Đau bụng trên âm ỉ kéo dài là tình trạng như thế nào?
Đau bụng âm ỉ vùng trên rốn là hiện tượng mà nhiều người gặp phải, đặc biệt là với những ai có thói quen ăn uống, sinh hoạt kém khoa học. Các đối tượng thường mắc phải nhất thường dao động từ 24 – 45 tuổi và những phụ nữ đang mang thai.
Thời gian và tần suất bị đau của mỗi người cũng không giống nhau. Cơn đau có thể chỉ trong một thời gian ngắn, có thể kéo dài, hoặc cũng có thể xuất hiện theo từng đợt trong ngày. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bị đau bụng còn kèm theo các triệu chứng khác như nóng bụng ợ hơi, buồn nôn, uể oải, chán ăn,…
Đau bụng trên âm ỉ kéo dài là dấu hiệu của bệnh gì?
Khi xuất hiện các cơn đau trên rốn, nhiều người thường nghĩ đến các bệnh liên quan đến dạ dày. Tuy nhiên, tùy vào từng khu vực và triệu chứng kèm theo mà chúng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác nhau.
Rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa thường đi kèm với những cơn đau bụng, có thể âm ỉ quanh vùng rốn, cùng dạ dày hoặc đau tại bụng dưới. Bên cạnh đó, người bị bệnh rối loạn tiêu hóa còn có thể gặp nhiều triệu chứng khác như đầy hơi, buồn nôn, mất cảm giác thèm ăn hoặc khó tiêu.
Viêm loét dạ dày
Đây là tình trạng niêm mạc dạ dày, tá tràng hoặc thực quản bị tổn thương, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các cơn đau âm ỉ ở vùng bụng trên rốn.
Khi bệnh còn ở giai đoạn nhẹ, cơn đau thường chỉ âm ỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn, cơn đau sẽ diễn ra thường xuyên và dữ dội hơn, đặc biệt là sau khi ăn quá no hoặc khi đang đói.
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa xảy ra khi ruột thừa bị tắc nghẽn do sỏi phân, dị vật hay khối u chèn ép dẫn đến viêm nhiễm. Triệu chứng điển hình khi bị viêm ruột thừa là đau ở vùng hố chậu phải kèm theo sốt. Tuy nhiên, có một số trường hợp có biểu hiện qua cơn đau âm ỉ trên rốn.
Người bệnh cũng có thể gặp thêm một số dấu hiệu khác kèm theo như sốt nhẹ, ăn không ngon miệng, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa bất thường.
Viêm ruột thừa nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như áp xe ổ bụng hay vỡ ruột thừa, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Sỏi mật
Sỏi mật cũng là một bệnh lý phổ biến về đường tiêu hóa, có nguyên nhân chủ yếu từ mức cholesterol trong túi mật tăng cao. Bệnh này thường gây ra những cơn đau ở vùng bụng trên rốn, dưới xương ức hoặc vùng hạ sườn phải.
Cơn đau do sỏi mật gây ra thường xuất hiện sau khi ăn, đặc biệt là khi bạn tiêu thụ những món nhiều dầu mỡ. Cơn đau cũng có thể xuất hiện vào ban đêm và có thể kéo dài đến 30 phút.
Tắc ruột
Bệnh nhân bị tắc ruột cũng có thể trải qua những cơn đau bụng âm ỉ trên rốn. Thêm vào đó, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng kèm theo như buồn nôn, bụng căng cứng và có tiếng vang khi gõ vào, hoặc bí trung đại tiện.
Các bệnh lý về gan
Đau bụng trên rốn cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng về gan, như xơ gan, viêm gan, suy gan cấp hoặc thậm chí là ung thư gan.
Ở giai đoạn sớm, các bệnh lý về gan thường không có triệu chứng rõ rệt, khó chẩn đoán hoặc dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác. Khi bệnh tiến triển, các dấu hiệu như càng mắt, vàng da, buồn nôn, đau bụng, nổi mề đay mới trở nên rõ ràng hơn.
Ung thư dạ dày
Ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư dạ dày, người bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt. Họ có thể cảm thấy đầy hơi, ợ chua, chướng bụng hoặc cảm giác đau âm ỉ ở bụng trên.
Khi bệnh tiến triển, khối u phát triển lớn hơn và có thể gây ra những cơn đau dữ dội ở vùng trên rốn. Các triệu chứng khác như buồn nôn, sốt, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, đi ngoài phân đen,… cũng trở nên rõ ràng hơn.
Bên cạnh các bệnh lý phổ biến trên đây, một số nguyên nhân khác cũng có triệu chứng đau bụng trên âm ỉ có thể kể đến như bệnh về tuyến tụy, lách to, bệnh về thận, bệnh về đường tiết niệu, hoặc các bệnh lý liên quan đến tim phổi.
Cần làm gì khi bị đau vùng bụng trên rốn?
Khi xuất hiện cơn đau bụng trên rốn, điều quan trọng đầu tiên là giữ bình tĩnh và theo dõi tình trạng của cơn đau. Nếu cơn đau có tính chất chu kỳ, biến mất sau vài giờ, đặc biệt là sau khi ăn no hoặc tiêu thụ thực phẩm khó tiêu, thì thường không đáng lo. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài kèm các dấu hiệu bất thường thì bạn cần tìm đến sự can thiệp y tế.
Chữa trị tại nhà
Nếu cơn đau không kéo dài quá lâu, không gây mệt quá mức hoặc không làm ảnh hưởng nhiều đến công việc và sinh hoạt, bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau đây để giảm đau:
- Chườm ấm bụng trong khoảng 10 – 15 phút để thư giãn cơ và giảm đau.
- Xoa nhẹ nhàng vùng bụng theo chuyển động tròn, có thể kết hợp với tinh dầu khuynh diệp để cải thiện lưu thông máu và tăng hiệu quả giảm đau.
- Uống trà gừng để làm dịu các cơn đau liên quan đến dạ dày hoặc rối loạn tiêu hóa.
- Uống mật ong nguyên chất để ức chế vi khuẩn, virus hoặc nấm, giúp làm giảm bớt cơn đau.
Can thiệp y tế
Nếu cơn đau bụng trên rốn kéo dài liên tục hàng giờ, hàng ngày hoặc trở nên dữ dội kèm nôn ói, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám. Đặc biệt, bạn nên chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng sau:
- Bụng đau và phình to bất thường, costheer là dấu hiệu của sự tích tụ khí trong ruột, gây tắc nghẽn một phần hoặc toàn phần.
- Sốt cao trên 38 độ C kèm đau bụng trên có thể là triệu chứng nhiễm trùng đường ruột.
- Đau bụng kèm nôn ói liên tục.
- Cơn đau ở bụng trên lan dần xuống dưới.
Đau bụng trên âm ỉ kéo dài là triệu chứng mà nhiều người gặp phải, phần lớn liên quan đến các bệnh lý về đường tiêu hóa. Khi gặp phải tình trạng này, đặc biệt là khi có các triệu chứng bất thường kèm theo, bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám sớm để được chẩn đoán bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.