Skip to content
Kiến thức - Tháng 5 27, 2025

KHẢO SÁT ĐIỆN SINH LÝ TIM ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Cập nhật lần cuối: Tháng 6 23, 2025

Tư vấn y tế: BS. Alain Patrice Lebon

Khảo sát điện sinh lý tim là thủ thuật xâm lấn nhẹ nhằm đánh giá hoạt động điện học của tim và xác định nguyên nhân rối loạn nhịp. Bác sĩ sẽ đưa các điện cực qua tĩnh mạch vào buồng tim để ghi nhận tín hiệu điện và kiểm tra phản ứng của tim với kích thích.

Khảo sát điện sinh lý tim là gì?

Khảo sát điện sinh lý tim là một phương pháp thăm dò chức năng điện học trong tim thông qua việc đưa các ống thông vào buồng tim để ghi nhận và phân tích hoạt động điện học tại chỗ. Mục tiêu của thủ thuật này là đánh giá hệ thống dẫn truyền điện trong tim và xác định bản chất của các rối loạn nhịp tim, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác và xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp.

Khác với điện tâm đồ, Holter điện tim, khảo sát điện sinh lý tim cho phép đánh giá chuyên sâu về hoạt động điện học nội tại trong tim. Nhờ khả năng ghi nhận tín hiệu điện trực tiếp từ bên trong buồng tim và thực hiện kích thích điện có kiểm soát, khảo sát điện sinh lý có thể phát hiện ra các bất thường mà các kỹ thuật không xâm lấn không thể chẩn đoán chắc chắn.

Không chỉ có giá trị trong chẩn đoán, khảo sát điện sinh lý còn đóng vai trò điều trị khi kết hợp với kỹ thuật triệt đốt. Sau khi xác định được đường dẫn truyền bất thường hoặc ổ phát nhịp bệnh lý, bác sĩ có thể tiến hành triệt đốt ngay trong cùng một thủ thuật, giúp điều trị dứt điểm nhiều loại rối loạn nhịp tim.

Khi nào cần thực hiện khảo sát điện sinh lý tim?

Khảo sát điện sinh lý tim là một kỹ thuật chẩn đoán chuyên sâu, được chỉ định trong những tình huống lâm sàng cụ thể khi cần xác định bản chất của rối loạn nhịp hoặc đánh giá chức năng hệ thống dẫn truyền tim mà các phương pháp không xâm lấn không thể cung cấp đủ thông tin.

Kỹ thuật này thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

Rối loạn nhịp tim chưa rõ nguyên nhân

Ở những bệnh nhân có cơn ngất tái phát nhưng chưa xác định được nguyên nhân sau khi đã thực hiện các thăm dò thường quy (như điện tâm đồ, Holter điện tim, siêu âm tim…), khảo sát điện sinh lý có thể giúp phát hiện các bất thường về dẫn truyền hoặc xác định nguy cơ loạn nhịp nguy hiểm.

Chẩn đoán và phân loại rối loạn nhịp nhanh

  • Chẩn đoán và phân biệt các loại nhịp nhanh: như nhịp nhanh vào lại nút nhĩ thất, nhịp nhanh vào lại nhĩ-thất qua đường phụ, nhịp nhanh nhĩ, cuồng nhĩ, hoặc rung nhĩ.
  • Đánh giá mức độ nguy hiểm của loạn nhịp thất: đặc biệt trong các trường hợp ngoại tâm thu thất phức tạp, nhịp nhanh thất không duy trì hoặc cơn nhịp nhanh thất tự kết thúc, nhằm xác định nguy cơ và chỉ định cấy máy phá rung.

Đánh giá các bất thường dẫn truyền

  • Đánh giá tình trạng block nhĩ thất, block bó nhánh, hội chứng nút xoang bệnh lý, đặc biệt trong trường hợp không rõ ràng có cần cấy máy tạo nhịp hay không.
  • Giúp xác định vị trí và mức độ bất thường của dẫn truyền nhĩ-thất trong những trường hợp ngất không rõ nguyên nhân.
  • Phát hiện hội chứng Wolff-Parkinson-White và đánh giá nguy cơ dẫn truyền nhanh qua đường phụ trong cơn rung nhĩ.

Kết hợp điều trị và theo dõi sau can thiệp

  • Triệt đốt ổ loạn nhịp bằng năng lượng cao tần: EPS giúp định vị chính xác vị trí gây loạn nhịp và có thể thực hiện điều trị ngay trong cùng một lần khảo sát nếu điều kiện cho phép.
  • Đánh giá hiệu quả sau triệt đốt: kiểm tra khả năng tái phát loạn nhịp và tính triệt để của thủ thuật.
  • Hướng dẫn cấy máy phá rung hoặc máy tạo nhịp trong các trường hợp có rối loạn nhịp hoặc rối loạn dẫn truyền nguy hiểm.

Một số chỉ định khác

  • Đánh giá loạn nhịp thất ở bệnh nhân có bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, bệnh cơ tim giãn, hội chứng Brugada, hội chứng QT dài – những bệnh lý có nguy cơ đột tử nhưng thường khó phát hiện qua ECG thường quy.
  • Đánh giá và điều trị rối loạn nhịp trong hội chứng tiền kích thích, nhất là ở vận động viên hoặc người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao.
  • Kiểm tra đáp ứng của tim với thuốc chống loạn nhịp trong điều kiện theo dõi sát, nhằm cá thể hóa điều trị cho từng bệnh nhân.

Quy trình thực hiện khảo sát điện sinh lý tim

Khảo sát điện sinh lý tim thường kéo dài từ 1 đến 4 giờ, có thể lâu hơn nếu thực hiện đồng thời thủ thuật triệt đốt. Quy trình thực hiện như sau:

Chuẩn bị trước thủ thuật

Trước khi thực hiện khảo sát điện sinh lý, bệnh nhân thường được yêu cầu nhịn ăn từ 4-6 giờ. Nếu đang sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc chống loạn nhịp, bác sĩ có thể chỉ định tạm ngừng thuốc để đảm bảo kết quả khảo sát chính xác.

Trong phòng thủ thuật, người bệnh nằm ngửa trên bàn chụp X-quang trong điều kiện vô khuẩn. Các chỉ số sinh tồn như huyết áp, mạch, nhịp tim và điện tâm đồ sẽ được theo dõi liên tục trong suốt quá trình thực hiện.

Tiến hành thủ thuật

Sau khi sát khuẩn và gây tê tại chỗ, bác sĩ sẽ chọc dò một hoặc nhiều tĩnh mạch, thường là tĩnh mạch đùi ở vùng bẹn. Trong một số trường hợp, tĩnh mạch cảnh hoặc tĩnh mạch dưới đòn cũng có thể được sử dụng để tạo đường vào.

Với sự hỗ trợ của hình ảnh X-quang, các ống thông (catheter) được đưa vào tới buồng tim để đặt tại các vị trí cần thiết như nhĩ phải, bỏ His, thất phải… Các điện cực ở đầu ống thông sẽ ghi lại điện tâm đồ trong buồng tim, đồng thời cho phép thực hiện kích thích tim nhằm đánh giá khả năng dẫn truyền và khởi phát cơn loạn nhịp.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiêm thêm các thuốc tác động đến dẫn truyền điện như isoproterenol hoặc adenosine để quan sát phản ứng của tim trong các tình huống được mô phỏng.

Thông qua việc phân tích các thông số như thời gian dẫn truyền, khoảng trơ và đáp ứng của tim với kích thích điện, bác sĩ có thể xác định rõ ràng cơ chế gây loạn nhịp cũng như vị trí xuất phát của rối loạn.

Sau thủ thuật

Khi kết thúc thủ thuật, các ống thông sẽ được rút ra. Bác sĩ sẽ đặt băng ép tại các vị trí chọc dò trong vòng vài giờ để hạn chế nguy cơ chảy máu hoặc tụ máu. Tùy thuộc vào loại catheter sử dụng và đường vào mạch máu, bệnh nhân có thể cần nằm nghỉ ngơi 4-6 giờ, tránh cử động chân bên chọc dò.

Người bệnh sẽ tiếp tục được theo dõi huyết áp, mạch, điện tâm đồ và tình trạng lâm sàng trong suốt thời gian hồi phục. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân có thể xuất viện trong cùng ngày hoặc ngày hôm sau, tùy thuộc vào mức độ can thiệp và diễn tiến sau thủ thuật.

Khảo sát điện sinh lý có an toàn với sức khỏe không?

Trong phần lớn trường hợp, khảo sát điện sinh lý tim là thủ thuật an toàn, được thực hiện trong môi trường kiểm soát chặt chẽ và hiếm khi gây ra biến chứng nghiêm trọng. Theo thống kê, tỷ lệ gặp biến chứng chỉ khoảng 1,5% và đa số đều ở mức độ nhẹ.

Các biến chứng có thể gặp bao gồm:

  • Chảy máu hoặc tụ máu tại vị trí chọc dò: Đây là biến chứng phổ biến nhất, thường ở mức độ nhẹ và có thể kiểm soát được bằng các biện pháp đơn giản như băng ép hoặc nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu tụ máu lớn, có thể cần can thiệp y tế để xử lý.
  • Huyết khối tĩnh mạch: Có thể gây đau, sưng tại chi được chọc dò, cần theo dõi và điều trị nếu xảy ra.
  • Tràn dịch màng tim: Do thủng tim dẫn đến máu tích tụ quanh tim, tuy hiếm gặp nhưng là biến chứng nghiêm trọng cần xử lý kịp thời.
  • Tràn dịch màng phổi: Có thể xảy ra nếu catheter đi lệch và tổn thương màng phổi.
  • Thuyên tắc phổi: Hiếm gặp, nhưng là biến chứng nặng nếu hình thành cục máu đông di chuyển lên phổi.

Trong những trường hợp cực kỳ hiếm, người bệnh có thể đột quỵ, block nhĩ thất hoàn toàn cần đặt máy tạo nhịp, hoặc thậm chí tử vong. Tuy nhiên, với quy trình kiểm tra và theo dõi chặt chẽ trước, trong, sau thủ thuật, cùng đội ngũ chuyên môn cao, mọi biện pháp phòng ngừa đều được áp dụng nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng nghiêm trọng.

Lưu ý khi thực hiện khảo sát điện sinh lý tim

Để đảm bảo an toàn và kết quả chính xác trong quá trình khảo sát điện sinh lý tim, người bệnh cần lưu ý một số điểm quan trọng sau:

  • Tuân thủ hướng dẫn nhịn ăn: Trước thủ thuật, người bệnh thường được yêu cầu nhịn ăn trong vòng 4-6 giờ. Việc này giúp hạn chế nguy cơ hít sặc nếu cần sử dụng thuốc an thần hoặc xảy ra phản xạ buồn nôn trong thủ thuật.
  • Ngưng thuốc đúng chỉ định: Một số loại thuốc như thuốc chống loạn nhịp, chẹn beta, chẹn kênh canxi hoặc thuốc an thần có thể làm sai lệch kết quả khảo sát. Người bệnh cần thông báo với bác sĩ về các thuốc đang sử dụng và tuân theo hướng dẫn về việc ngưng thuốc, tuyệt đối không tự ý điều chỉnh liều hoặc dừng thuốc.
  • Chuẩn bị tâm lý trước thủ thuật: Thủ thuật có thể kéo dài vài giờ và yêu cầu người bệnh nằm yên trong suốt quá trình. Trước khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ giải thích các thông tin cần thiết giúp người bệnh hiểu rõ quy trình và chuẩn bị tâm lý, giảm lo lắng và hợp tác tốt hơn với ê-kíp thực hiện.
  • Nghỉ ngơi sau thủ thuật: Sau khi kết thúc, người bệnh cần nằm nghỉ ngơi và tránh vận động mạnh, đặc biệt là chân bên được chọc dò. Việc này giúp hạn chế nguy cơ chảy máu, tụ máu tại vị trí can thiệp.
  • Theo dõi các dấu hiệu bất thường: Người bệnh nên báo ngay cho nhân viên y tế nếu xuất hiện các biểu hiện như đau ngực, khó thở, chóng mặt, hồi hộp, chảy máu hoặc bầm tím lan rộng tại vùng chọc dò.
  • Tái khám đúng hẹn: Người bệnh cần đi khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ để được đánh giá, theo dõi các biến chứng muộn và tư vấn điều trị tiếp theo (nếu cần). Tốt nhất, người bệnh nên giữ liên lạc với cơ sở y tế trong thời gian theo dõi sau thủ thuật.

Khảo sát điện sinh lý tim tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội

Khảo sát điện sinh lý tim là một kỹ thuật chẩn đoán – can thiệp phức tạp, đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có chuyên môn sâu, kinh nghiệm dày dặn cùng trang thiết bị máy móc hiện đại. Do đó, lựa chọn đúng cơ sở y tế, đúng chuyên gia là yếu tố then chốt quyết định thành công của quá trình chẩn đoán và điều trị.

Tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, người bệnh được trực tiếp thăm khám và thực hiện thủ thuật bởi TS. BS. Alain Patrice Lebon – chuyên gia điện sinh lý được chứng nhận bởi Hiệp hội Nhịp tim Châu Âu. Với hơn 20 năm kinh nghiệm điều trị các rối loạn nhịp tim, bác sĩ Alain Patrice Lebon không chỉ am hiểu sâu sắc về mặt chuyên môn mà còn thành thạo kỹ thuật khảo sát điện sinh lý và các can thiệp phức tạp.

Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội còn là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào lĩnh vực điện sinh lý. Khoa Tim mạch và Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội được trang bị hệ thống lập bản đồ điện sinh lý tim 3D Abbott Ensite X System – thế hệ mới nhất và đầu tiên tại Việt Nam,mang lại hình ảnh chính xác và nâng cao mức độ an toàn cho người bệnh.

Toàn bộ quy trình thủ thuật được thực hiện trong phòng can thiệp DSA hiện đại, tuân thủ các tiêu chuẩn khử khuẩn nghiêm ngặt của Pháp, đảm bảo vô trùng tuyệt đối và giảm thiểu nguy cơ biến chứng sau can thiệp.

Để được tư vấn và đặt lịch thăm khám với các bác sĩ tim mạch Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.

Cấp cứu

(84-24) 3574 1111

Đội ngũ bác sĩ cấp cứu và bác sĩ phẫu thuật được đào tạo nội bộ sẵn sàng 24/7.
Tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp khẩn cấp.

Chatbot