Skip to content
Kiến thức, Thư viện bệnh - Tháng 5 27, 2025

Cuồng nhĩ: Nguyên nhân, triệu chứng và định hướng điều trị

Cập nhật lần cuối: Tháng 6 23, 2025

Tư vấn y tế: BS. Alain Patrice Lebon

Cuồng nhĩ thường khởi phát do bệnh tim mạch nền như tăng huyết áp, bệnh van tim hoặc sau phẫu thuật tim. Người bệnh có thể cảm thấy tim đập nhanh, hồi hộp, mệt mỏi hoặc khó thở.

Cuồng nhĩ là gì?

Cuồng nhĩ là một dạng rối loạn nhịp nhanh trên thất có nguyên nhân do vòng vào lại lớn trong tâm nhĩ. Vòng vào lại là một cơ chế rối loạn nhịp tim trong đó xung điện tim bị mắc kẹt trong một vòng khép kín, liên tục kích thích tim một cách bất thường.

Ở người khỏe mạnh, tim đập đều đặn với tần số 60-100 lần/phút nhờ hệ thống dẫn truyền tim. Hệ thống này phát ra xung điện xuất phát từ nút xoang nằm ở tâm nhĩ phải, sau đó lần lượt dẫn truyền xung điện sang tâm nhĩ trái, nút nhĩ thất, bó His và mạng Purkinje xuống hai tâm thất.

Tuy nhiên, trong cuồng nhĩ, một vòng dẫn truyền bất thường hình thành trong tâm nhĩ. Xung điện di chuyển theo một chu kỳ kích thích lặp đi lặp lại với tần số cao (250-350 nhịp/phút), nhưng đều đặn.

Tâm thất cũng co bóp nhanh hơn. Bởi vì nút nhĩ thất thường không thể dẫn truyền nhanh với tốc độ này, nên chỉ một nửa số xung được truyền xuống thất (tỉ lệ nhĩ thất 2:1), kết quả là tần số thất ở khoảng 150 lần/phút. Ngoài ra, trên lâm sàng cũng có thể gặp một số trường hợp cuồng nhĩ với tỉ lệ 3:1, 4:1, 5:1 hoặc nhịp thất không đều.

Phân loại cuồng nhĩ

Phân loại cuồng nhĩ có thể được xác định dựa trên mối liên hệ của cuồng nhĩ với CTI. CTI là vùng mô nằm giữa van ba lá và tĩnh mạch chủ dưới ở tâm nhĩ phải, cho phép dòng điện di chuyển và tạo ra một mạch vòng. Việc xác định cuồng nhĩ có phụ thuộc hay không phụ thuộc vào CTI có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược điều trị đối với mỗi bệnh nhân.

Cuồng nhĩ điển hình: còn được gọi là cuồng nhĩ phụ thuộc CTI, là dạng rối loạn nhịp tim do vòng vào lại lớn quanh van ba lá, thay vì theo đường dẫn truyền bình thường. Loại cuồng nhĩ này bao gồm cuồng nhĩ ngược chiều kim đồng hồ (chiếm 90%), cuồng nhĩ xuôi chiều kim đồng hồ và cuồng nhĩ vòng vào lại vùng thấp. Nhìn chung, cuồng nhĩ điển hình có thể được điều trị hiệu quả bằng triệt đốt CTI.

Cuồng nhĩ không điển hình: thường gặp ở những bệnh nhân có cấu trúc tim bất thường, đặc biệt là sau phẫu thuật tim hoặc do sẹo cơ tim. Loại cuồng nhĩ này không phụ thuộc CTI mà hình thành do vòng vào lại quanh các vùng có điện thế thấp hoặc sẹo sau phẫu thuật. Các vòng vào lại này thường chạy dọc theo những cấu trúc giải phẫu cản trở điện học, như tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch chủ trên, tĩnh mạch phổi và van hai lá. Cuồng nhĩ không điển hình được chia thành cuồng nhĩ bên phải không phụ thuộc CTI và cuồng nhĩ bên trái.

Yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển cuồng nhĩ

Những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ phát triển cuồng nhĩ:

  • Tuổi cao: Nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ mắc cuồng nhĩ có sự khác biệt đáng kể theo độ tuổi, dao động từ 5 trên 100.000 người/năm ở những người dưới 50 tuổi đến 587 trên 100.000 người/năm ở nhóm trên 80 tuổi. Ngoài ra, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khoảng 2,5 lần so với nữ giới.
  • Bệnh tim: Cuồng nhĩ thường liên quan đến các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, bệnh van tim… Những người bị suy tim có nguy cơ cuồng nhĩ cao gấp 3,5 lần so với người không bị suy tim. Trong số người bệnh cuồng nhĩ, 16% là do nguyên nhân suy tim.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Nguy cơ tiến triển cuồng nhĩ tăng gấp 1,9 lần ở những người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
  • Sau phẫu thuật tim: Cuồng nhĩ là một trong những biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật tim, đặc biệt là ở bệnh nhân có bệnh van tim, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) hoặc sửa chữa dị tật tim bẩm sinh.

Ngoài ra, một số tình trạng như cường giáp, béo phì, ngưng thở khi ngủ, thuyên tắc phổi, bệnh thận… cũng có thể góp phần gây ra cuồng nhĩ.

Triệu chứng cuồng nhĩ

Cuồng nhĩ thường xuất hiện kịch phát, kéo dài vài giây đến vài giờ, thậm chí vài ngày. Các triệu chứng của cuồng nhĩ phụ thuộc chủ yếu vào tần số đáp ứng thất và bệnh tim nền ở từng bệnh nhân. Nếu tần số thất dưới 120 lần/phút và đều, bệnh nhân có thể không có triệu chứng rõ ràng. Điều này khiến nhiều người không biết mình mắc cuồng nhĩ cho đến khi khám sức khỏe định kỳ hoặc kiểm tra điện tâm đồ trước phẫu thuật.

Ở những trường hợp cuồng nhĩ có tần số thất cao hơn (thường trên 120-150 nhịp/phút), người bệnh có thể gặp những triệu chứng như:

  • Đánh trống ngực
  • Khó thở, hụt hơi, đặc biệt khi gắng sức
  • Đau ngực
  • Thường xuyên mệt mỏi, yếu
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Ngất xỉu (thường gặp ở bệnh nhân cuồng nhĩ kèm suy tim)

Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng có thể thay đổi tùy vào từng bệnh nhân. Những người có bệnh tim mạch nền như suy tim, bệnh động mạch vành, bệnh van tim thường có biểu hiện nặng hơn và có nguy cơ cao gặp biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.

Cuồng nhĩ ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

Cuồng nhĩ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

  • Giảm hiệu quả bơm máu của tim: Do tâm nhĩ co bóp quá nhanh, tim không thể bơm máu hiệu quả. Điều này làm giảm cung lượng tim gây cảm giác khó chịu ở ngực, khó thở, yếu, ngất. Một số bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp nếu tần số thất đáp ứng quá nhanh.
  • Tăng nguy cơ đột quỵ: Cuồng nhĩ có thể làm hình thành huyết khối trong buồng nhĩ và gây tắc mạch. Khả năng xảy ra biến cố thuyên tắc huyết khối trong cuồng nhĩ đơn độc được cho bằng khoảng một nửa so với rung nhĩ. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân cuồng nhĩ cũng có (hoặc sẽ có) những thời điểm rung nhĩ. Vì vậy, người bệnh cuồng nhĩ cần dùng thuốc chống đông máu theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa biến chứng đột quỵ.
  • Tăng nguy cơ suy tim: Nhịp tim tăng nhanh khiến tim phải làm việc quá sức, hậu quả là người bệnh cuồng nhĩ có nguy cơ cao mắc suy tim. Một nghiên cứu cho thấy cuồng nhĩ làm tăng nguy cơ suy tim trong vòng 10 năm cao gấp 4,14 lần so với những người không bị cuồng nhĩ.
  • Cuồng nhĩ có thể tiến triển thành rung nhĩ – nghiêm trọng và khó điều trị hơn.
  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Các triệu chứng mệt mỏi, lo âu, rối loạn giấc ngủ có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày. Người bệnh có thể gặp nhiều hạn chế trong hoạt động thể chất do nhịp tim không đều.

Chẩn đoán cuồng nhĩ

Để chẩn đoán cuồng nhĩ, bác sĩ tim mạch sẽ thăm khám lâm sàng và chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm liên quan. Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về những triệu chứng mà mình gặp phải, tiền sử bệnh và các loại thuốc đã dùng trong thời gian gần đây.

Một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết trong chẩn đoán cuồng nhĩ bao gồm:

  • Điện tâm đồ: Người bệnh được gắn các điện cực lên ngực, cổ tay và cổ chân. Các xung điện hoạt động của tim sẽ được máy ghi lại và hiển thị dưới dạng biểu đồ. Ở những bệnh nhân bị cuồng nhĩ, điện tâm đồ 12 chuyển đạo thường có giá trị chẩn đoán, hiển thị các sóng rung nhĩ và nhịp thất đặc trưng.
  • Siêu âm tim: Siêu âm tim qua thành ngực hoặc qua thực quản giúp bác sĩ đánh giá bệnh lý tim cấu trúc đi kèm (bệnh van tim, suy tim…) cũng như khảo sát hình ảnh huyết khối trong buồng tim.
  • Thăm dò điện sinh lý: Thường được sử dụng để xác định chính xác cơ chế vòng vào lại trong cuồng nhĩ không điển hình.
  • Xét nghiệm bổ sung: Các xét nghiệm điện giải huyết thanh, chức năng thận (urê và creatinine huyết thanh), chức năng gan (SGOT) và chức năng tuyến giáp có thể được chỉ định nhằm đánh giá các yếu tố tiền căn. Nếu nghi ngờ về bệnh lý hô hấp, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm chức năng phổi.

Từ những kết quả này, bác sĩ sẽ kết luận bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp với mỗi bệnh nhân. Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ giúp phòng tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Cuồng nhĩ trên ECG

Cuồng nhĩ có nhiều điểm đặc trưng trên điện tâm đồ (ECG) giúp phân biệt với các tình trạng rối loạn nhịp khác. Dựa vào ECG, bác sĩ cũng có thể xác định loại cuồng nhĩ điển hình hay không điển hình.

  • Sóng F dạng răng cưa: Do cuồng nhĩ chỉ có một vòng vào lại chính, nên các sóng khử cực nhĩ lặp đi lặp lại một cách có trật tự, làm cho sóng F có biên độ, hình dạng và tần số ổn định. Sóng nhĩ F có hình răng cưa đặc trưng, nhìn thấy rõ nhất ở các chuyển đạo dưới (II, III, aVF), không có khoảng đẳng điện giữa các sóng F.
  • Tần số nhĩ nhanh: Thường trong khoảng 250–350 nhịp/phút.
  • Tần số thất: Phụ thuộc vào mức độ dẫn truyền qua nút nhĩ thất, thường gặp các dạng dẫn truyền 2:1 (Mỗi 2 sóng F tương ứng với 1 phức bộ QRS, khiến tần số thất khoảng 125–175 nhịp/phút).
  • Phức bộ QRS: Hẹp nếu không có block nhánh, rộng nếu có rối loạn dẫn truyền.

Từ những đặc điểm này, bác sĩ có thể phân biệt giữa cuồng nhĩ và các dạng rối loạn nhịp khác:

  • Rung nhĩ: Sóng F không đều, không có hình răng cưa.
  • Nhịp nhanh kịch phát trên thất: Không có sóng F, thường là nhịp nhanh đều với QRS hẹp.
  • Nhịp nhanh thất: Phức bộ QRS giãn rộng, không có hình ảnh răng cưa đặc trưng.

Điều trị cuồng nhĩ

Cuồng nhĩ có thể gây triệu chứng khó chịu và làm tăng nguy cơ huyết khối dẫn đến đột quỵ. Điều trị cuồng nhĩ bao gồm 2 mục tiêu chính là cắt cơn loạn nhịp và điều trị lâu dài nhằm ngăn ngừa tái phát.

Điều trị cắt cơn cuồng nhĩ

Chuyển nhịp bằng sốc điện: Chuyển nhịp bằng sốc điện được chỉ định cho những bệnh nhân có huyết động không ổn định hoặc xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng như huyết áp thấp, đau ngực, suy tim cấp. Phương pháp này có tỷ lệ thành công cao (>90%), giúp nhanh chóng khôi phục nhịp xoang và cải thiện tình trạng lâm sàng.

Khi thực hiện, sốc điện được đồng bộ với sóng R trên điện tâm đồ nhằm tránh nguy cơ rối loạn nhịp thất. Đây là một biện pháp an toàn và hiệu quả, nhưng cần được thực hiện trong môi trường có đầy đủ phương tiện hồi sức để xử trí kịp thời nếu có biến chứng xảy ra.

Chuyển nhịp bằng thuốc: Chuyển nhịp bằng thuốc là phương pháp sử dụng thuốc chống loạn nhịp qua đường tĩnh mạch hoặc đường uống nhằm đưa nhịp tim từ trạng thái rối loạn trở về nhịp xoang bình thường.

Không giống như sốc điện chuyển nhịp, thuốc thường có tác dụng chậm hơn, với thời gian phát huy hiệu quả khoảng 1 giờ sau khi sử dụng. Vì vậy, phương pháp này chỉ được áp dụng cho những bệnh nhân có huyết động ổn định, không có dấu hiệu suy tim cấp hoặc tụt huyết áp nặng.

Kích thích nhĩ: Chuyển nhịp bằng kích thích nhĩ có thể được thực hiện qua điện cực thực quản hoặc trong quá trình thăm dò điện sinh lý, với tỷ lệ thành công khoảng 80%. Phương pháp này phù hợp cho bệnh nhân có tiền sử yếu nút xoang hoặc nguy cơ nhịp chậm sau chuyển nhịp.

Kỹ thuật được thực hiện bằng cách kích thích nhĩ với tần số cao hơn tần số cuồng nhĩ khoảng 10%, nhằm “bắt” nhịp tim và làm gián đoạn vòng vào lại. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là có thể gây rung nhĩ, xuất hiện thoáng qua hoặc trước khi nhịp xoang được phục hồi. Để giảm nguy cơ này, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng trước thuốc chống loạn nhịp nhằm ổn định màng tế bào và hạn chế kích thích loạn nhịp.

Sử dụng thuốc: Khi không thể hoặc không cần thiết phải chuyển nhịp ngay, đặc biệt ở những bệnh nhân cuồng nhĩ tái phát nhiều lần, mục tiêu điều trị là kiểm soát tần số thất nhằm giảm triệu chứng và ổn định huyết động.

Việc lựa chọn thuốc phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng và các bệnh lý kèm theo của bệnh nhân để tối ưu hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ. Các nhóm thuốc thường được sử dụng bao gồm thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci không dihydropyridine hoặc digoxin (có tác dụng chậm hơn hai nhóm trên, thường dùng cho bệnh nhân suy tim hoặc ít vận động).

Điều trị lâu dài ngăn ngừa tái phát

Triệt đốt bằng năng lượng sóng cao tần

Triệt đốt có thể được cân nhắc ở hầu hết các trường hợp cuồng nhĩ, bao gồm bệnh nhân cuồng nhĩ lần đầu tiên, dung nạp tốt hay cuồng nhĩ xuất hiện sau dùng thuốc điều trị rung nhĩ. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao, bệnh nhân sau triệt đốt thành công sẽ không phải dùng thuốc lâu dài, giảm gánh nặng về tài chính, sức khỏe cũng như tinh thần cho người bệnh.

  • Cuồng nhĩ điển hình (phụ thuộc CTI): Triệt đốt tại vị trí CTI, đem lại hiệu quả cao với tỷ lệ thành công là 90-95%, tỷ lệ tái phát 5%, biến chứng khoảng 1%.
  • Cuồng nhĩ không điển hình (không phụ thuộc CTI): Triệt đốt có thể thực hiện nhưng thường phức tạp hơn, cần bản đồ tim 3D để tìm vị trí sẹo của vòng vào lại, thành công từ 87-95%, với tái phát khoảng 20%.

Điều trị bằng thuốc

Đối với cuồng nhĩ, việc điều trị lâu dài bằng thuốc cũng tương tự như rung nhĩ. Các thuốc thường dùng bao gồm:

  • Thuốc duy trì nhịp xoang: Bệnh nhân cần sử dụng thuốc chống loạn nhịp giúp ngăn ngừa tái phát cuồng nhĩ và duy trì nhịp xoang sau khi đã chuyển nhịp thành công.
  • Thuốc kiểm soát tần số thất: Tùy từng tình trạng và bệnh lý mắc kèm, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci hoặc digoxin giúp kiểm soát nhịp tim.
  • Thuốc chống đông: Người bệnh có thể cần sử dụng thuốc chống đông lâu dài để ngăn ngừa đột quỵ do thuyên tắc mạch.

Phòng ngừa cuồng nhĩ

Ngoài việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ, để phòng ngừa cuồng nhĩ, bạn cần duy trì lối sống lành mạnh bằng cách:

  • Bỏ hút thuốc.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế muối và chất béo bão hòa.
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, tất cả các ngày trong tuần.
  • Kiểm soát cân nặng, giảm cân nếu chỉ số khối cơ thể lớn hơn hoặc bằng 25.
  • Giảm uống hoặc không uống caffeine và rượu.
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng quá độ kéo dài.
  • Kiểm soát huyết áp, cholesterol và bệnh đái tháo đường.
  • Ngủ đủ giấc từ 7-9 tiếng mỗi ngày.

Với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia tim mạch giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là địa chỉ uy tín trong tầm soát, thăm khám và điều trị cuồng nhĩ.

  • TS.BS Alain Patrice Lebon – tiến sĩ y khoa chuyên ngành Tim – Mạch và điện sinh lý được chứng nhận bởi Hiệp hội Nhịp tim Châu Âu với hơn 20 năm kinh nghiệm điều trị bệnh lý tim mạch và nhịp tim tại Pháp.
  • Phác đồ điều trị cá thể hóa theo Hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Nhịp tim châu Âu, chỉ định can thiệp phù hợp với từng bệnh nhân và phối hợp liên chuyên khoa nhằm mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh.
  • Hệ thống lập bản đồ tim 3D Abbott EnSite X EP System thế hệ mới nhất và đầu tiên tại Việt Nam sử dụng ống thông dùng một lần nhập khẩu từ Mỹ.
  • Hệ thống phòng can thiệp DSA hiện đại, tuân thủ các tiêu chuẩn khử khuẩn cao nhất của Pháp.

Để được tư vấn về bệnh lý cuồng nhĩ hoặc đặt lịch khám với các bác sĩ, chuyên gia tim mạch hàng đầu của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.

Cấp cứu

(84-24) 3574 1111

Đội ngũ bác sĩ cấp cứu và bác sĩ phẫu thuật được đào tạo nội bộ sẵn sàng 24/7.
Tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp khẩn cấp.

Chatbot