Block nhĩ thất là gì? Phân loại block nhĩ thất
Block nhĩ thất là một rối loạn dẫn truyền trong tim, trong đó xung điện truyền từ tâm nhĩ xuống tâm thất bị gián đoạn một phần hoặc hoàn toàn do bất thường tại nút nhĩ thất, bó His hoặc hệ thống nhánh bó His.
Block nhĩ thất được chia thành 3 mức độ theo mức độ rối loạn dẫn truyền:
Block nhĩ thất độ 1: Đây là dạng nhẹ nhất, trong đó tất cả các xung nhĩ vẫn truyền được xuống tâm thất nhưng với tốc độ chậm hơn bình thường. Tình trạng này thường không gây triệu chứng rõ rệt và được phát hiện ở 7,8% người khỏe mạnh, chủ yếu là nam giới da đen.
Block nhĩ thất độ 2: Ở mức độ này, một số xung động từ nhĩ không được dẫn truyền xuống thất, gây ra tình trạng nhịp tim không đều. Block nhĩ thất độ 2 có thể chia thành hai dạng chính:
- Mobitz I: Thường gặp hơn (chiếm 1-2% người trẻ khỏe mạnh), có thể xuất hiện do ảnh hưởng của thuốc hoặc do tăng trương lực thần kinh phó giao cảm. Thường là tạm thời và ít khi tiến triển thành block nặng hơn.
- Mobitz II: Ít gặp hơn nhưng có nguy cơ tiến triển thành block nhĩ thất hoàn toàn, thường liên quan đến tổn thương thực thể tại hệ thống dẫn truyền dưới nút nhĩ thất.
Block nhĩ thất độ 3 (block nhĩ thất hoàn toàn): Đây là mức độ nghiêm trọng nhất, trong đó xung điện từ tâm nhĩ xuống tâm thất bị tắc nghẽn hoàn toàn. Tâm thất phải tạo nhịp tự động với tần số rất chậm. Block nhĩ thất hoàn toàn thường gặp ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nền, như nhồi máu cơ tim, bệnh thoái hóa hệ thống dẫn truyền hoặc bệnh lý viêm cơ tim.
Nguyên nhân gây block nhĩ thất
Block nhĩ thất có thể xảy ra mà không xác định được nguyên nhân rõ ràng, trường hợp này được gọi là block nhĩ thất vô căn. Block vô căn thường xuất hiện ở những người không có yếu tố nguy cơ tim mạch rõ ràng, chẳng hạn như bệnh tim cấu trúc hay bệnh lý mắc phải.
Ngoài ra, các nguyên nhân gây ra block nhĩ thất có thể kể đến như:
- Thoái hóa xơ hóa hệ thống dẫn truyền: Khoảng 40% số bệnh nhân block nhĩ thất được xác định do thoái hóa xơ hóa hệ thống dẫn truyền. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây block nhĩ thất, thường gặp ở người lớn tuổi. Quá trình xơ hóa hệ thống dẫn truyền, bao gồm nút nhĩ thất, bó His và mạng lưới Purkinje, làm suy giảm khả năng dẫn truyền xung động từ nhĩ xuống thất. Sự thoái hóa này có thể liên quan đến lão hóa tự nhiên hoặc bệnh lý.
- Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Nhồi máu cơ tim có thể làm tổn thương bó His hoặc mạng lưới Purkinje. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai dẫn đến block nhĩ thất (chiếm 20% số bệnh nhân).
- Một số thuốc có thể làm chậm hoặc ức chế dẫn truyền nhĩ thất (ví dụ, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi, digoxin, amiodarone)
- Tăng trương lực phế vị: Thường gặp ở vận động viên, trong giấc ngủ hoặc khi có kích thích dây thần kinh phế vị mạnh (ví dụ: phản xạ xoang cảnh, cơn đau nặng, đặt nội khí quản).
- Bệnh sarcoid ở tim: Sarcoidosis là một bệnh viêm/u hạt mạn tính có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, trong đó có tim. Bệnh gây tổn thương hệ thống dẫn truyền, có thể dẫn đến block nhĩ thất độ 2 hoặc độ 3. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 1/3 số bệnh nhân từ 18–60 tuổi bị block nhĩ thất Mobitz II hoặc block hoàn toàn mà không có bệnh tim cấu trúc rõ ràng thực chất mắc sarcoidosis tim.
- Bệnh van tim: Hẹp van động mạch chủ, hở van hai lá hoặc sau phẫu thuật thay van tim có thể làm tổn thương hệ thống dẫn truyền.
- Bệnh tim bẩm sinh, bệnh di truyền hoặc các bệnh lý khác.
Triệu chứng của block nhĩ thất
Triệu chứng của block nhĩ thất rất đa dạng, từ nhẹ đến nặng. Một số trường hợp có thể không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, trong khi những trường hợp nặng có thể gây ngất, hoặc thậm chí ngưng tim đột ngột.
Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Chóng mặt, choáng váng
- Hồi hộp, cảm giác tim đập chậm hoặc không đều
- Mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức
- Khó thở, đau tức ngực (thường gặp ở bệnh nhân có bệnh lý tim mạch kèm theo)
- Ngất
Mức độ biểu hiện triệu chứng thường tương ứng với mức độ rối loạn dẫn truyền. Ở block nhĩ thất độ 1, người bệnh không có triệu chứng. Trong khi đó, block nhĩ thất độ 2, đặc biệt là dạng Mobitz II, có thể gây triệu chứng rõ rệt hơn do nguy cơ nhịp tim chậm đột ngột. Block nhĩ thất độ 3 (block hoàn toàn) có thể dẫn đến nhịp tim quá chậm, cung lượng tim giảm nghiêm trọng, gây chóng mặt, ngất, suy tim sung huyết, thậm chí tử vong.
Block nhĩ thất có nguy hiểm không?
Block nhĩ thất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe theo nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ rối loạn dẫn truyền, triệu chứng lâm sàng và tình trạng tim mạch của bệnh nhân.
Block nhĩ thất độ 1: Thường không gây nguy hiểm đáng kể vì xung điện vẫn được dẫn truyền từ nhĩ xuống thất, dù thời gian dẫn truyền kéo dài. Hầu hết các trường hợp không gây triệu chứng và ít khi tiến triển thành rối loạn nặng hơn.
Block nhĩ thất độ 2: có mức độ nguy hiểm trung bình, do một số xung điện từ nhĩ không thể dẫn truyền xuống thất, làm nhịp thất bị gián đoạn. Trong đó, Mobitz I ít gây triệu chứng, nhịp tim không quá chậm và tiên lượng tương đối tốt, hiếm khi tiến triển thành block hoàn toàn. Ngược lại, Mobitz II là thể nguy hiểm hơn, có nguy cơ cao tiến triển thành block nhĩ thất độ 3.
Block nhĩ thất độ 3 (block nhĩ thất hoàn toàn): là mức độ nghiêm trọng nhất, có thể dẫn đến nhịp tim rất chậm hoặc vô tâm thu, làm giảm đột ngột lưu lượng máu lên não và các cơ quan quan trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị ngất đột ngột, ngừng tim hoặc đột tử do tim. Những bệnh nhân có bệnh tim mạch nền như nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim thường có nguy cơ cao hơn so với những người khác.
Ngay cả khi không gây biến chứng nặng, block nhĩ thất có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các triệu chứng như mệt mỏi, hồi hộp, giảm khả năng gắng sức có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, tâm lý lo lắng và căng thẳng về nguy cơ bệnh tiến triển cũng có thể làm suy giảm tinh thần của bệnh nhân.
Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, đặc biệt với những trường hợp block nhĩ thất có triệu chứng hoặc có nguy cơ cao, sẽ giúp cải thiện tiên lượng và giảm thiểu biến chứng nguy hiểm.
Chẩn đoán block nhĩ thất
Để chẩn đoán block nhĩ thất, bác sĩ cần dựa vào bệnh sử, thăm khám lâm sàng và một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, trong đó điện tâm đồ là công cụ quan trọng nhất giúp xác định loại block và mức độ nghiêm trọng.
Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về những triệu chứng bất thường như chóng mặt, ngất, mệt mỏi, khó thở hoặc đánh trống ngực. Tuy nhiên, một số người bệnh có thể không gặp những triệu chứng rõ ràng mà chỉ phát hiện tình cờ qua thăm khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ khai thác các yếu tố nguy cơ có thể liên quan đến block nhĩ thất, bao gồm bệnh tim mạch, tác dụng phụ của thuốc…
Sau đó, người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ để chẩn đoán và xác định nguyên nhân block nhĩ thất:
Điện tâm đồ: Là công cụ quan trọng nhất giúp phát hiện block nhĩ thất, phân loại mức độ block và xác định vị trí tổn thương trong hệ thống dẫn truyền.
Block nhĩ thất độ 1: Khoảng PR kéo dài (> 0,2 giây) nhưng tất cả các sóng P đều được dẫn truyền xuống thất.
Block nhĩ thất độ 2: Một số sóng P không được dẫn xuống thất, gồm hai dạng:
- Mobitz I: Khoảng PR kéo dài dần cho đến khi có một nhịp nhĩ không được dẫn xuống thất.
- Mobitz II: Khoảng PR cố định nhưng một số sóng P không được dẫn xuống thất, thường với tỷ lệ 2:1 hoặc 3:1, có nguy cơ tiến triển thành block hoàn toàn.
Block nhĩ thất độ 3 (block hoàn toàn): Không có sự liên kết giữa sóng P và phức bộ QRS, tạo ra nhịp thất tự động với tần số chậm.
Holter điện tim: Giúp phát hiện block nhĩ thất không liên tục, đặc biệt ở những bệnh nhân có triệu chứng thoáng qua như chóng mặt hoặc ngất nhưng điện tâm đồ lúc nghỉ không ghi nhận được bất thường.
Siêu âm tim: Sử dụng sóng siêu âm để đánh giá cấu trúc và chức năng tim, giúp phát hiện các bệnh tim cấu trúc như bệnh van tim, bệnh cơ tim hoặc hậu quả của nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến block nhĩ thất.
Nghiệm pháp gắng sức: Người bệnh sẽ đi bộ hoặc chạy trên máy chạy bộ trong khi được theo dõi điện tâm đồ và huyết áp. Phương pháp này giúp đánh giá sự đáp ứng của nhịp tim khi vận động, đặc biệt hữu ích trong trường hợp block nhĩ thất liên quan đến tăng trương lực phế vị hoặc bệnh lý thiếu máu cục bộ cơ tim.
Khảo sát điện sinh lý tim: Trong một số trường hợp khó chẩn đoán, đặc biệt khi nghi ngờ block ở bó His hoặc block nhĩ thất tiến triển, bác sĩ có thể chỉ định khảo sát điện sinh lý để xác định chính xác vị trí block và quyết định hướng điều trị.
Xét nghiệm máu: Được chỉ định để tìm kiếm nguyên nhân gây block nhĩ thất, bao gồm kiểm tra nồng độ chất điện giải, chức năng tuyến giáp…
Chụp cộng hưởng từ tim: Được chỉ định nếu nghi ngờ các bệnh lý như viêm cơ tim, sarcoidosis tim hoặc bệnh cơ tim thâm nhiễm, giúp đánh giá tổn thương mô cơ tim.
Điều trị block nhĩ thất
Điều trị block nhĩ thất phụ thuộc vào mức độ block, triệu chứng lâm sàng và nguyên nhân gây bệnh. Mục tiêu chính của điều trị là cải thiện triệu chứng, phòng ngừa biến chứng và khi cần thiết, phục hồi dẫn truyền nhĩ thất hoặc thay thế nhịp tim bằng máy tạo nhịp.
Điều trị cấp cứu
Trong trường hợp block nhĩ thất độ 2 Mobitz II hoặc block hoàn toàn có triệu chứng nghiêm trọng như chóng mặt, ngất, tụt huyết áp, suy tim cấp, cần can thiệp ngay để duy trì huyết động ổn định.
Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc kích thích nhịp tim để tạm thời cải thiện dẫn truyền nhĩ thất. Trường hợp không đáp ứng hoặc có nguy cơ ngừng tim, cần cân nhắc đặt máy tạo nhịp tạm thời để duy trì nhịp tim hiệu quả.
Điều trị lâu dài
Block nhĩ thất độ 1
Phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng và không cần điều trị. Nếu block nhĩ thất độ 1 do thuốc, cần đánh giá và ngừng hoặc giảm liều các thuốc có thể gây ức chế dẫn truyền nhĩ thất như thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi không dihydropyridine, digoxin, amiodarone.
Block nhĩ thất độ 2 Mobitz I
Nếu không có triệu chứng, thường không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu người bệnh có chóng mặt, ngất hoặc triệu chứng rõ ràng, có thể cân nhắc đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, đặc biệt khi không tìm thấy nguyên nhân có thể điều chỉnh.
Block nhĩ thất độ 2 Mobitz II
Có nguy cơ cao tiến triển thành block hoàn toàn, do đó thường cần đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn ngay cả khi bệnh nhân không có triệu chứng. Nếu block nhĩ thất do bệnh lý có thể điều chỉnh được (nhiễm trùng Lyme, rối loạn điện giải, suy giáp), cần điều trị nguyên nhân trước khi quyết định đặt máy tạo nhịp.
Block nhĩ thất độ 3
Máy tạo nhịp vĩnh viễn là phương pháp điều trị tiêu chuẩn, bất kể bệnh nhân có triệu chứng hay không. Nếu block nhĩ thất do nguyên nhân có thể hồi phục (nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn điện giải), có thể trì hoãn đặt máy tạo nhịp để theo dõi tiến triển.
Điều trị nguyên nhân
Nếu block nhĩ thất liên quan đến một bệnh lý có thể điều trị, cần tập trung vào xử lý nguyên nhân:
- Nhồi máu cơ tim: Tái thông mạch vành bằng đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
- Bệnh viêm nhiễm (viêm cơ tim, sarcoidosis tim, bệnh Lyme): Điều trị đặc hiệu (corticosteroid cho sarcoidosis, kháng sinh cho bệnh Lyme).
- Rối loạn điện giải hoặc bệnh nội tiết: Điều chỉnh kali, calci, magie hoặc điều trị suy giáp nếu có.
Điều trị block nhĩ thất cần cá nhân hóa theo mức độ block và triệu chứng của bệnh nhân. Các trường hợp block nhĩ thất nhẹ, không có triệu chứng có thể chỉ cần theo dõi, trong khi block nhĩ thất nặng hoặc có triệu chứng cần can thiệp máy tạo nhịp để phòng ngừa nguy cơ biến chứng như ngất, suy tim hoặc ngừng tim. Việc điều trị nguyên nhân và kiểm soát các yếu tố nguy cơ cũng đóng vai trò quan trọng để cải thiện tiên lượng lâu dài cho bệnh nhân.
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là địa chỉ uy tín trong thăm khám và điều trị block nhĩ thất với:
- Đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao: TS. BS. Alain Lebon – tiến sĩ y khoa chuyên ngành Tim – Mạch và điện sinh lý được chứng nhận bởi Hiệp hội Nhịp tim Châu Âu, hơn 20 năm kinh nghiệm điều trị bệnh lý tim mạch và nhịp tim tại Pháp; TS. BS. Ngô Chí Hiếu – tiến sĩ nội tim mạch, hơn 26 năm kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu về cấp cứu và hồi sức tim mạch; BSCKII. Phạm Thu Thủy được đào tạo nâng cao tại Đại học Paris 6 (Pháp), từng công tác tại các bệnh viện uy tín tại Pháp.
- Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng cấp cứu túc trực 24/7, sẵn sàng cấp cứu trong tình huống khẩn cấp với trang thiết bị hiện đại.
- Đầy đủ thiết bị thực hiện các cận lâm sàng quan trọng trong chẩn đoán: siêu âm tim doppler màu, siêu âm tim qua đường thực quản, điện tâm đồ, điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức, holter điện tim, chụp mạch vành…
- Phác đồ điều trị cá thể hóa theo Hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Nhịp tim châu Âu, chỉ định phù hợp với từng bệnh nhân.
- Thủ thuật đặt máy tạo nhịp điều trị block nhĩ thất được thực hiện an toàn trong phòng can thiệp DSA hiện đại với tiêu chuẩn khử khuẩn cao nhất của Pháp.
- Quy trình chăm sóc, theo dõi trước, trong và sau thủ thuật chặt chẽ, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Để được thăm khám và tư vấn cụ thể về block nhĩ thất với TS. BS. Alain Lebon, vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.