Hội chứng Wolff-Parkinson-White là gì?
Hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW) là một bất thường bẩm sinh trong hệ thống dẫn truyền điện tim, đặc trưng bởi sự hiện diện của một hoặc nhiều bó dẫn truyền phụ (bó Kent) nối trực tiếp giữa nhĩ và thất. WPW rất hiếm gặp, xuất hiện ở khoảng 0,1-0,3% dân số (tương đương 1-3 người trên 1.000) và có thể mang tính chất di truyền.
Ở người khỏe mạnh, xung điện xuất phát từ nút xoang nằm ở tâm nhĩ phải, sau đó lần lượt dẫn truyền xung điện sang tâm nhĩ trái, nút nhĩ thất, bó His và mạng Purkinje để kích thích hai tâm thất co bóp. Quá trình dẫn truyền này đảm bảo tim hoạt động đồng bộ, co bóp nhịp nhàng với tần số 60-100 lần/phút, giúp bơm máu hiệu quả đến các cơ quan trong cơ thể.
Trong hội chứng WPW, xung điện có thể đi theo đường tắt qua bó Kent thay vì qua nút nhĩ-thất, dẫn đến hiện tượng khử cực sớm ở tâm thất. Do đó, WPW còn được gọi là hội chứng kích thích sớm. Khi đó, tâm thất nhận xung động từ hai nguồn: một qua đường dẫn truyền bình thường và một qua bó Kent, làm thay đổi đặc điểm điện tâm đồ và có thể gây ra các rối loạn nhịp tim, đặc biệt là nhịp nhanh vòng vào lại nhĩ-thất.
Các nghiên cứu điện sinh lý cho thấy bó Kent có thể nằm ở nhiều vị trí khác nhau dọc vòng nhĩ thất. Vị trí thường gặp nhất là thành bên tim trái (50%), tiếp theo là vùng sau vách liên thất (30%), trước vách liên thất bên phải (10%) và thành bên tim phải (10%).
Triệu chứng của hội chứng Wolff-Parkinson-White
Hội chứng WPW thường biểu hiện triệu chứng lần đầu ở tuổi trưởng thành hoặc trung niên, mặc dù có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. Triệu chứng điển hình nhất là các cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, chủ yếu do nhịp nhanh vòng vào lại nhĩ thất.
Bệnh nhân thường có những cơn đánh trống ngực khởi phát và kết thúc đột ngột, cơn nhịp nhanh đều, có thể chỉ kéo dài vài giây tới vài giờ (hiếm khi > 12 giờ). Các triệu chứng khác đi kèm do ảnh hưởng trên huyết động, ví dụ khó thở, hụt hơi, khó chịu ở ngực, chóng mặt cũng có thể xảy ra. Nếu cơn nhịp nhanh kéo dài hoặc dẫn đến rối loạn huyết động nghiêm trọng, người bệnh có thể ngất xỉu, tuy nhiên tình trạng thường không phổ biến.
Ở trẻ sơ sinh, WPW có thể biểu hiện qua các dấu hiệu không đặc hiệu như thở nhanh, lừ đừ, bú kém, hoặc nhịp tim nhanh sờ thấy ở vùng trước ngực.
Trong nhiều trường hợp, WPW có thể không gây triệu chứng bất thường và chỉ được phát hiện tình cờ qua điện tâm đồ khi khám sức khỏe định kỳ. Một số nghiên cứu ước tính tỷ lệ WPW không triệu chứng chiếm khoảng 0,15%-0,25% dân số. Ở những người có tiền sử gia đình mắc WPW (bố mẹ hoặc anh chị em ruột), tỷ lệ này có thể tăng lên 0,55%.
Mặc dù không có triệu chứng, người mắc hội chứng WPW vẫn có nguy cơ dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc đánh giá yếu tố nguy cơ và theo dõi phù hợp là rất quan trọng.
Hội chứng Wolff-Parkinson-White có nguy hiểm không?
Mức độ nguy hiểm của hội chứng WPW phụ thuộc vào đặc điểm đường dẫn truyền phụ và nguy cơ xảy ra các rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Ở nhiều bệnh nhân, WPW chỉ gây ra các cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, có thể gây khó chịu nhưng không đe dọa tính mạng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh nhân có hội chứng WPW cũng có thể bị loạn nhịp trên thất dẫn truyền nhanh như là dẫn truyền theo tỷ lệ 1:1 của cuồng động nhĩ hoặc rung nhĩ. Ước tính nguy cơ bị rung nhĩ ở bệnh nhân bị hội chứng WPW (rung nhĩ tiền kích thích) là 1,5%/năm và tử vong đột ngột là 0,1%/năm.
Nếu rung nhĩ truyền xuống tâm thất qua đường phụ với tốc độ quá nhanh, bệnh nhân có thể gặp nguy cơ rung thất – một dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm có thể dẫn đến đột tử. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ rung thất trong hội chứng WPW bao gồm tuổi trẻ, gắng sức, tiền sử rối loạn nhịp nhanh, có nhiều đường dẫn truyền phụ, sử dụng thuốc làm giảm dẫn truyền qua nút nhĩ thất và khoảng RR ngắn nhất trong rung nhĩ tiền kích thích ≤ 0,25 giây.
Đối với bệnh nhân WPW không có triệu chứng, nguy cơ xảy ra biến chứng thấp hơn một chút, nhưng cần đánh giá nguy cơ tử vong đột ngột. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu như nghiệm pháp gắng sức, holter điện tim và khảo sát điện sinh lý để đánh giá nguy cơ tiềm ẩn và đưa ra quyết định điều trị phù hợp.
Chẩn đoán hội chứng Wolff-Parkinson-White
Hội chứng WPW được chẩn đoán chủ yếu dựa vào điện tâm đồ và các phương pháp thăm dò điện sinh lý tim. Khi nghi ngờ WPW, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh, triệu chứng lâm sàng và các yếu tố nguy cơ liên quan.
Chẩn đoán hội chứng WPW bằng điện tâm đồ cho thấy khoảng PR ngắn (< 0,12 giây), phức bộ QRS rộng (≥ 0,12 giây) với phần ban đầu có dạng sóng delta. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đường dẫn truyền phụ có thể không hoạt động liên tục, dẫn đến WPW ẩn, đòi hỏi các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu hơn.
- Theo dõi điện tâm đồ liên tục như holter điện tim 24-48 giờ hoặc máy ghi sự kiện có thể hữu ích để phát hiện sự xuất hiện không liên tục của dẫn truyền qua đường phụ và đánh giá nguy cơ rối loạn nhịp.
- Nghiệm pháp gắng sức giúp đánh giá sự thay đổi của dẫn truyền qua đường phụ trong hội chứng WPW, đặc biệt là khả năng đường phụ bị block trong quá trình gắng sức. Ở một số bệnh nhân WPW, khi nhịp tim tăng lên trong quá trình gắng sức, đường dẫn truyền phụ có thể mất khả năng dẫn truyền và sóng delta trên điện tâm đồ biến mất. Điều này cho thấy đường phụ có đặc tính dẫn truyền kém bền vững, ít nguy cơ gây loạn nhịp nguy hiểm. Ngược lại, nếu sóng delta vẫn tồn tại hoặc khoảng RR tối thiểu trong rung nhĩ tiền kích thích vẫn rất ngắn, bệnh nhân có nguy cơ cao bị rung thất và có thể cần can thiệp triệt đốt đường phụ.
- Thăm dò điện sinh lý tim cho phép xác định chính xác vị trí đường phụ, đánh giá khả năng dẫn truyền của đường này cũng như nguy cơ gây ra các cơn loạn nhịp nhanh trên thất hoặc nguy cơ rung thất. Bằng cách sử dụng các catheter điện cực đưa vào trong buồng tim, bác sĩ có thể kích thích tim theo các tần số khác nhau để ghi nhận hoạt động của đường phụ, có khả năng gây loạn nhịp hay không.
- Nếu thăm dò điện sinh lý tim cho thấy đường phụ có khả năng dẫn truyền nhanh trong rung nhĩ, đặc biệt khi khoảng RR tối thiểu ngắn (≤ 0,25 giây), bệnh nhân có nguy cơ cao bị rung thất và có thể được khuyến cáo triệt đốt đường phụ ngay cả khi không biểu hiện triệu chứng.
Điều trị hội chứng Wolff-Parkinson-White
Điều trị cấp tính
Mục tiêu của điều trị cấp tính trong hội chứng WPW là cắt cơn nhịp nhanh, đặc biệt trong trường hợp xuất hiện cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất hoặc rung nhĩ có dẫn truyền xuống thất qua đường phụ với tần số nhanh.
Với cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất ổn định về huyết động, các biện pháp kích thích thần kinh phế vị như nghiệm pháp Valsalva hoặc xoa xoang cảnh có thể giúp chấm dứt cơn nhịp nhanh. Nếu không hiệu quả, bác sĩ có thể sử dụng adenosine tĩnh mạch – thuốc có tác dụng chẹn dẫn truyền qua nút nhĩ thất, giúp ngắt vòng vào lại. Ngoài ra, thuốc chẹn beta hoặc chẹn kênh calci không dihydropyridine có thể được cân nhắc trong một số trường hợp.
Trong tình huống bệnh nhân xuất hiện rung nhĩ tiền kích thích với nhịp thất rất nhanh, việc sử dụng adenosine, chẹn beta, chẹn kênh calci hoặc digoxin có thể gây nguy hiểm do làm giảm dẫn truyền qua nút nhĩ thất, trong khi đường phụ vẫn tiếp tục dẫn truyền xung động xuống thất với tốc độ cao, làm tăng nguy cơ rung thất. Do đó, phương pháp an toàn và hiệu quả hơn trong trường hợp này là sốc điện chuyển nhịp nếu huyết động không ổn định hoặc thuốc chống loạn nhịp nhóm I nếu bệnh nhân ổn định.
Điều trị dài hạn
Triệt đốt bằng năng lượng sóng cao tần: là phương pháp điều trị tối ưu cho hội chứng WPW, giúp loại bỏ hoàn toàn đường phụ và ngăn ngừa cơn loạn nhịp tái phát. Một nghiên cứu về triệt đốt trong hội chứng WPW cho thấy tỷ lệ thành công là 94%, tỷ lệ tái phát là 6% (thường được điều trị bằng cách triệt đốt lại) và tỷ lệ biến chứng liên quan đến thủ thuật là 1%.
Triệt đốt RF đặc biệt được khuyến cáo trong các trường hợp:
- Bệnh nhân có triệu chứng tái phát ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
- Bệnh nhân WPW không có triệu chứng nhưng đường phụ có khả năng dẫn truyền nhanh (khoảng RR tối thiểu trong rung nhĩ ≤ 0,25 giây), làm tăng nguy cơ đột tử.
- Bệnh nhân không muốn hoặc không thể sử dụng thuốc lâu dài.
Điều trị nội khoa: Nếu không thể thực hiện triệt đốt hoặc nếu bệnh nhân từ chối triệt đốt, điều trị nội khoa có thể được thực hiện bằng hầu hết các loại thuốc chống loạn nhịp đường uống khác ngoài digoxin.
Tuy nhiên, điều trị nội khoa chỉ kiểm soát triệu chứng mà không loại bỏ đường phụ, do đó không thể ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ biến chứng. Vì vậy, triệt đốt vẫn là lựa chọn ưu tiên trong hầu hết các trường hợp hội chứng WPW có nguy cơ cao.
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đã và đang là địa chỉ uy tín trong thăm khám và điều trị hội chứng Wolff-Parkinson-White với:
- Đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao: TS. BS. Alain Lebon – tiến sĩ y khoa chuyên ngành Tim – Mạch và điện sinh lý được chứng nhận bởi Hiệp hội Nhịp tim Châu Âu, hơn 20 năm kinh nghiệm điều trị bệnh lý tim mạch và nhịp tim tại Pháp; TS. BS. Ngô Chí Hiếu – tiến sĩ nội tim mạch, hơn 26 năm kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu về cấp cứu và hồi sức tim mạch; BSCKII. Phạm Thu Thủy được đào tạo nâng cao tại Đại học Paris 6 (Pháp), từng công tác tại các bệnh viện uy tín tại Pháp.
- Phác đồ điều trị cá thể hóa theo Hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Nhịp tim châu Âu, chỉ định can thiệp phù hợp với từng bệnh nhân và phối hợp liên chuyên khoa nhằm mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh.
- Hệ thống lập bản đồ tim 3D Abbott EnSite X EP System thế hệ mới nhất và đầu tiên tại Việt Nam sử dụng ống thông dùng một lần nhập khẩu từ Mỹ.
- Hệ thống phòng can thiệp DSA hiện đại, tuân thủ các tiêu chuẩn khử khuẩn cao nhất của Pháp.
Để được tư vấn về hội chứng WPW hoặc đặt lịch khám với các bác sĩ, chuyên gia tim mạch hàng đầu của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.