Bệnh lao là gì?
Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm mạn tính do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn lao lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, thông qua các giọt bắn nhỏ trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Bệnh thường ảnh hưởng đến phổi (gọi là lao phổi), nhưng cũng có thể tấn công các cơ quan khác như màng não, xương, thận, hạch bạch huyết hoặc hệ tiêu hóa.
Theo BSCKI Trần Phạm Hải – chuyên gia hô hấp với hơn 15 năm kinh nghiệm tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội: “Tùy vào thể trạng và sức đề kháng của mỗi người, thời gian ủ bệnh lao có thể khác nhau. Trong giai đoạn này, bệnh nhân thường không có triệu chứng rõ rệt. Khi chuyển sang giai đoạn hoạt động, lao phổi sẽ biểu hiện với các dấu hiệu đặc trưng sau:”
- Sốt nhẹ kéo dài, đặc biệt vào chiều tối hoặc ban đêm, kèm theo ra mồ hôi trộm
- Ho khan hoặc ho có đờm kéo dài trên 3 tuần, không đáp ứng thuốc thông thường
- Ho ra máu (có thể ít hoặc nhiều)
- Chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân
- Cảm giác mệt mỏi kéo dài, suy giảm sức lao động
Làm thế nào để phòng tránh bệnh lao phổi?
Bệnh lao phổi tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp. Phòng bệnh không chỉ giúp bảo vệ cá nhân mà còn góp phần ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng.
Đối với người đang mắc bệnh lao phổi
- Luôn đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc với người khác, đặc biệt là trong môi trường kín hoặc đông người
- Che miệng bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi. Khạc đờm đúng nơi quy định, không khạc nhổ bừa bãi
- Tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc điều trị không đủ liều vì có thể dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc
- Thông báo với người thân và cộng đồng xung quanh để có biện pháp phòng tránh và sàng lọc
Đối với người chưa mắc bệnh
- Tiêm phòng vaccine BCG (phòng lao) cho trẻ ngay trong tháng đầu sau sinh theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia
- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh lao phổi, nhất là trong thời gian chưa điều trị hoặc đang điều trị giai đoạn đầu
- Sử dụng khẩu trang khi đến nơi công cộng hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng ho, sốt kéo dài
- Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lối sống khoa học và tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, đặc biệt nếu có tiếp xúc với người bệnh hoặc có yếu tố nguy cơ
Bệnh lao có chữa khỏi được không?
“Hoàn toàn có thể chữa khỏi” – BS Trần Phạm Hải khẳng định. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, người mắc bệnh lao có thể khỏi hoàn toàn và tiếp tục cuộc sống bình thường. Hiện nay, thuốc điều trị lao đã được cung cấp rộng rãi, miễn phí trong chương trình phòng chống lao quốc gia. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị phụ thuộc rất lớn vào sự tuân thủ dùng thuốc của người bệnh.
Điều quan trọng là đừng chủ quan. Khi có các triệu chứng nghi ngờ như ho kéo dài, sốt về chiều, ra mồ hôi ban đêm hoặc sụt cân, hãy đến cơ sở y tế để được khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán lao như chụp X-quang phổi, xét nghiệm đờm, phản ứng Mantoux, hoặc CT scan nếu cần thiết.
Để được tư vấn chuyên sâu và đặt lịch khám với BSCKI. Trần Phạm Hải – chuyên khoa Hô hấp tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, quý khách có thể liên hệ qua tổng đài 024 3577 1100, gửi tin nhắn đến Fanpage Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội hoặc Zalo OA tại zalo.me/2008009049335817955.
Lưu ý: Bài viết mang tính chất tham khảo, không thay thế cho tư vấn hoặc chỉ định chuyên môn. Người bệnh nên thăm khám trực tiếp với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị chính xác.