Nhận biết dấu hiệu mẹ bầu bị ợ nóng
Hiện tượng ợ chua, ợ nóng xảy ra khi lượng axit dư thừa trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản. Điều này dẫn đến cảm giác nóng rát, lan từ ngực lên họng và khoang miệng. Sau mỗi lần ợ, mẹ bầu sẽ cảm thấy khó chịu và có vị chua trong miệng.
Đây là một hiện tượng khá phổ biến ở các phụ nữ mang thai và có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, tình trạng này hay bắt gặp nhất ở giai đoạn giữa và cuối thai kỳ, đặc biệt là từ tuần 27 trở đi
Bà bầu bị ợ nóng có đáng lo ngại không?
Mặc dù ợ nóng là triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai, nhưng đôi khi nó lại là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, khi gặp phải hiện tượng này, bà bầu không nên chủ quan và cần lưu ý đến bất kỳ sự thay đổi nào trong cơ thể mình.
Dưới đây là những tình trạng đi kèm với chứng ợ chua, ợ nóng khi mang thai có thể là dấu hiệu bệnh mà mẹ bầu cần nhận biết sớm:
- Nếu cảm giác nóng rát xuất hiện cùng với cơn đau ở vùng trên dạ dày, dưới xương sườn, thì đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.
- Nếu sau mỗi lần ợ chua, mẹ bầu còn cảm thấy đau ở phần trên bên phải của bụng thì có khả năng đó là triệu chứng của bệnh gan.
- Nếu bị ợ chua, ợ nóng ra mùi khó chịu, kèm với những cơn đau dữ dội, mẹ bầu có thể đang bị viêm loét dạ dày.
Ngoài ra, nếu có cảm giác nóng cổ kèm theo các tình trạng nghiêm trọng như khó nuốt, yếu cơ vùng họng, đầy bụng, ợ chua, giảm cân, mệt mỏi, đau âm ỉ vùng thượng vị,… thì mẹ bầu cần nhanh chóng đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Việc chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy mẹ cần đặc biệt chú ý đến tình trạng sức khỏe của mình, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa. Nếu phát hiện ra bất thường nào đã được đề cập, hãy liên hệ với bác sĩ trong thời gian nhanh nhất có thể.
Top 4 nguyên nhân khiến bà bầu bị ợ nóng
Tình trạng ợ nóng của phụ nữ mang thai có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ sự thay đổi về sinh lý cho đến thói quen sinh hoạt hàng ngày.
1. Thay đổi hormone
Sự thay đổi về nội tiết tố khi là một trong những lý do phổ biến nhất dẫn đến tình trạng ợ chua, ợ nóng ở phụ nữ khi mang thai.
Khi mang thai, nồng độ hormone Progesterone trong cơ thể tăng cao, làm giãn cơ vòng thực quản dưới và khiến nó không thể đóng kín hoàn toàn. Điều này tạo điều kiện cho axit dạ dày trào ngược lên cổ họng. Thêm vào đó, hormone này còn làm làm giảm khả năng co bóp của dạ dày, khiến thức ăn bị ứ đọng và lên men sinh khí.
Chính vì vậy mà phụ nữ mang thai dễ gặp phải tình trạng ợ chua, ợ nóng.
2. Áp lực gây ra bởi sự phát triển của thai nhi
Khi thai nhi phát triển, tử cung cũng sẽ mở rộng về kích thước và khối lượng, gây ra áp lực lên dạ dày. Chính vì vậy mà càng về những tháng cuối thai kỳ, dạ dày càng bị chèn ép, làm cho axit dịch vị dễ dàng trào ngược lên thực quản.
Cùng lúc đó, quá trình tiêu hóa tại dạ dày trở nên chậm hơn, khiến khí từ thức ăn và axit di chuyển lên cổ họng, gây ra cảm giác ợ nóng, ợ chua khó chịu cho mẹ bầu.
3. Chế độ ăn uống thay đổi
Trong suốt quá trình mang thai, nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ thay đổi, khiến họ có thể thèm những món ăn khác biệt hoặc không còn cảm giác thèm những thực phẩm quen thuộc. Nếu bà bầu thèm nhiều chất béo, gia vị cay, hoặc đồ uống có ga thì có thể làm tình trạng ợ nóng trở nên nghiêm trọng hơn.
4. Tăng cân
Khi mang thai, nhu cầu nạp năng lượng tăng lên, khiến cân nặng bà bầu có thể tăng lên đáng kể. Điều này cũng có thể tạo ra áp lực lớn lên vùng bụng và gây ra hiện tượng ợ nóng khó chịu.
Bên cạnh các nguyên nhân chính, thì một số yếu tố khác như tiền sử mắc các bệnh liên quan đến dạ dày (viêm dạ dày) hoặc giai đoạn cuối của thai kỳ cũng có góp phần làm tăng nguy cơ bị ợ nóng, khó tiêu ở phụ nữ mang thai.
Bị ợ nóng khi mang bầu cần làm gì?
Việc điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt hàng ngày có tác dụng đáng kể trong việc giảm chứng ợ nóng khi mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thai kỳ.
Điều chỉnh thói quen ăn uống
- Tránh thực phẩm gây khó chịu: Hạn chế tiêu thụ món chiên, cay, đồ có gas, đồ uống có chứa caffein. Thay vào đó, hãy ưu tiên các món ăn dễ tiêu như thực phẩm giàu chất xơ, sữa chua, cá, trứng và thịt gà.
- Ăn nhiều bữa nhỏ: Thay vì ăn ba bữa lớn trong ngày, mẹ bầu hãy thử chia thành sáu bữa nhỏ. Điều này giúp giảm áp lực lên dạ dày và hạn chế tình trạng trào ngược axit. Đồng thời, việc nhai kỹ và chia nhỏ thức ăn giúp quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn.
- Uống đủ nước: Cố gắng uống từ 8 đến 10 cốc nước hoặc các loại đồ uống lành mạnh mỗi ngày, nhưng hạn chế các đồ uống chứa caffein và đường.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
- Không nằm ngay sau bữa ăn: Sau khi ăn, nên giữ tư thế đứng thẳng càng lâu càng tốt, tránh nằm xuống ít nhất một giờ. Khi nằm, các chất trong dạ dày có thể di chuyển lên thực quản, gây trào ngược. Xoa bụng nhẹ nhàng sẽ giúp thư giãn và thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động năng suất hơn.
- Ngủ nghiêng người: Để giảm triệu chứng ợ nóng, hãy ngủ nghiêng với sự hỗ trợ của gối hoặc nệm để nâng đầu lên. Ngủ nghiêng bên trái được coi là tư thế an toàn nhất trong thai kỳ.
- Tránh mặc đồ quá chật: Những trang phục bó sát vùng eo có thể tạo ra áp lực lên dạ dày, làm tăng nguy cơ ợ nóng.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh lo âu: Căng thẳng và mệt mỏi có thể làm tình trạng ợ nóng của mẹ bầu trở nên tồi tệ hơn. Hãy dành thời gian thư giãn, thực hành thiền, tập thể dục nhẹ, nghe nhạc hoặc các phương pháp khác để giúp cơ thể thư giãn.
- Tránh sử dụng rượu, thuốc lá: Không nên uống rượu, bia, các loại đồ uống có ga hay hút thuốc. Những chất này không chỉ gây hại cho thai nhi mà còn làm giãn cơ vòng thực quản dưới, làm tăng nguy cơ bị ợ chua và ợ nóng trong thai kỳ.
Trên đây là một số cách trị ợ nóng để tham khảo cho bà bầu. Nếu các phương pháp trên đây không làm cải thiện tình hình thì bạn cần tìm kiếm sự can thiệp y tế. Tuy nhiên bạn lưu ý rằng việc điều trị bằng thuốc trong thời kỳ mang thai cần được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Bà bầu không nên tự ý dùng thuốc mà không có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Mẹ bầu bị ợ nóng là tính trạng xảy ra khá phổ biến, nhưng thường có thể được kiểm soát hiệu quả bằng cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt và ăn uống. Tuy nhiên, nếu triệu chứng kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được kiểm tra và điều trị sớm.