Mẹ bầu đầy bụng buồn nôn do đâu?
Việc phụ nữ bị đầy bụng và buồn nôn trong thời gian mang thai có thể xuất phát từ sự thay đổi trong cơ thể, hoặc từ vấn đề bệnh lý khác.
Hầu hết mẹ bầu đều gặp phải tình trạng đầy bụng và buồn nôn, có thể kéo dài trong vài tuần hoặc thậm chí là vài tháng, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Đây là giai đoạn cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi rõ rệt, như hệ tiêu hóa hoạt động mạnh mẽ hơn, kích thích thèm ăn, khiến mẹ ăn nhiều hơn và không theo chế độ hợp lý.
Trong thời gian này, thói quen ăn uống thất thường kết hợp với thực phẩm không phù hợp dễ gây đầy hơi, buồn nôn, ợ chua và khó tiêu cho mẹ bầu.
Ngoài ra, tình trạng đầy bụng, buồn nôn khi mang thai cũng có thể xảy ra do vấn đề bệnh lý, cụ thể là đái tháo đường thai kỳ. Trong thời gian mang thai, mức đường huyết của phụ nữ thường tăng cao. Nếu vượt quá mức an toàn, bạn có thể mắc đái tháo đường thai kỳ. Tình trạng này có thể gây ra cảm giác khó chịu, như đầy bụng, khó tiêu, đặc biệt là vào nửa cuối thai kỳ.
Cách giảm tình trạng đầy hơi buồn nôn cho phụ nữ mang thai
Nếu đang gặp phải tình trạng đầy bụng buồn nôn, thai phụ có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây để cải thiện tình trạng:
- Uống đủ nước: Bà bầu nên uống từ 2,5l đến 3l nước lọc mỗi ngày để duy trì sức khỏe. Nước lọc giúp giảm các triệu chứng buồn nôn và bổ sung lượng nước bị mất do nôn ói. Ngoài ra, nước ép từ các loại trái cây như táo, dâu, kiwi cũng hỗ trợ làm giảm tình trạng đầy bụng, khó tiêu và buồn nôn trong thời kỳ mang thai.
- Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày: Mẹ bầu không nên ăn quá no trong một bữa vì dễ gây cảm giác đầy bụng và khó chịu. Thay vì ăn ba bữa lớn, có thể chia thành sáu bữa nhỏ trong ngày. Hãy ăn từ từ, nhai kỹ cũng là cách phòng các bệnh về đường tiêu hóa, giúp giảm thiểu tình trạng đầy hơi và ợ chua.
- Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, nhiều đường: Đây là những thực phẩm dễ gây đầy hơi, có thể gây khó chịu cho thai phụ.
- Tăng cường ăn hoa quả và rau xanh: Rau xanh, trái cây tươi và nước ép trái cây giúp kích thích hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ giảm triệu chứng ốm nghén, buồn nôn. Những lựa chọn lý tưởng nhất mà bà bầu nên dùng bao gồm cam, táo, lê, đu đủ, thanh long và kiwi.
- Tránh các thứ có mùi quá mạnh: Mùi hôi, cá tanh hay mùi thức ăn chiên xào có thể khiến bà bầu cảm thấy buồn nôn. Bên cạnh đó, khói thuốc lá không chỉ tăng nguy cơ dị tật thai nhi mà còn có thể khiến dịch vị trong dạ dày bị xáo trộn, làm tình trạng đầy hơi trầm trọng hơn. Do đó, các mẹ bầu nên tránh xa những mùi khó chịu để đảm bảo sức khỏe.
- Nghỉ ngơi hợp lý: Hãy quản lý thời gian một cách hợp lý để vừa hoàn thành công việc văn phòng, việc nhà mà vẫn duy trì sức khỏe tốt. Việc nghỉ ngơi đầy đủ và đúng cách cũng sẽ giúp bà bầu giảm thiểu triệu chứng ốm nghén trong suốt thai kỳ.
- Vận động nhẹ nhàng: Sau mỗi bữa ăn, mẹ nên vận động nhẹ nhàng thay vì ngồi hoặc nằm quá lâu. Kể cả khi ăn không quá no thì mẹ cũng không nên lơ là. Hãy xây dựng thói quen đi bộ nhẹ nhàng khoảng một giờ sau bữa ăn để hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, yoga cũng là một bộ môn hữu ích và phù hợp cho các bà bầu.
- Giữ tinh thần lạc quan: Tinh thần vui vẻ và lạc quan có ảnh hưởng tích cực lớn đến tình trạng ốm nghén của bà bầu. Khi sống trong trạng thái thoải mái, vui tươi, bà bầu sẽ cảm thấy bớt mệt mỏi và dễ dàng quên đi cảm giác buồn nôn.
- Khám bác sĩ: Khi tình trạng ốm nghén, mệt mỏi và buồn nôn kéo dài, bà bầu nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa sản để được kiểm tra và nhận tư vấn về các biện pháp giảm triệu chứng ốm nghén hiệu quả.
Mẹ bầu bị đầy bụng buồn nôn là hiện tượng phổ biến trong thai kỳ, vì vậy việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý và nghỉ ngơi đúng cách là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe và giúp bà bầu thoải mái hơn. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài và không thuyên giảm sau khi đã áp dụng các biện pháp khắc phục, bạn cần đi tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều trị kịp thời.