Skip to content
Kiến thức - Tháng 5 27, 2025

Các loại vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa và cách phòng tránh

Cập nhật lần cuối: Tháng 6 20, 2025

Các loại vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa như E. coli, Salmonella, Shigella, Campylobacter hay Vibrio cholerae có thể xâm nhập qua thực phẩm, nước uống hoặc tay bẩn.

Các loại vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa phổ biến

Vi khuẩn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh lý đường tiêu hóa, trong đó thường gặp nhất là các loại như E.coli, Salmonella, Listeria, Campylobacter, Bacillus cereus, Clostridium botulinum, Vibrio,…

Tên vi khuẩnTriệu chứng nhiễmNguồn lây nhiễm
E. coliTiêu chảy, đau bụng (quặn thắt hoặc âm ỉ), nôn mửa, sốt, có thể có máu trong phân,…Thực phẩm và nước bị ô nhiễm, tiếp xúc với người bệnh.
SalmonellaTiêu chảy, sốt, đau quặn bụng.Thực phẩm gia súc, gia cầm, trứng chưa nấu chín, thực phẩm bị ô nhiễm.
CampylobacterTiêu chảy (có thể kèm máu), co thắt dạ dày, sốt, nôn mửa, co giật.Thịt gia cầm chưa nấu chín, nước không sạch.
ListeriaSốt, ớn lạnh, đau cơ, buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, cổ cứng,…Thực phẩm chế biến sẵn, sữa chưa tiệt trùng, thịt chưa nấu chín.
Bacillus cereusBuồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy.Thực phẩm chế biến sẵn, gạo và thực phẩm để lâu, không bảo quản đúng cách.
VibrioTiêu chảy nước, mất nước nhanh, có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.Thực phẩm, nước bị ô nhiễm.
Clostridium botulinumSụp mí mắt, mờ mắt, khó thở, khô miệng, khó nuốt, nói lắp, khó thở, yếu tay chân, buồn nôn và nôn,…Thực phẩm bị nhiễm độc, đặc biệt là các loại thực phẩm đóng hộp không đúng cách.

Cách phòng tránh nhiễm vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa

Qua phân tích trên đây, có thể thấy rằng các nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiễm vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa thường đến từ vấn đề nguồn nước và thực phẩm kém vệ sinh. Chính vì vậy cách hiệu quả để tránh nhiễm vi khuẩn này thường hướng đến việc tạo lối sống sạch sẽ, vệ sinh, cụ thể như sau:

  • Rửa tay: Rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh, sau khi tiếp xúc với vật nuôi. Đặc biệt, việc rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với thực phẩm có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa vi khuẩn gây hại cho hệ tiêu hóa.
  • Tránh ăn đồ sống hoặc đồ chưa chín kỹ: Thịt, trứng sống hoặc chưa chín kỹ có thể chứa vi khuẩn gây bệnh, vì vậy cần được đảm bảo nấu chín hoàn toàn.
  • Uống nước đã đun sôi: Nước không qua xử lý có thể chứa các sinh vật gây hại nên cần được đun sôi trước khi sử dụng.
  • Tránh ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh: Hạn chế ăn đồ ăn vỉa hè hoặc từ các quầy hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Tránh thực phẩm không được tiệt trùng: Không ăn salad tươi, trái cây đã gọt vỏ, sữa hoặc các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng.
  • Tách biệt thực phẩm sống và chín: Cần phân loại và bảo quản riêng biệt các loại thịt sống, hải sản, thịt gia cầm và trứng để tránh nhiễm khuẩn chéo.
  • Vệ sinh đồ dùng cá nhân: Giường, chiếu, chăn, gối và quần áo nên được vệ sinh thường xuyên để tránh vi khuẩn phát tán.
  • Khử trùng bề mặt: Các khu vực như nhà vệ sinh, bàn làm việc, điều khiển TV, tay nắm cửa cần được làm sạch và khử trùng định kỳ.

Ngoài ra, khi đi du lịch đến những khu vực có điều kiện vệ sinh kém, việc phòng ngừa bệnh nhiễm trùng tiêu hóa lại càng quan trọng hơn. Theo đó, bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe của mình:

  • Chỉ uống nước đóng chai: Uống nước đóng chai để tránh các nguy cơ từ nước không sạch.
  • Tránh sử dụng đá: Đá có thể chứa vi khuẩn, do đó cần tránh sử dụng trong đồ uống.
  • Chọn thực phẩm đã được nấu chín: Chỉ ăn thực phẩm đã nấu chín và phục vụ nóng để đảm bảo an toàn.
  • Tránh ăn thực phẩm sống hoặc chưa chín kỹ: Đặc biệt là thịt và hải sản, vì chúng dễ bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
  • Tránh ăn các loại thực phẩm chưa qua chế biến: Salad tươi, trái cây gọt vỏ và sữa chưa tiệt trùng có thể là nguồn gây bệnh.
  • Hạn chế ăn thức ăn từ các quầy hàng vỉa hè: Thực phẩm từ những nơi không đảm bảo vệ sinh có thể là nguy cơ cao gây nhiễm trùng.

Với những người khỏe mạnh, nếu bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa thì nhiều trường hợp có thể tự khỏi trong khoảng một tuần. Tuy nhiên với những người có hệ miễn dịch yếu, có hệ tiêu hóa không tốt, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi, họ có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe, khi xuất hiện các dấu hiệu bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa,… bạn nên đến các cơ sở uy tín thăm khám để có phương pháp điều trị khoa học và hiệu quả.

Trên đây là tổng hợp thông tin về một số loại vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa phổ biến. Việc hiểu rõ nguyên nhân và các triệu chứng gây bệnh sẽ giúp bạn có phương án bảo vệ bản thân hiệu quả và an toàn. Hãy luôn chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe và giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt và ăn uống để tránh các bệnh lý nguy hiểm từ các loại vi khuẩn này.

Cấp cứu

(84-24) 3574 1111

Đội ngũ bác sĩ cấp cứu và bác sĩ phẫu thuật được đào tạo nội bộ sẵn sàng 24/7.
Tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp khẩn cấp.

Chatbot