Rung nhĩ là bệnh gì?
Rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất, trong đó hai tâm nhĩ rung rất nhanh và hỗn loạn chứ không đập đều đặn theo nhịp. Khoảng 30% người mắc bệnh rung nhĩ không có biểu hiện bất thường và phát hiện bệnh tình cờ khi đi khám sức khỏe. 70% còn lại thường có các triệu chứng như đánh trống ngực, khó thở, hụt hơi, đau ngực, mệt mỏi, chóng mặt, ngất xỉu. Những triệu chứng này có thể thoáng qua rồi tự hết hoặc kéo dài dai dẳng. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng khác nhau giữa các bệnh nhân.
Bệnh nhân rung nhĩ có thể được điều trị bằng một số loại thuốc như thuốc chống đông, thuốc kiểm soát nhịp tim, thuốc chống loạn nhịp. Bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh thực hiện các thủ thuật tim mạch như sốc điện chuyển nhịp, triệt đốt rung nhĩ qua ống thông hoặc phẫu thuật Maze. Một số bệnh nhân rung nhĩ cần sử dụng máy tạo nhịp.
Máy tạo nhịp có tác dụng gì với bệnh nhân rung nhĩ?
Không phải tất cả bệnh nhân rung nhĩ đều cần máy tạo nhịp. Máy tạo nhịp thường được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân rung nhĩ có rối loạn chức năng nút xoang.
Ở người khỏe mạnh, tim đập đều đặn với tần số 60-100 lần/ phút nhờ hệ thống dẫn truyền tim. Hệ thống này phát ra xung điện ở nút xoang nằm ở tâm nhĩ phải, sau đó lần lượt dẫn truyền xung điện sang tâm nhĩ trái, nút nhĩ thất, bó His và mạng Purkinje xuống hai tâm thất.
Trong bệnh rung nhĩ, các xung điện bất thường ở tâm nhĩ làm gián đoạn quá trình dẫn truyền xung điện bình thường, khiến hai tâm nhĩ rung nhanh, hỗn loạn. Ngoài ra, một số bệnh nhân rung nhĩ có rối loạn chức năng nút xoang kèm theo, tức là nút xoang bị lão hóa, không thể phát ra xung điện thường xuyên, dẫn đến nhịp tim chậm hơn bình thường.
Những bệnh nhân rung nhĩ có rối loạn chức năng nút xoang thường có nhịp tim nhanh xen kẽ nhịp tim chậm, với các triệu chứng bất thường như:
- Hồi hộp, đánh trống ngực khi nhịp tim tăng nhanh
- Mệt mỏi, choáng váng, ngất xỉu khi nhịp tim giảm thấp
- Khó thở, đặc biệt khi hoạt động gắng sức
- Đau ngực khi tập thể dục
Ở những bệnh nhân này, máy tạo nhịp sẽ thay nút xoang tạo ra xung điện và gửi tới cơ tim, giúp hai tâm nhĩ và hai tâm thất co bóp, hoạt động nhịp nhàng. Nhờ đó, nhịp tim bình thường của người bệnh được duy trì và tim bơm máu tới các cơ quan khác trong cơ thể hiệu quả hơn.
Trong những trường hợp rung nhĩ khác, bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ đánh giá cụ thể tình trạng của từng bệnh nhân để lựa chọn phác đồ nội khoa hoặc phương pháp can thiệp phù hợp như sốc điện chuyển nhịp hoặc triệt đốt qua ống thông.
Máy tạo nhịp hoạt động như thế nào?
Hầu hết máy tạo nhịp tim có 2 phần:
- Hộp kim loại mỏng được gọi là bộ phận phát xung. Bộ phận này chứa nguồn điện và có nhiệm vụ tạo ra xung điện để kích thích cơ tim. Bộ phận phát xung cũng chứa một bộ xử lý vi máy tính có thể được lập trình để thiết lập tốc độ phát xung, kiểu tạo nhịp và nhiều thông số khác. Bác sĩ sẽ cài đặt và điều chỉnh những thông số này sao cho phù hợp với tình trạng của người bệnh.
- Dây dẫn: giúp dẫn truyền xung điện từ bộ phận phát xung tới cơ tim, đồng thời chuyển tiếp thông tin liên quan đến hoạt động tự nhiên của tim trở lại bộ phận phát xung.
Các loại máy tạo nhịp
Nhiều loại máy tạo nhịp khác nhau đã được phát triển và sản xuất nhằm đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh. Máy tạo nhịp có thể được phân loại dựa vào cấu tạo, cơ chế hoạt động và thời gian sử dụng.
Dựa vào cấu tạo, máy tạo nhịp được chia thành máy tạo nhịp có dây dẫn và máy tạo nhịp không dây dẫn.
Dựa vào cơ chế hoạt động, máy tạo nhịp được phân loại thành:
- Máy tạo nhịp gửi xung điện tới tim với tốc độ đều đặn mọi lúc và máy tạo nhịp chỉ gửi xung điện tới tim khi nhịp tim giảm xuống dưới mức đã được cài đặt.
- Máy tạo nhịp gửi xung điện tới một vị trí của tim và máy tạo nhịp gửi xung điện tới nhiều vị trí của tim.
Dựa vào thời gian sử dụng, máy tạo nhịp được phân loại thành:
- Máy tạo nhịp tạm thời: là thiết bị được sử dụng trong thời gian ngắn, khi người bệnh nằm viện và được tiên lượng là tình trạng rối loạn nhịp tim sẽ sớm kết thúc hoặc người bệnh sử dụng thiết bị này tạm thời tới khi có thể đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn. Bộ phận phát xung của máy tạo nhịp tạm thời được đặt bên ngoài cơ thể của người bệnh, ví dụ được dán vào da, gắn vào thắt lưng hoặc cạnh giường.
- Máy tạo nhịp vĩnh viễn: là máy tạo nhịp được thiết kế để sử dụng lâu dài và được cấy ghép vào bên trong cơ thể của người bệnh. Bệnh nhân rung nhĩ có rối loạn chức năng nút xoang thường sử dụng loại máy tạo nhịp này.
Quy trình đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn
Trước khi tiến hành thủ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh tạm dừng một số loại thuốc như thuốc chống đông, thuốc điều trị bệnh đái tháo đường. Bác sĩ cũng có thể thay đổi một số loại thuốc mà người bệnh đang dùng trong vài ngày sau khi đặt máy tạo nhịp.
Quy trình đặt máy tạo nhịp được thực hiện trong phòng phẫu thuật vô trùng. Người bệnh sẽ được gây mê hoặc gây tê nên không cảm thấy đau đớn hay khó chịu. Bác sĩ sẽ đặt bộ phận phát xung ở dưới da vùng dưới xương đòn, gần vị trí của tim. Dây dẫn của máy tạo nhịp sẽ được đưa vào tĩnh mạch và cố định trong vùng cơ tim phù hợp.
Sau khi đặt máy tạo nhịp, người bệnh cần hạn chế cử động cánh tay trong 2 – 4 tuần. Vết mổ sẽ được kiểm tra, thay băng và vệ sinh tới khi lành lại. Người bệnh cũng cần theo dõi dài hạn và tái khám thường xuyên để bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và đảm bảo máy tạo nhịp hoạt động tốt.
Một số bệnh nhân có thể cần thay thế bộ phận phát xung trong tương lai vì pin thường có tuổi thọ từ 6 – 15 năm. Dây dẫn của máy tạo nhịp thường được sử dụng vô thời hạn, trừ trường hợp dây bị đứt, hỏng hoặc hoạt động không bình thường.
Lưu ý khi sử dụng máy tạo nhịp
Máy tạo nhịp vĩnh viễn thường được sử dụng lâu dài, thậm chí suốt đời. Vì vậy, các chuyên gia tim mạch khuyên bệnh nhân có máy tạo nhịp nên lưu ý những điều dưới đây.
Cẩn thận với các thiết bị điện tử
Bệnh nhân có máy tạo nhịp nên cẩn thận với điện thoại di động có đế sạc không dây và đồng hồ thông minh vì những thiết bị điện tử này có thể ảnh hưởng tới máy tạo nhịp trong khoảng cách gần. Không nên để điện thoại di động ngay cạnh máy tạo nhịp tim (ví dụ trong túi áo). Thay vào đó, người bệnh có thể để điện thoại di động trong túi quần hoặc túi xách và nghe điện thoại bằng tai đối diện với máy tạo nhịp. Nếu không chắc liệu điện thoại di động hoặc đồng hồ thông minh của mình có ảnh hưởng tới máy tạo nhịp không, người bệnh nên trao đổi với nhà sản xuất hoặc bác sĩ.
Các thiết bị gia dụng thông thường như tivi, radio, lò vi sóng, máy nướng bánh mỳ, chăn điện không ảnh hưởng tới máy tạo nhịp, do đó người bệnh có thể sử dụng bình thường.
Lưu ý hệ thống chống trộm và những địa điểm có hệ thống phát điện mạnh
Hệ thống chống trộm ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc các khu vực có an ninh cao có thể gây nhiễu máy tạo nhịp. Vì vậy, người bệnh không nên đứng gần hoặc dựa vào hệ thống này. Tuy nhiên, khi di chuyển qua hệ thống chống trộm, người bệnh không cần quá lo lắng và hãy di chuyển với tốc độ bình thường vì hệ thống này hiếm khi gây nhiễu đáng kể máy tạo nhịp.
Mặc dù vậy, những nơi làm việc có thiết bị hàn hoặc hệ thống động cơ, máy phát điện mạnh có thể gây nhiễu mạnh máy tạo nhịp, dẫn đến ức chế nhịp tim. Do đó, người bệnh nên đứng xa những thiết bị này tối thiểu 60cm và rời khỏi khu vực đó ngay lập tức nếu có triệu chứng chóng mặt hoặc các triệu chứng bất thường khác.
Thông báo cho nhân viên sân bay
Nếu đi du lịch bằng đường không, người bệnh hãy thông báo với nhân viên sân bay về việc mình có máy tạo nhịp. Bởi lẽ máy tạo nhịp có bộ phận phát xung làm bằng kim loại nên có thể kích hoạt báo động máy dò kim loại tại cổng an ninh.
Thông báo với nhân viên y tế
Luôn luôn thông báo với nhân viên y tế là mình có máy tạo nhịp để bác sĩ chỉ định xét nghiệm, thủ thuật phù hợp. Ví dụ, hầu hết bệnh nhân có máy tạo nhịp không thể chụp cộng hưởng từ (MRI) nếu không có chỉ định từ bác sĩ tim mạch vì thiết bị này có từ trường mạnh. Xạ trị điều trị ung thư có thể gây hỏng máy tạo nhịp. Ngoài ra, tán sỏi ngoài cơ thể hoặc phẫu thuật sử dụng phương pháp đốt điện cũng có thể ảnh hưởng tới máy tạo nhịp.
Với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia tim mạch giàu kinh nghiệm người Pháp và người Việt Nam, cùng hệ thống trang thiết bị chẩn đoán và phòng can thiệp hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn khử khuẩn cao nhất của Pháp, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là địa chỉ uy tín trong tầm soát, thăm khám và điều trị cho bệnh nhân rung nhĩ nói chung và bệnh nhân rung nhĩ có rối loạn chức năng nút xoang cần đặt máy tạo nhịp nói riêng.
Để được tư vấn về bệnh lý rung nhĩ hoặc đặt lịch khám với các bác sĩ, chuyên gia tim mạch hàng đầu của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.