Skip to content
Kiến thức, Thư viện bệnh - Tháng 5 27, 2025

Xuất huyết tiêu hóa: Nguyên nhân, biểu hiện và cách xử lý

Cập nhật lần cuối: Tháng 6 20, 2025

Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng chảy máu bên trong ống tiêu hóa, có thể xảy ra ở thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già hoặc trực tràng. Đây là cấp cứu y khoa nghiêm trọng, cần nhận biết sớm qua các dấu hiệu như nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc đỏ, và phải xử lý kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây ra bệnh xuất huyết tiêu hóa

Bệnh xuất huyết tiêu hóa là tình trạng chảy máu từ bất kỳ phần nào của hệ tiêu hóa, bao gồm thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, tá tràng, đại tràng và hậu môn. Vì vậy, nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa cũng rất đa dạng tùy vào từng vị trí, phổ biến như sau:

Các nguyên nhân dẫn đến xuất huyết đường tiêu hóa trên:

  • Loét dạ dày tá tràng: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến xuất huyết tiêu hóa trên. Loét dạ dày xảy ra khi vết loét hình thành trên lớp niêm mạc dạ dày và phần đầu của ruột non, thường do sự tác động của axit dạ dày, vi khuẩn hoặc do việc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), gây tổn thương niêm mạc.
  • Hội chứng Mallory-Weiss: Đây là tình trạng xuất huyết tiêu hóa do rách ở thực quản, thường xảy ra sau các cơn ói mửa mạnh và kéo dài. Hội chứng này thường gặp ở những người có thói quen uống rượu bia quá mức và có triệu chứng nôn mửa liên tục.
  • Giãn tĩnh mạch thực quản: Khi các tĩnh mạch ở thực quản bị giãn nở quá mức, có thể dẫn đến vỡ mạch máu và gây xuất huyết. Tình trạng này chủ yếu xuất hiện ở những người bị xơ gan giai đoạn nặng.
  • Viêm thực quản: Thường xuyên do bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), viêm thực quản có thể gây ra hiện tượng xuất huyết tiêu hóa. Người mắc bệnh viêm thực quản có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.

Một số nguyên nhân gây ra xuất huyết đường tiêu hóa dưới bao gồm:

  • Bệnh túi thừa: Đây là hiện tượng các túi nhỏ, phình ra tại thành ruột, gọi là túi thừa. Khi các túi thừa bị viêm, có thể gây chảy máu ở hệ tiêu hóa dưới.
  • Bệnh viêm ruột (IBD): Những bệnh lý như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn có thể gây ra bệnh đường ruột và dẫn đến xuất huyết tiêu hóa.
  • Khối u: Các khối u, dù là lành tính hay ác tính, hoặc ung thư ở thực quản, dạ dày, ruột kết hoặc trực tràng, có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, dẫn đến chảy máu.
  • Loạn sản mạch máu và dị dạng mạch máu: Đây là tình trạng các mạch máu phát triển bất thường và có thể gây xuất huyết nghiêm trọng, đôi khi rất khó xác định nguồn gốc chảy máu.
  • Viêm niêm mạc trực tràng: Khi lớp niêm mạc của trực tràng bị viêm, có thể gây chảy máu từ trực tràng.
  • Bệnh trĩ: Trĩ là tình trạng các tĩnh mạch tại khu vực hậu môn hoặc trực tràng dưới bị phình to, có thể gây chảy máu trong quá trình tiêu hóa.
  • Nứt hậu môn: Các vết nứt ở khu vực hậu môn cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến xuất huyết tiêu hóa.

Dấu hiệu thường gặp khi bị xuất huyết tiêu hóa

Nhận diện các dấu hiệu của bệnh xuất huyết tiêu hóa từ sớm là rất quan trọng để có thể can thiệp kịp thời, tránh tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng. Các triệu chứng có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ và vị trí của xuất huyết.

Khi bị xuất huyết tiêu hóa, người bệnh có thể nôn ra máu màu nâu đậm, hơi pha đỏ, kèm theo thức ăn và dịch nhầy loãng. Khi đi vệ sinh có thể gặp tình trạng đi ngoài phân đen, phân có kết cấu lỏng và giống bã cà phê, kèm theo mùi hôi tanh khó chịu.

Tùy theo mức độ mất máu, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như vã mồ hôi, tay chân lạnh, da và niêm mạc tái nhợt, cảm giác mệt mỏi, ngất xỉu, huyết áp giảm, mạch nhanh và yếu, thở dồn dập, tiểu ít.

Nếu nhận thấy các triệu chứng này, hoặc ngay cả khi chưa có xác định rõ ràng về xuất huyết tiêu hóa nhưng bệnh nhân gặp phải các dấu hiệu như đau vùng thượng vị, đau bụng do sử dụng thuốc làm tổn thương dạ dày, cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, da xanh xao… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Cách xử lý khi bị xuất huyết tiêu hóa

Khi phát hiện xuất huyết tiêu hóa, cần thực hiện xử lý kịp thời và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để tránh những biến chứng nghiêm trọng.

Đầu tiên, bệnh nhân cần được đặt nằm trên giường hoặc cáng, đầu để thấp. Tiếp theo, nhanh chóng gọi ngay dịch vụ cấp cứu y tế để tiến hành truyền dịch, giúp cải thiện tình trạng thiếu máu. Đồng thời, có thể sử dụng thuốc để ổn định huyết áp, cung cấp oxy cho bệnh nhân, và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Việc điều trị xuất huyết tiêu hóa tập trung vào bảo vệ đường hô hấp, bù dịch, truyền máu (nếu mất máu nặng) và sử dụng thuốc. Một số trường hợp cần thực hiện nội soi hoặc nút mạch.

  • Bảo vệ đường hô hấp: Để tránh nguy cơ hít phải máu, bệnh nhân có thể cần đặt nội khí quản, đặc biệt là khi có phản xạ nôn kém, hôn mê hoặc trong quá trình nội soi.
  • Bù dịch và truyền máu: Khi bệnh nhân hạ huyết áp hoặc mất máu nhiều, cần bù dịch qua đường tĩnh mạch. Truyền dịch nhanh chóng với dung lượng 500-1000ml nước muối sinh lý (tối đa 2 lít cho trẻ em). Nếu thiếu máu nghiêm trọng, cần truyền máu, nhưng cần thận trọng ở người cao tuổi, trẻ em và bệnh nhân tim mạch.
  • Thuốc: Dùng thuốc ức chế bơm proton (PPI) để điều trị xuất huyết tiêu hóa trên. Với xuất huyết do giãn tĩnh mạch trong xơ gan, sử dụng thuốc co mạch tạng.
  • Cầm máu: Khoảng 80% bệnh nhân có thể tự cầm máu, còn lại cần các phương pháp đặc hiệu. Ví dụ, nếu người bệnh bị loét dạ dày chảy máu, có thể điều trị nội soi bằng nhiệt, hoá chất, co mạch hoặc kẹp clip, nút mạch hoặc phẫu thuật. Đối với bệnh nhân bị trĩ nội thì điều trị bằng phẫu thuật hoặc thắt cao su hoặc tiêm xơ cầm máu.

Cách phòng bệnh xuất huyết tiêu hóa hiệu quả

Phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên, có một số nguyên tắc chung mà mọi người nên tuân thủ:

  • Chế độ ăn uống hợp lý: Chế độ ăn cho bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cần ưu tiên ăn nhiều rau xanh và các thực phẩm giàu chất xơ (cả tan và không tan).
  • Hạn chế các thực phẩm không tốt: Giảm tiêu thụ rượu bia, thức ăn nhanh (như gà rán, thịt chế biến sẵn…), và tránh các món cay, nóng, chua, mặn, hoặc những thực phẩm dễ gây kích thích cho dạ dày và ruột.
  • Duy trì hoạt động thể chất: Hãy tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để giúp nhu động ruột hoạt động hiệu quả hơn.
  • Ăn uống an toàn: Thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi để tránh các bệnh đường tiêu hóa do nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng, vốn có thể dẫn đến xuất huyết.
  • Ăn uống điều độ: Không nên ăn quá no hoặc để bụng quá đói. Tránh vận động mạnh hoặc nằm ngay sau bữa ăn để giảm nguy cơ đau dạ dày và trào ngược dạ dày-thực quản.
  • Chăm sóc hệ tiêu hóa định kỳ: Nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng việc tẩy giun định kỳ, bổ sung men tiêu hóa, collagen và các loại vitamin thiết yếu.

Hy vọng qua bài viết trên đây bạn đã nắm được các thông tin quan trọng để có thể xử lý và phòng ngừa bệnh xuất huyết tiêu hóa hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng xuất huyết tiêu hóa cũng có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nghiêm trọng. Vì vậy ngay khi phát hiện bạn nên đến thăm khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Cấp cứu

(84-24) 3574 1111

Đội ngũ bác sĩ cấp cứu và bác sĩ phẫu thuật được đào tạo nội bộ sẵn sàng 24/7.
Tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp khẩn cấp.

Chatbot