tình trạng huyết động: Huyết áp, nhịp tim và cung lượng tim có thể ảnh hưởng đến kết quả, đặc biệt ở những bệnh nhân có rối loạn nhịp hoặc bệnh van tim.
- Yếu tố tâm lý: Lo lắng, căng thẳng hoặc sợ hãi có thể làm bệnh nhân không đạt được mức gắng sức tối đa, dẫn đến kết quả không phản ánh chính xác chức năng tim thực tế.
Để có kết quả chính xác, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, giữ tinh thần thoải mái và hợp tác tốt trong quá trình thực hiện, đảm bảo đạt được mức gắng sức tối ưu để đánh giá chức năng tim chính xác nhất.
Lưu ý trước khi thực hiện siêu âm tim gắng sức
Quá trình siêu âm tim gắng sức thường mất khoảng 45-60 phút. Để đảm bảo an toàn và đạt kết quả chính xác, bệnh nhân cần lưu ý một số điều quan trọng trước khi thực hiện siêu âm tim gắng sức:
- Không ăn uống trong vòng 3-4 giờ trước khi thực hiện.
- Thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng. Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi hoặc thuốc giãn mạch, bác sĩ có thể yêu cầu ngừng hoặc điều chỉnh liều trước khi thực hiện siêu âm tim gắng sức. Tuy nhiên, không được tự ý ngưng thuốc mà cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đối với siêu âm tim gắng sức bằng thể lực, bệnh nhân nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái và đi giày thể thao để dễ dàng thực hiện bài tập trên băng tải hoặc đạp xe. Tránh mặc quần áo quá bó sát hoặc giày dép không phù hợp, vì có thể gây khó chịu khi vận động.
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là đơn vị uy tín trong thăm khám, tầm soát và điều trị các bệnh lý tim mạch. Để đặt lịch thăm khám với các bác sĩ tim mạch, vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.