Holter điện tim là gì?
Holter điện tim là một phương pháp theo dõi và ghi lại hoạt động điện của tim liên tục trong một khoảng thời gian dài, thường từ 24 giờ, 48 giờ, vài ngày hoặc lâu hơn trong một số trường hợp đặc biệt. Đây là một phương pháp hữu ích trong việc phát hiện các bất thường nhịp tim, chẳng hạn như nhịp tim không đều, rối loạn nhịp tim không liên tục, thiếu máu cơ tim hoặc các vấn đề về hệ thống dẫn truyền điện trong tim.
Thiết bị Holter là một máy ghi điện tim nhỏ gọn mà người bệnh có thể đeo trực tiếp trên người, không ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày. Kỹ thuật viên sẽ làm sạch vùng da ở ngực – nơi dán các điện cực nhằm tăng độ bám dính và chất lượng tín hiệu, có thể cần cạo bớt lông nếu cần thiết.
Các điện cực sẽ được dán lên ngực bệnh nhân ở những vị trí thích hợp. Những điện cực này sẽ được kết nối với dây dẫn tín hiệu, truyền dữ liệu đến thiết bị ghi, một máy nhỏ gọn có thể được đeo ở thắt lưng, bên hông hoặc trên vai.
Sau khoảng thời gian theo dõi, bệnh nhân quay lại cơ sở y tế để tháo thiết bị. Các dữ liệu ghi lại sẽ được bác sĩ hoặc kỹ thuật viên phân tích để đánh giá hoạt động điện tim, từ đó phát hiện các bất thường hoặc dấu hiệu của các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn.
Các loại Holter điện tim
Tùy vào tần suất xuất hiện triệu chứng và nghi ngờ lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định loại Holter điện tim phù hợp để tối ưu hóa khả năng chẩn đoán:
- Holter điện tim 24-48 giờ: Là loại phổ biến nhất, ghi lại nhịp tim liên tục trong thời gian ngắn để phát hiện các rối loạn nhịp thoáng qua, thích hợp cho bệnh nhân có triệu chứng thường xuyên như đánh trống ngực, chóng mặt, ngất.
- Holter điện tim kéo dài (7-14 ngày): Áp dụng cho bệnh nhân không gặp triệu chứng thường xuyên hoặc khó ghi nhận trong 24-48 giờ. Thời gian theo dõi dài hơn giúp tăng khả năng phát hiện rối loạn nhịp tim thoáng qua, đặc biệt là các trường hợp rung nhĩ cơn hoặc nhịp nhanh thất không kéo dài.
- Holter điện tim cấy ghép (máy ghi vòng lặp cấy ghép): Là một thiết bị nhỏ được cấy dưới da để ghi lại hoạt động điện của tim trong thời gian dài. Thiết bị này đặc biệt hữu ích đối với bệnh nhân có triệu chứng hiếm gặp, không xuất hiện trong thời gian theo dõi ngắn, chẳng hạn như ngất không rõ nguyên nhân, nghi ngờ rối loạn nhịp nguy hiểm, giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác sau khi theo dõi vài tháng hoặc lâu hơn.
Holter điện tim được chỉ định khi nào?
Khác với điện tâm đồ lúc nghỉ chỉ ghi lại hoạt động điện của tim trong một khoảng thời gian ngắn khi bệnh nhân ở trạng thái nghỉ ngơi, Holter điện tim có khả năng theo dõi hoạt động điện của tim liên tục trong suốt một khoảng thời gian dài hơn. Điều này giúp phát hiện các rối loạn nhịp tim thoáng qua hoặc các rối loạn nhịp xảy ra không thường xuyên, trong khi bệnh nhân vẫn tham gia các hoạt động hàng ngày.
Holter điện tim thường được chỉ định nhằm:
- Phát hiện và xác định loại rối loạn nhịp tim: Khi bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ như đánh trống ngực, hồi hộp, chóng mặt, ngất không rõ nguyên nhân, hoặc khó thở liên quan đến nhịp tim bất thường.
- Đánh giá hiệu quả điều trị: Theo dõi nhịp tim sau khi điều trị bằng thuốc chống loạn nhịp hoặctriệt đốt rối loạn nhịp bằng sóng cao tần
- Tầm soát rối loạn nhịp tim tiềm ẩn: Đối với bệnh nhân có nguy cơ cao như người mắc bệnh tim mạch nền (bệnh động mạch vành, bệnh van tim), sau nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, hoặc các tình trạng như hội chứng ngưng thở khi ngủ.
- Đánh giá nguy cơ đột tử tim: Đặc biệt ở bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nguy cơ cao như bệnh cơ tim phì đại, QT dài, bệnh cơ tim giãn nở, hoặc bệnh cơ tim di truyền.
Mặc dù Holter điện tim khá an toàn, nhưng có một số trường hợp không phù hợp để sử dụng phương pháp này, bao gồm:
- Tổn thương da nghiêm trọng tại vùng dán điện cực: Viêm da, bỏng, nhiễm trùng da nặng có thể gây khó khăn trong việc cố định điện cực và làm sai lệch kết quả đo.
- Người không thể hợp tác trong quá trình đeo thiết bị: Trẻ nhỏ không thể giữ nguyên thiết bị, bệnh nhân sa sút trí tuệ nặng hoặc những người có rối loạn tâm thần không thể tuân thủ hướng dẫn.
- Dị ứng với keo dán điện cực: Một số bệnh nhân có phản ứng dị ứng với keo dán, dẫn đến kích ứng da, nổi mẩn đỏ hoặc viêm da tiếp xúc.
Lưu ý trước, trong và sau khi đo Holter điện tim
Để đảm bảo kết quả đo Holter điện tim chính xác, người bệnh cần lưu ý:
- Không làm ướt thiết bị: Hầu hết các thiết bị Holter điện tim không chống nước, do đó người bệnh cần tránh tiếp xúc với nước trong suốt thời gian đeo máy (không tắm, không bơi, xông hơi…). Nếu thiết bị bị ướt, có thể ảnh hưởng đến khả năng ghi nhận và làm hỏng thiết bị.
- Ghi lại nhật ký hoạt động: Người bệnh nên ghi chép chi tiết các hoạt động hàng ngày, bao gồm thời gian và nội dung hoạt động, cũng như các triệu chứng (nếu có) như đánh trống ngực, chóng mặt, đau ngực, khó thở… Nhật ký này sẽ giúp bác sĩ so sánh với dữ liệu từ Holter, từ đó cung cấp cái nhìn chính xác hơn về tình trạng sức khỏe.
- Hạn chế sử dụng thiết bị phát sóng điện từ mạnh: Các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính hoặc các thiết bị tạo sóng điện từ mạnh có thể gây nhiễu tín hiệu, ảnh hưởng đến chất lượng dữ liệu ghi nhận. Người bệnh nên hạn chế sử dụng các thiết bị này trong suốt thời gian đeo Holter, đặc biệt là khi thiết bị đang ghi tín hiệu.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái: Để thuận tiện cho việc đeo máy và tránh làm dây điện cực bị rối hoặc tuột ra, người bệnh nên mặc quần áo rộng rãi, không bó sát, đặc biệt là khu vực ngực nơi gắn các điện cực. Việc này cũng sẽ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn trong các hoạt động thường ngày.
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ: Người bệnh không được tự ý tháo máy trước thời gian chỉ định, kể cả khi cảm thấy không thoải mái. Việc tháo máy sớm có thể dẫn đến mất dữ liệu và làm gián đoạn quá trình theo dõi nhịp tim, ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Luôn tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên để đảm bảo kết quả đo điện tim chính xác.
- Tránh hoạt động mạnh: Mặc dù Holter điện tim không cản trở các hoạt động bình thường, nhưng bệnh nhân nên tránh các hoạt động thể thao cường độ cao hoặc các hoạt động có thể gây đổ mồ hôi quá mức, khiến các điện cực bong ra hoặc giảm độ bám dính, dẫn đến kết quả không chính xác.
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là đơn vị uy tín trong thăm khám, tầm soát và điều trị các bệnh lý tim mạch. Để đặt lịch thăm khám với các bác sĩ tim mạch, vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.