Cách rặn đẻ khi sinh thường đúng cách, an toàn cho mẹ và bé
Rặn đúng lúc không chỉ giúp mẹ bầu sinh con dễ dàng hơn mà còn giảm bớt cảm giác đau đớn trong suốt quá trình. Để thực hiện kỹ thuật rặn đúng, trước hết, mẹ cần hiểu rõ ba giai đoạn chính của quá trình chuyển dạ:
- Giai đoạn 1: Là thời điểm các cơn co tử cung xuất hiện và tăng cường độ, nhằm làm mềm và mở cổ tử cung.
- Giai đoạn 2: Thời điểm sản phụ bắt đầu rặn đẻ để đưa em bé ra ngoài.
- Giai đoạn 3: Kể từ khi em bé được sinh ra đến khi nhau thai được tống ra ngoài.
Cơn co tử cung là yếu tố quyết định giúp mẹ biết khi nào nên bắt đầu rặn để đẩy bé ra ngoài một cách hiệu quả. Dưới đây là một số bước hướng dẫn chi tiết giúp mẹ bầu thực hiện rặn đẻ đúng chuẩn:
- Chuẩn bị: Khi bắt đầu quá trình sinh, mẹ cần nằm ở tư thế đầu nâng khoảng 45 độ và mông nâng nhẹ so với mặt giường. Hai chân đặt vào các bàn đạp để tạo lực ổn định.
- Cảm nhận cơn co tử cung và rặn: Khi cơn co tử cung xuất hiện (thường kèm theo cảm giác đau tăng dần), mẹ cần hít sâu, dồn hơi xuống bụng và thực hiện động tác rặn. Lúc này, mẹ phải giữ hơi thở và dồn lực xuống bụng thay vì phát ra âm thanh để không làm phân tán lực khi rặn. Nếu cơn đau vẫn kéo dài sau khi một hơi được rặn hết, mẹ có thể hít thêm một hơi sâu và tiếp tục rặn cho đến khi không còn cảm giác đau (cơn co tử cung kết thúc).
- Sau cơn co tử cung: Khi cảm giác đau dịu bớt hoặc hết hoàn toàn, có nghĩa là cơn co tử cung đã kết thúc. Lúc này, mẹ không nên tiếp tục rặn nữa mà nghỉ ngơi, chuẩn bị cho cơn co tiếp theo.
Quá trình rặn đẻ sẽ kéo dài khác nhau tùy vào lần sinh của mẹ. Đối với mẹ sinh con lần đầu, giai đoạn này có thể kéo dài từ 30 đến 40 phút. Với mẹ sinh con rạ, thời gian này thường ngắn hơn, từ 20 đến 30 phút.
Rặn đúng thời điểm khi cơn co tử cung đang xảy ra là yếu tố quyết định để quá trình sinh nở diễn ra nhanh chóng và an toàn. Sự kết hợp giữa cơn co tự nhiên, sức lực của mẹ và sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế sẽ giúp em bé ra đời một cách thuận lợi nhất.
Cách thở đúng cách cho mẹ khi sinh thường
Để thở đúng trong khi sinh, mẹ bầu cần phải nhận biết các cơn co tử cung và điều chỉnh hơi thở sao cho phù hợp với từng giai đoạn. Cơn co tử cung chính là yếu tố tạo ra cảm giác đau đớn khi sinh, hay còn gọi là “đau đẻ”. Các cơn co này có chu kỳ rõ ràng, bao gồm ba giai đoạn chính, mỗi giai đoạn có cách thở khác nhau:
- Giai đoạn co: Đây là lúc bắt đầu xuất hiện cơn co tử cung và thai phụ sẽ cảm nhận được sự đau đớn. Lúc này, bụng sẽ cứng lại và cơn đau dần tăng lên. Các mẹ cần thực hiện hơi thở sâu và tăng dần tốc độ thở. Hít vào qua mũi và thở ra qua miệng giúp cung cấp oxy cho cơ thể để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao trong quá trình sinh.
- Giai đoạn kéo dài: Cơn đau tăng lên và đạt đỉnh trong giai đoạn này. Đây là thời điểm mà các mẹ bầu thường cảm thấy đau nhất. Khi đó, mẹ cần điều chỉnh thở nhanh và nông, tạo ra âm thanh rít như huýt sáo khi thở ra. Điều này giúp duy trì lưu thông oxy và cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, đồng thời giúp mẹ bầu vượt qua cơn đau đỉnh điểm.
- Giai đoạn nghỉ: Khi cơn đau bắt đầu giảm dần, mẹ bầu sẽ chuyển sang giai đoạn nghỉ ngơi. Lúc này, mẹ có thể cảm thấy đau nhẹ hoặc không còn đau. Hơi thở cần trở nên sâu và chậm hơn, đồng thời kết hợp thư giãn để chuẩn bị cho cơn co tử cung tiếp theo.
Trước khi bước vào quá trình sinh, mẹ bầu nên luyện tập cách thở theo các giai đoạn trên để cơ thể có thể thích nghi tốt hơn trong suốt quá trình sinh nở. Đồng thời, hãy duy trì tâm lý thoải mái, thư giãn và lắng nghe chỉ dẫn từ bác sĩ, để quá trình sinh trở nên suôn sẻ và an toàn.
Vì sao mẹ bầu cần học các rặn và thở nếu muốn sinh thường?
Việc thực hiện kỹ thuật rặn và thở đúng trong lúc sinh rất quan trọng đối với sức khỏe của thai phụ và sự thuận lợi trong quá trình sinh nở.
Việc học cách rặn và thở đúng khi sinh vô cùng quan trọng để giảm đau và tiết kiệm năng lượng. Thở đúng giúp cung cấp đủ oxy, giảm căng thẳng và mệt mỏi. Rặn hiệu quả sẽ hỗ trợ đẩy thai ra ngoài nhanh chóng và an toàn, giảm đau đớn. Thở đều đặn cũng giúp thư giãn tâm lý, giữ bình tĩnh trong quá trình sinh nở.
Mặt khác, rặn sai hoặc thở không đúng cách không chỉ làm cho mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, mất sức mà còn có thể làm chậm quá trình sinh, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé, như là nghẹt thở cho thai nhi hay băng huyết sau sinh.
Lưu ý khi rặn đẻ và thở cho mẹ sinh thường
Để đảm bảo quá trình sinh con được diễn ra tự nhiên, suôn sẻ và an toàn thì mẹ bầu nên lưu ý một số điều sau đây:
- Nên chuẩn bị tâm lý của mình thật tự tin và thoải mái. Trong trường hợp mẹ bầu cảm thấy lo lắng, căng thẳng khi bước vào giai đoạn chuyển dạ, nếu cảm thấy hơi thở ngắn và gấp, cách tốt nhất là tìm một người hỗ trợ sinh nở để họ có thể giúp giữ bạn bình tĩnh. Sau đó, hãy tập trung vào việc hít thở qua miệng và đẩy hơi xuống bụng.
- Việc hít thở sâu và dồn hơi xuống bụng sẽ giúp mẹ bầu bình tĩnh hơn, không chỉ về mặt thể chất mà còn cả tinh thần. Đây là một phương pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả mà các mẹ bầu có thể áp dụng trong suốt quá trình sinh.
- Đối với các sản phụ lần đầu sinh, tầng sinh môn thường khá dày và cứng, vì vậy bác sĩ có thể thực hiện cắt tầng sinh môn để giúp mở rộng đường sinh và bảo vệ phần đầu của em bé khi ra ngoài. Việc này cũng giúp giảm nguy cơ rách tầng sinh môn, hạn chế ảnh hưởng đến chức năng của hậu môn sau này.
Trên đây là những thông tin mang tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa chuyên môn. Vì vậy, trước khi sinh, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để được hướng dẫn đúng cách và phù hợp nhất.
Việc sinh con luôn là một thử thách lớn, đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai lần đầu. Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội hy vọng thông qua những chia sẻ trên đây mẹ bầu sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn cho hành trình vượt cạn.
Ngoài ra chúng tôi còn cung cấp Chương trình thai sản với các gói chăm sóc, khám sức khỏe được thiết kế để theo sát sức khỏe cho mẹ trong suốt thời gian mang thai đến khi sinh con. Để được hỗ trợ và đồng hành cùng các chuyên gia khoa sản giàu kinh nghiệm, bạn có thể liên hệ với chúng tôi thông qua số tổng đài 024.3577.1100.
Cách rặn đẻ khi sinh thường đúng kỹ thuật là yếu tố quyết định đến an toàn và sức khỏe của mẹ và bé. Bằng cách hiểu và thực hiện đúng các bước hướng dẫn trên, mẹ có thể giảm đau, tiết kiệm sức lực, và tránh các biến chứng sau sinh. Để đảm bảo nắm rõ và đúng các bước thực hiện, đừng quên tham khảo ý kiến của các chuyên gia nhé.