Skip to content
Kiến thức - Tháng 5 27, 2025

Xét nghiệm ADN: đối tượng, phương pháp, mẫu sinh phẩm chính xác nhất

Cập nhật lần cuối: Tháng 6 23, 2025

Xét nghiệm ADN có thể thực hiện cho người lớn, trẻ sơ sinh, thậm chí thai nhi tùy mục đích như xác minh huyết thống, chẩn đoán di truyền hay pháp lý.

Xét nghiệm ADN là gì?

Xét nghiệm ADN là phương pháp hiện đại và có độ chính xác vượt trội trong việc việc xác định mối quan hệ di truyền giữa 2 hoặc nhiều người. Phương pháp này có thể áp dụng để kiểm tra các mối quan hệ như cha mẹ và con cái, ông bà với cháu, anh chị em họ hàng, hay giữa anh em cùng cha hoặc chị em cùng cha.

ADN chứa thông tin di truyền đặc trưng và gần như không thay đổi suốt đời, giúp xác định danh tính cá nhân một cách chính xác. Thông qua việc so sánh các đoạn ADN giữa hai hoặc nhiều mẫu sinh phẩm, có thể xác định mức độ tương đồng và từ đó đưa ra kết luận về quan hệ huyết thống, nguy cơ di truyền bệnh lý hoặc đặc điểm sinh học cụ thể của từng cá thể.

Khi trình tự gen của người bố, mẹ và con trùng khớp hoàn toàn, tỷ lệ chứng minh có mối quan hệ huyết thống có thể gần như hoàn hảo.

Ai cần thực hiện xét nghiệm ADN?

Xét nghiệm ADN không chỉ phục vụ nhu cầu cá nhân mà còn đóng vai trò quan trọng trong y học và pháp lý. Dưới đây là các đối tượng nên cân nhắc thực hiện xét nghiệm ADN.

Người cần xác minh quan hệ huyết thống

Xét nghiệm ADN được sử dụng để xác định mối quan hệ huyết thống giữa các cá nhân, như cha – con, mẹ – con, ông – cháu hoặc anh chị em ruột. Phương pháp này rất hữu ích trong các tình huống cần xác minh, làm rõ mối quan hệ gia đình hoặc trong các tranh chấp về huyết thống.

Người thực hiện thủ tục pháp lý hoặc hành chính

Những người cần bổ sung giấy tờ pháp lý, chẳng hạn như khai sinh, nhận cha mẹ con, nhập quốc tịch hoặc thực hiện quyền thừa kế tài sản, có thể được yêu cầu xét nghiệm ADN. Để đảm bảo tính pháp lý, xét nghiệm phải được thực hiện tại các cơ sở được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền.

Người có nguy cơ mắc bệnh di truyền

Xét nghiệm ADN là công cụ quan trọng giúp phát hiện các đột biến gen di truyền liên quan đến các bệnh lý như ung thư vú, bệnh Huntington, xơ nang hoặc các bệnh lý chuyển hóa. Việc phát hiện sớm giúp người bệnh có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời, phù hợp với phương pháp y học cá thể hóa.

Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm ADN trước sinh

Phụ nữ mang thai trong một số trường hợp đặc biệt có thể được chỉ định xét nghiệm ADN trước sinh để xác định huyết thống của thai nhi hoặc phát hiện sớm các bất thường di truyền. Các xét nghiệm này cần được thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa sản – di truyền học, dưới sự tư vấn và theo dõi của bác sĩ chuyên môn.

Các mẫu sinh phẩm xét nghiệm ADN hiệu quả

Xét nghiệm ADN có thể được thực hiện từ nhiều loại mẫu sinh phẩm khác nhau, tùy thuộc vào mục đích và yêu cầu của xét nghiệm.

Mẫu máu

Máu là loại mẫu được sử dụng phổ biến trong nhiều xét nghiệm, bao gồm cả xét nghiệm ADN. Máu chứa lượng lớn tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu, là nguồn cung cấp ADN dồi dào, dễ dàng tách chiết và phân tích.

Quá trình lấy máu có thể thực hiện từ đầu ngón tay hoặc tĩnh mạch, nhưng để đảm bảo chất lượng và tránh sai sót, bạn không nên tự thực hiện mà cần sự hỗ trợ từ nhân viên y tế. Trong trường hợp xét nghiệm ADN để kiểm tra bệnh di truyền ở trẻ sơ sinh, mẫu máu sẽ được lấy từ gót chân của bé.

Mẫu tóc có chân

Mẫu tóc có chân được sử dụng trong các trường hợp cần bảo mật cao hoặc không thể lấy máu. ADN trong chân tóc (gốc tóc) có thể được phân tích để xác định danh tính cá nhân hoặc quan hệ huyết thống.

Tuy nhiên, mẫu tóc chỉ có thể được sử dụng nếu chân tóc còn nguyên vẹn, vì phần gốc tóc chứa ADN. Nếu chỉ lấy phần thân tóc hoặc đuôi tóc, sẽ không thể thực hiện xét nghiệm, bởi vì chúng chỉ chứa các tế bào đã chết.

Đối với trẻ sơ sinh, việc sử dụng tóc có chân để xét nghiệm ADN không được khuyến khích. Nguyên nhân là do tóc của các bé còn rất mảnh, yếu và phần chân tóc chưa phát triển đủ sâu, dẫn đến việc thu mẫu gặp khó khăn và kết quả có thể không chính xác. Thay vào đó, bạn có thể lấy mẫu dây rốn hoặc tế bào niêm mạch miệng để xét nghiệm ADN sau sinh.

Mẫu tế bào niêm mạc miệng

Bên cạnh những mẫu đã nói, bạn cũng có thể được yêu cầu lấy mẫu tế bào niêm mạc miệng từ bên trong má. Tế bào ở vùng này rất dễ bong tróc và chứa ADN, thuận tiện cho việc lấy mẫu. Để đảm bảo mẫu không bị nhiễm khuẩn, nhân viên y tế sẽ dùng tăm bông đã tiệt trùng và tránh để tăm bông tiếp xúc với bất kỳ bề mặt nào.

Mẫu móng tay, móng chân

Móng tay và móng chân cũng là những mẫu có thể được sử dụng trong xét nghiệm ADN. Trước khi thu thập, móng cần được vệ sinh kỹ lưỡng, đặc biệt là phải loại bỏ sơn móng (nếu có) để tránh làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Mẫu cuống rốn

Cuống rốn là một trong những mẫu xét nghiệm ADN rất quan trọng, bởi vì nó không chỉ chứa nhiều tế bào gốc mà còn mang ADN di truyền. Chính vì vậy, kết quả xét nghiệm ADN từ mẫu cuống rốn thường cho độ chính xác cao.

Các phương pháp xét nghiệm ADN phổ biến

Có nhiều phương pháp xét nghiệm ADN, mỗi phương pháp có ưu điểm và hạn chế riêng.

Phương pháp PCR

PCR là một trong những phương pháp xét nghiệm ADN phổ biến. Phương pháp này giúp khuếch đại các đoạn ADN nhỏ để dễ dàng phân tích và so sánh. PCR có độ chính xác cao và được sử dụng để xác định quan hệ huyết thống hoặc phát hiện các bệnh di truyền. Đây là phương pháp nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt được kết quả chính xác, mẫu ADN phải có chất lượng tốt và không bị ô nhiễm.

Phương pháp NGS

NGS là công nghệ tiên tiến giúp giải mã toàn bộ trình tự ADN của cá thể. Phương pháp này giúp phát hiện các đột biến gen và mối quan hệ di truyền.

NGS có khả năng phân tích hàng triệu đoạn ADN trong một lần xét nghiệm, với độ chính xác cao hơn nhiều so với phương pháp PCR truyền thống. Mặc dù vậy, phương pháp này đòi hỏi chi phí cao và thời gian thực hiện lâu hơn, thường được áp dụng trong các xét nghiệm toàn diện hoặc nghiên cứu di truyền.

Phương pháp STR

Xét nghiệm STR phân tích các đoạn lặp lại ngắn trong ADN. Phương pháp này rất hiệu quả trong việc xác định quan hệ huyết thống, đặc biệt là giữa cha và con.

Các đoạn STR có sự biến đổi lớn giữa các cá thể, giúp phân biệt rõ ràng mối quan hệ di truyền. STR có độ chính xác cao và được sử dụng rộng rãi trong xét nghiệm xác minh quan hệ gia đình. Tuy nhiên, xét nghiệm STR chỉ có thể xác định quan hệ huyết thống mà không thể phát hiện được các đột biến gen hay bệnh lý di truyền phức tạp.

Phương pháp RFLP

RFLP là phương pháp xét nghiệm giúp phân tích các đoạn ADN dài. Phương pháp này sử dụng enzyme cắt giới hạn ADN để nhận diện các biến đổi gen. Mặc dù hiện nay ít được sử dụng do các phương pháp mới hiệu quả hơn, RFLP vẫn hữu ích trong một số nghiên cứu di truyền đặc biệt.

Phương pháp này yêu cầu kỹ thuật phức tạp và thời gian phân tích lâu dài, tuy nhiên, nó có thể cung cấp thông tin chi tiết về ADN trong một số trường hợp nhất định.

Lưu ý khi xét nghiệm ADN huyết thống

Trước khi tiến hành xét nghiệm ADN nhằm xác định quan hệ huyết thống, bạn nên xem xét kỹ một số khía cạnh quan trọng để quy trình diễn ra thuận lợi và chính xác:

Nếu bạn có những băn khoăn về phương pháp này hoặc chưa hiểu rõ các bước thực hiện, đừng ngần ngại hỏi ý kiến từ bác sĩ hoặc người có chuyên môn để được hướng dẫn đầy đủ.

Ưu tiên các phòng xét nghiệm có giấy phép hoạt động rõ ràng, được đánh giá cao về chất lượng dịch vụ. Những nơi này thường có quy trình thu mẫu và phân tích đạt chuẩn, giúp đảm bảo độ chính xác cao và giảm nguy cơ sai lệch.

Trong trường hợp cần sử dụng kết quả để giải quyết các vấn đề như quyền giám hộ, thủ tục pháp luật hoặc chứng minh nhân thân, bạn nên thực hiện xét nghiệm tại các đơn vị có thẩm quyền và được giám sát chặt chẽ để kết quả có giá trị pháp lý.

Nên hạn chế xét nghiệm ADN thai nhi bằng các phương pháp xâm lấn, tiềm ẩn rủi ro cho thai kỳ như rỉ nước ối, nhiễm trùng hoặc sảy thai. Chỉ nên thực hiện khi có chỉ định từ bác sĩ và sau khi đã xét nghiệm sàng lọc trước sinh.

Bên cạnh xét nghiệm ADN, các loại xét nghiệm, sàng lọc trước khi mang thai và trước sinh cũng có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của thai nhi và cả người mẹ. Để có được điều này, mẹ nên tham khảo các gói chăm sóc thai sản được bệnh viện cung cấp để đảm bảo được kiểm tra định kỳ và đúng thời điểm.

Lưu ý: Nội dung trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế cho lời khuyên, chẩn đoán hoặc điều trị y tế chuyên nghiệp. Để có kết quả chính xác và phù hợp với từng cá nhân, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi thực hiện bất kỳ xét nghiệm hoặc phương pháp điều trị nào.

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về xét nghiệm ADN, phương thức mang lại những thông tin quan trọng về sức khỏe và huyết thống của bạn. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào hoặc cần thực hiện xét nghiệm ADN, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ.

Cấp cứu

(84-24) 3574 1111

Đội ngũ bác sĩ cấp cứu và bác sĩ phẫu thuật được đào tạo nội bộ sẵn sàng 24/7.
Tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp khẩn cấp.

Chatbot