Mục tiêu điều trị rung nhĩ
Rung nhĩ làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ, suy tim cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, theo TS. BS. Alain Lebon, mục tiêu điều trị rung nhĩ là kiểm soát tần số thất, đưa nhịp tim về nhịp xoang bình thường để giảm bớt triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân, điều chỉnh các yếu tố nguy cơ gây rung nhĩ đồng thời dự phòng huyết khối tắc mạch nhằm hạn chế biến chứng đột quỵ và bệnh cơ tim do nhịp tim nhanh.
Để đạt được mục tiêu này, người bệnh cần thay đổi lối sống kết hợp với dùng thuốc và thực hiện can thiệp tim mạch nếu cần. Tùy theo từng trường hợp, người bệnh có thể sử dụng một loại thuốc hoặc phối hợp nhiều loại thuốc như thuốc chống đông, thuốc kiểm soát nhịp tim, thuốc chống loạn nhịp.
Bác sĩ cũng có thể đề xuất người bệnh thực hiện thủ thuật, phẫu thuật tim mạch nếu phương pháp dùng thuốc không cải thiện được tình trạng rung nhĩ hoặc bệnh nhân muốn điều trị triệt để bệnh ngay từ đầu. Một số thủ thuật, phẫu thuật thường được chỉ định cho bệnh nhân rung nhĩ bao gồm sốc điện chuyển nhịp, triệt đốt rung nhĩ qua ống thông, phẫu thuật Maze,… Trong trường hợp rung nhĩ có rối loạn chức năng nút xoang, người bệnh có thể được đặt máy tạo nhịp để duy trì nhịp xoang bình thường.
Vì sao bệnh nhân rung nhĩ cần điều chỉnh lối sống?
Duy trì lối sống tốt cho hệ tim mạch là biện pháp quan trọng và cần thiết trong điều trị rung nhĩ. Nếu không thay đổi lối sống, các phương pháp điều trị bằng thuốc và can thiệp tim mạch không thể phát huy hiệu quả tối đa, rung nhĩ ngày càng khó kiểm soát và người bệnh phải đối mặt với nhiều biến chứng khó lường.
Lối sống lành mạnh giúp bệnh nhân rung nhĩ giảm bớt triệu chứng khó chịu
Tập thể dục với cường độ vừa phải và tần suất thường xuyên đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện triệu chứng và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân rung nhĩ. Nguyên nhân là do tập thể dục giúp giảm cân, tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện phân suất tống máu của tâm thất trái. Ngoài ra, các bài tập yoga, thái cực quyền, khí công còn xoa dịu tình trạng lo lắng, trầm cảm ở bệnh nhân rung nhĩ.

Thay đổi lối sống để hạn chế rung nhĩ tái phát và tiến triển nặng
Thừa cân, béo phì là yếu tố gia tăng nguy cơ tiến triển từ rung nhĩ kịch phát thành rung nhĩ dai dẳng hoặc rung nhĩ vĩnh viễn. Một nghiên cứu theo dõi các bệnh nhân rung nhĩ trong vòng 4 năm báo cáo rằng những bệnh nhân giảm cân > 10% trọng lượng cơ thể có tỷ lệ tiến triển từ rung nhĩ kịch phát sang rung nhĩ dai dẳng thấp nhất và tỷ lệ đảo ngược từ rung nhĩ dai dẳng sang rung nhĩ kịch phát cao nhất.
Bên cạnh đó, kiêng rượu bia cũng có lợi cho bệnh nhân rung nhĩ. Theo báo cáo, những bệnh nhân kiêng rượu có tỷ lệ tái phát rung nhĩ thấp hơn đáng kể (53%) so với những bệnh nhân tiêu thụ nhiều rượu bia (73%).
Phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của rung nhĩ nhờ lối sống lành mạnh
Uống nhiều rượu bia là một yếu tố gia tăng nguy cơ xảy ra biến chứng ở bệnh nhân rung nhĩ. Cụ thể, những bệnh nhân rung nhĩ uống nhiều rượu bia có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ, đột quỵ thoáng qua và thuyên tắc mạch máu cao hơn đáng kể so với những bệnh nhân tuân thủ chế độ kiêng rượu bia.
Ngoài ra, việc cai thuốc lá cũng có lợi với bệnh nhân rung nhĩ. Một nghiên cứu theo dõi hơn 97.000 bệnh nhân đột quỵ báo cáo rằng những bệnh nhân rung nhĩ bỏ thuốc lá có nguy cơ đột quỵ thấp hơn 30% và nguy cơ tử vong do đột quỵ thấp hơn 55%.
5 lời khuyên từ chuyên gia tim mạch người Pháp giúp bệnh nhân rung nhĩ điều chỉnh lối sống
TS. BS. Alain Lebon khuyên bệnh nhân rung nhĩ nên áp dụng 5 biện pháp dưới đây vào cuộc sống hàng ngày để điều chỉnh và duy trì lối sống tốt cho hệ tim mạch.
Nuôi dưỡng trái tim bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp bệnh nhân rung nhĩ duy trì cân nặng hợp lý và kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, tăng huyết áp. Bệnh nhân rung nhĩ nên tăng cường các loại rau xanh và hoa quả vào chế độ ăn hàng ngày. Rau củ quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giàu chất xơ, đồng thời cung cấp các chất chống oxy hóa cho cơ thể. Rau xanh và hoa quả nên chiếm hơn 1/3 lượng thực phẩm mà bệnh nhân rung nhĩ tiêu thụ mỗi ngày. Tốt nhất nên lựa chọn rau củ quả tươi mới, theo mùa để đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng tối đa.
Ngoài ra, bệnh nhân rung nhĩ nên hạn chế ăn thịt đỏ và các thực phẩm chế biến sẵn bao gồm xúc xích, thịt xông khói, thịt ướp muối. Thay vào đó, cá và các loại đậu là nguồn cung cấp protein tốt cho cơ thể. Người bệnh nên ăn 2 – 3 bữa cá trong tuần, trong đó có 1 bữa là cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi… Các loại cá béo là nguồn cung cấp omega-3 dồi dào, rất tốt cho hệ tim mạch. Các món ăn chiên rán, chứa nhiều đường và muối cũng nên cắt giảm để kiểm soát tốt huyết áp, đường máu và cholesterol máu.

Hạn chế rượu bia, cafein và bỏ hút thuốc
Đồ uống chứa cồn và cafein có thể gây tăng nhịp tim và làm bệnh rung nhĩ nặng thêm. Vì vậy, người bệnh nên hạn chế tối đa rượu bia, trà, cà phê, nước tăng lực để duy trì nhịp tim ổn định. Nước lọc, sữa, nước ép rau quả là những thức uống tốt cho sức khỏe mà người bệnh có thể lựa chọn.
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch, bệnh nhân rung nhĩ cũng nên giảm dần và bỏ hẳn thuốc lá, thuốc lào. “Sau khi bỏ hút thuốc, nguy cơ tim mạch sẽ giảm nhanh chóng và tiếp tục giảm theo thời gian” – TS. BS. Alain Lebon khẳng định. Cụ thể, sau khi bỏ hút thuốc 1 – 2 năm, nguy cơ đau tim giảm mạnh. Sau 3 – 6 năm, nguy cơ mắc bệnh mạch vành giảm đi 50%. Sau 5 – 10 năm, nguy cơ đột quỵ giảm thấp. Và sau 15 năm bỏ hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh mạch vành gần như bằng người không hút thuốc. Vì vậy, không bao giờ là quá muộn để bỏ hút thuốc và bỏ càng sớm thì lợi ích với sức khỏe càng lớn.
Tập thể dục để bảo vệ trái tim khỏe mạnh
Tập thể dục giúp kiểm soát cân nặng và bệnh lý tiểu đường, cải thiện sức mạnh cơ bắp, hỗ trợ tim phổi hoạt động khỏe mạnh. Tập thể dục cũng tốt cho sức khỏe tinh thần của bệnh nhân rung nhĩ. Vì vậy, bệnh nhân rung nhĩ nên tập thể dục đều đặn với cường độ vừa phải khoảng 150 phút mỗi tuần.
Theo TS. BS. Alain Lebon, các bài tập phù hợp với bệnh nhân rung nhĩ bao gồm đi bộ nhanh, bơi lội, yoga, thái cực quyền,… Trong đó, đi bộ nhanh là bài tập vừa phải, đơn giản, rất phù hợp để bắt đầu. Người bệnh có thể bắt đầu tập thể dục bằng cách đi bộ nhẹ nhàng khoảng 10-15 phút mỗi ngày, sau đó tăng dần tốc độ và thời gian luyện tập để đạt được chỉ tiêu vận động 150 phút hàng tuần.
Lưu ý rằng, trong quá trình tập thể dục, nếu cảm thấy mệt hoặc có triệu chứng của rung nhĩ, người bệnh nên dừng lại và nghỉ ngơi.
Quản lý căng thẳng để sống vui hơn, khỏe hơn
Hơn 70% bệnh nhân rung nhĩ thường xuyên cảm thấy lo lắng về sức khỏe của bản thân, trong đó gần 35% người bệnh có mức độ lo âu cao. Tuy nhiên, càng lo lắng càng không có lợi vì căng thẳng tinh thần có thể gây tăng huyết áp, tăng nhịp tim và kích hoạt cơn rung nhĩ xuất hiện. Vì vậy, biết cách kiểm soát căng thẳng và thư giãn tinh thần sẽ giúp ích cho cả cơ thể và tâm trí của bệnh nhân rung nhĩ.
Khi cảm thấy lo lắng, người bệnh có thể thử các kỹ thuật thư giãn như hít sâu, thở đều hoặc thiền định. Tập trung vào hơi thở, lắng nghe cảm xúc bên trong và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực là cách tuyệt vời để giảm bớt lo lắng, căng thẳng. Ngoài ra, nghe nhạc, đọc sách, khiêu vũ, làm vườn hoặc tham gia câu lạc bộ ngoại khóa, hội nhóm người cao tuổi cũng là những hoạt động có lợi cho sức khỏe tinh thần.
Trái tim cũng cần được nghỉ ngơi
Ngủ ngon và đủ giấc không chỉ đảm bảo người bệnh có đủ năng lượng cho các hoạt động hàng ngày mà còn tốt cho sức khỏe tim mạch. TS. BS. Alain Lebon cho biết tình trạng thiếu ngủ có thể gia tăng nguy cơ tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Mất ngủ kéo dài cũng liên quan đến những thói quen không tốt cho hệ tim mạch như mức độ căng thẳng tinh thần cao hơn, ít hoạt động thể chất hơn và chế độ dinh dưỡng không lành mạnh.
Vì vậy, TS. BS. Alain Lebon khuyên bệnh nhân rung nhĩ nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm. Hãy đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm và thức dậy vào cùng một giờ mỗi sáng, kể cả cuối tuần để duy trì lịch sinh hoạt đều đặn. Không nên tập thể dục và ăn uống trước giờ đi ngủ, đặc biệt là rượu bia, đồ uống chứa caffeine và các món ăn nhiều đường, chất béo. Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh từ điện thoại, máy tính, tivi vào buổi tối để dễ ngủ hơn. Bên cạnh đó, tham gia các hoạt động ngoài trời và tiếp xúc với ánh nắng vào ban ngày cũng giúp người bệnh ngủ ngon hơn.
Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa của HFH, vui lòng liên hệ qua HOTLINE 024.35771100, INBOX Fanpage “Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội” hoặc Zalo OA zalo.me/2008009049335817955