Skip to content
Kiến thức, Thư viện bệnh - Tháng 5 27, 2025

Nhịp nhanh nhĩ: Nguyên nhân, ảnh hưởng và hướng điều trị

Cập nhật lần cuối: Tháng 6 23, 2025

Tư vấn y tế: BS. Alain Patrice Lebon

Nhịp nhanh nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim trên thất, xảy ra khi tâm nhĩ co bóp quá nhanh và bất thường. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến huyết động và làm giảm chất lượng cuộc sống nếu không được kiểm soát.

Nhịp nhanh nhĩ là gì?

Nhịp nhanh nhĩ là một rối loạn nhịp trên thất đặc trưng bởi sự kích thích bất thường của tâm nhĩ, dẫn đến tần số nhĩ dao động từ 100-250 nhịp/phút. Đây là một dạng rối loạn nhịp ít gặp, chiếm khoảng 5-15% trong tổng số các trường hợp nhịp nhanh trên thất.

Nhịp nhanh nhĩ có thể khởi phát từng cơn hoặc kéo dài dai dẳng và có thể gặp ở cả những bệnh nhân có tim cấu trúc bình thường hoặc mắc bệnh tim nền.

Phân loại nhịp nhanh nhĩ

Nhịp nhanh nhĩ có thể được chia thành nhịp nhanh nhĩ đơn ổ và nhịp nhanh nhĩ đa ổ dựa vào số lượng ổ phát nhịp bất thường trong tâm nhĩ. Sự phân biệt giữa hai loại nhịp nhanh này chủ yếu dựa vào đặc điểm điện tâm đồ và cơ chế bệnh sinh. Xác định loại nhịp nhanh nhĩ có vai trò rất quan trọng nhằm quyết định hướng điều trị phù hợp.

Nhịp nhanh nhĩ đơn ổ

Nhịp nhanh nhĩ đơn ổ, còn được gọi là nhịp nhanh nhĩ khu trú, là một dạng nhịp nhanh trên thất có nguồn gốc từ một ổ phát nhịp bất thường trong tâm nhĩ, không liên quan đến cơ chế vòng vào lại.

Nhịp nhanh nhĩ đơn ổ có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, bao gồm cả những người không có bệnh tim nền. Tuy nhiên, tình trạng này thường phổ biến hơn ở bệnh nhân có bệnh tim cấu trúc (như bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh van tim, suy tim…).

Về đặc điểm điện tâm đồ, nhịp nhanh nhĩ đơn ổ có sóng P xuất hiện trước mỗi phức bộ QRS nhưng có hình dạng bất thường so với sóng P xoang. Nhịp tim thường đều, với tần số dao động trong khoảng 100 – 250 nhịp/phút. Khoảng PR có thể bình thường hoặc kéo dài tùy theo vị trí của ổ phát nhịp trong tâm nhĩ.

Nhịp nhanh nhĩ đa ổ

Nhịp nhanh nhĩ đa ổ là một dạng rối loạn nhịp do nhiều ổ phát nhịp bất thường trong tâm nhĩ, gây ra sự khử cực không đồng bộ của nhĩ. Nhịp nhanh nhĩ đa ổ thường liên quan chặt chẽ với bệnh phổi mạn tính, đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Trên điện tâm đồ, nhịp nhanh nhĩ đa ổ đặc trưng bởi sự xuất hiện của ít nhất ba hình dạng sóng P khác nhau trong cùng một chuyển đạo, khoảng PR thay đổi và nhịp tim không đều, dễ nhầm lẫn với rung nhĩ. Tần số nhĩ thường dao động từ 100 – 150 nhịp/phút.

Triệu chứng của nhịp nhanh nhĩ

Trong cơn nhịp nhanh nhĩ, tim đập với tần số 100-250 nhịp/phút, làm giảm hiệu quả bơm máu. Một số bệnh nhân có thể hoàn toàn không có triệu chứng, đặc biệt nếu tần số nhĩ không quá cao hoặc nếu tim thích nghi tốt với nhịp nhanh. Tuy nhiên, ở những trường hợp có triệu chứng, người bệnh thường cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực, có thể xuất hiện đột ngột hoặc kéo dài từ vài phút đến vài giờ, tùy theo đặc điểm của cơn nhịp nhanh.

Ngoài ra, các triệu chứng đi kèm có thể bao gồm:

  • Đau tức ngực (thường gặp ở bệnh nhân có bệnh tim nền)
  • Khó thở, hụt hơi, đặc biệt khi gắng sức
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Đổ mồ hôi nhiều
  • Mệt mỏi, cảm giác kiệt sức kéo dài sau cơn nhịp nhanh
  • Buồn nôn
  • Ngất xỉu – xảy ra trong trường hợp nhịp tim quá nhanh làm giảm cung lượng tim nghiêm trọng

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhịp nhanh nhĩ có thể khó nhận biết do trẻ chưa thể diễn đạt triệu chứng. Một số dấu hiệu gợi ý bao gồm:

  • Ăn kém, bú ít hơn bình thường
  • Đổ mồ hôi nhiều, đặc biệt khi bú hoặc khóc
  • Quấy khóc, lờ đờ
  • Thay đổi màu da (da tái, môi tím, vã mồ hôi)
  • Thở nhanh, rút lõm lồng ngực

Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào trên, đặc biệt là khi kéo dài hoặc kèm theo khó thở, cần đưa trẻ đi khám sớm để được đánh giá và xử trí kịp thời.

Nguyên nhân gây nhịp nhanh nhĩ

Ở người khỏe mạnh, tim đập đều đặn với tần số 60-100 lần/ phút nhờ hệ thống dẫn truyền tim. Hệ thống này phát ra xung điện xuất phát từ nút xoang nằm ở tâm nhĩ phải, sau đó lần lượt dẫn truyền xung điện sang tâm nhĩ trái, nút nhĩ thất, bó His và mạng Purkinje xuống hai tâm thất. Nhờ đó, hai tâm nhĩ và hai tâm thất co bóp nhịp nhàng, đều đặn, giúp tim bơm máu tới các cơ quan trong cơ thể.

Trong nhịp nhanh nhĩ, các xung điện bất thường phát sinh từ một hoặc nhiều ổ ngoại vi trong tâm nhĩ, làm cho tâm nhĩ co bóp với tần số nhanh hơn bình thường (100-250 nhịp/phút). Hậu quả là hai tâm nhĩ và hai tâm thất không hoạt động nhịp nhàng cùng nhau và tim không thể bơm máu hiệu quả.

Có nhiều yếu tố góp phần gây ra nhịp nhanh nhĩ, bao gồm:

  • Các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim phì đại và các dị tật tim bẩm sinh
  • Bệnh phổi mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thuyên tắc phổi…
  • Bệnh lý nội tiết và chuyển hóa (Bệnh tuyến giáp, đái tháo đường…)
  • Sau phẫu thuật tim, đặc biệt là phẫu thuật sửa hoặc thay van tim, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, hoặc phẫu thuật điều trị các dị tật tim bẩm sinh.
  • Sử dụng quá nhiều rượu, cocain và các chất kích thích khác.

Trong một số trường hợp, nhịp nhanh nhĩ xảy ra mà không có bất kỳ bệnh lý tim mạch hoặc yếu tố kích thích rõ ràng, được gọi là nhịp nhanh nhĩ vô căn.

Nhịp nhanh nhĩ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Tùy thuộc vào tần số tim, thời gian kéo dài của cơn nhịp nhanh nhĩ và tình trạng bệnh lý nền, nhịp nhanh nhĩ có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, bao gồm:

  • Tăng nguy cơ suy tim: Nhịp nhanh kéo dài làm giảm hiệu quả bơm máu của tim, khiến tim phải hoạt động quá mức trong thời gian dài, từ đó dẫn đến suy tim hoặc làm trầm trọng thêm suy tim sẵn có.
  • Tăng nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não: Tâm nhĩ co bóp nhanh trong cơn nhịp nhanh nhĩ có thể tạo điều kiện hình thành cục máu đông, gây tắc mạch não. Mặc dù nguy cơ đột quỵ do nhịp nhanh nhĩ thấp hơn so với rung nhĩ, nhưng bệnh nhân vẫn cần được đánh giá cẩn thận, đặc biệt là nếu có bệnh nền tim mạch hoặc nguy cơ huyết khối cao.
  • Gây rối loạn nhịp thứ phát: Nhịp nhanh nhĩ có thể kích thích hoặc dẫn đến các rối loạn nhịp tim nguy hiểm khác như rung nhĩ, cuồng nhĩ.
  • Làm trầm trọng thêm bệnh lý nền: Với bệnh nhân bệnh mạch vành, nhịp nhanh nhĩ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu máu cơ tim, thúc đẩy các biến cố tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim và rối loạn nhịp đe dọa tính mạng. Trong khi đó, tình trạng nhịp nhanh nhĩ trên nền bệnh phổi mạn tính (COPD, hen suyễn, tăng áp phổi) sẽ khiến bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng suy hô hấp do tăng nhu cầu oxy mà phổi không thể đáp ứng hiệu quả. Nhịp tim nhanh làm giảm cung lượng tim, gây ứ huyết ở tuần hoàn phổi, làm nặng thêm tình trạng khó thở và có thể dẫn đến suy tim phải.
  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Nhịp nhanh nhĩ thường gây ra triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, mệt mỏi, khiến bệnh nhân lo lắng, mất ngủ và suy giảm khả năng tập trung. Khi các triệu chứng kéo dài hoặc tái phát thường xuyên, người bệnh có thể rơi vào tình trạng căng thẳng mãn tính, lo âu hoặc trầm cảm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống.

Chẩn đoán nhịp nhanh nhĩ

Để chẩn đoán nhịp nhanh nhĩ, người bệnh cần được thăm khám tại các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch. Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử gia đình, bệnh sử cá nhân và các triệu chứng lâm sàng, đồng thời tiến hành khám thực thể, bao gồm đánh giá tần số tim, huyết áp, các dấu hiệu liên quan.

Tùy vào từng trường hợp, người bệnh có thể cần thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để xác định chẩn đoán và phân biệt nhịp nhanh nhĩ với các rối loạn nhịp khác, bao gồm:

  • Điện tâm đồ: Là công cụ đầu tay giúp ghi lại hoạt động điện tim trong thời gian ngắn. Người bệnh sẽ được gắn các điện cực lên ngực, tay và chân để ghi nhận tín hiệu tim, từ đó giúp phát hiện sóng P bất thường, đặc điểm giúp phân biệt nhịp nhanh nhĩ với các dạng nhịp nhanh trên thất khác.
  • Holter điện tim: Là thiết bị theo dõi điện tim liên tục trong thời gian từ 24 đến 48 giờ, đôi khi kéo dài đến 7 ngày. Người bệnh sẽ đeo một máy nhỏ gọn trên người, giúp phát hiện các cơn nhịp nhanh thoáng qua mà điện tâm đồ thông thường có thể bỏ sót.
  • Siêu âm tim: Sử dụng sóng siêu âm để tái tạo hình ảnh của tim, đánh giá cấu trúc và chức năng tim. Người bệnh sẽ được bôi gel lên ngực và đầu dò siêu âm sẽ di chuyển trên da để thu nhận hình ảnh, giúp phát hiện bệnh van tim, bệnh cơ tim hoặc các bất thường tim bẩm sinh có thể liên quan đến nhịp nhanh nhĩ.
  • Xét nghiệm máu: Bao gồm xét nghiệm điện giải đồ, chức năng tuyến giáp… để tìm các yếu tố thúc đẩy nhịp nhanh.
  • Nghiệm pháp gắng sức: Người bệnh sẽ đi bộ hoặc chạy trên máy chạy bộ trong khi được theo dõi điện tâm đồ và huyết áp. Phương pháp này giúp đánh giá mối liên quan giữa nhịp nhanh nhĩ và hoạt động thể lực, thường được chỉ định nếu cơn nhịp nhanh xuất hiện khi gắng sức.
  • Khảo sát điện sinh lý tim: Là phương pháp chuyên sâu, thực hiện bằng cách đưa catheter điện cực vào tim qua tĩnh mạch đùi để ghi lại tín hiệu điện và kích thích tim theo chương trình. Khảo sát điện sinh lý tim giúp xác định cơ chế khởi phát nhịp nhanh, vị trí ổ phát nhịp, đồng thời có thể tiến hành triệt đốt để điều trị nếu nhịp nhanh nhĩ gây ảnh hưởng đáng kể.

Điều trị nhịp nhanh nhĩ

Việc lựa chọn phương pháp điều trị nhịp nhanh nhĩ phụ thuộc vào tần suất, mức độ triệu chứng, nguyên nhân tiềm ẩn và tình trạng tim mạch nền của bệnh nhân. Mục tiêu điều trị bao gồm kiểm soát tần số tim, chấm dứt cơn nhịp nhanh và ngăn ngừa tái phát. Các phương pháp điều trị chính bao gồm:

  • Sử dụng thuốc: Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci, thuốc chống loạn nhịp… để kiểm soát nhịp tim, giảm nhẹ triệu chứng. Trong trường hợp bệnh nhân nhịp nhanh nhĩ kéo dài hoặc xảy ra trên bệnh tim nền, thuốc chống đông có thể được cân nhắc để phòng ngừa đột quỵ.
  • Sốc điện chuyển nhịp: Là phương pháp sử dụng năng lượng điện từ bên ngoài để khôi phục nhịp xoang bình thường cho người bệnh. Khi thực hiện sốc điện, người bệnh được gây mê ngắn và gắn các điện cực lên ngực. Các điện cực này được kết nối với máy chuyển nhịp, thiết bị sẽ phân tích hoạt động điện tim và tạo một cú sốc điện ngắn, có kiểm soát để đưa tim về nhịp bình thường.
  • Triệt đốt qua ống thông: Bác sĩ sẽ luồn ống thông có gắn điện cực từ tĩnh mạch đùi hoặc tĩnh mạch dưới đòn vào buồng tim. Sau khi bản đồ điện sinh lý xác định được vị trí mô tim phát nhịp bất thường, năng lượng sóng cao tần sẽ được sử dụng để phá hủy mô đó, ngăn chặn sự dẫn truyền của xung điện bất thường.
  • Đặt máy tạo nhịp: Với những bệnh nhân nhịp nhanh nhĩ rối loạn dẫn truyền hoặc nhịp chậm sau điều trị triệt đốt, bác sĩ có thể chỉ định đặt máy tạo nhịp. Máy tạo nhịp là một thiết bị nhỏ được cấy dưới da, có nhiệm vụ gửi xung điện giúp tim duy trì tần số và nhịp điệu ổn định.

Điều trị nhịp nhanh nhĩ cần cá nhân hóa theo từng bệnh nhân. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, dùng thuốc đúng chỉ định và tái khám định kỳ để theo dõi đáp ứng điều trị và phát hiện các vấn đề tiềm ẩn.

Với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia tim mạch giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là địa chỉ uy tín trong tầm soát, thăm khám và điều trị nhịp nhanh nhĩ.

  • TS.BS Alain Patrice Lebon – bác sĩ chuyên khoa Tim mạch và điện sinh lý được chứng nhận bởi Hiệp hội Nhịp tim Châu Âu với hơn 20 năm kinh nghiệm điều trị bệnh lý tim mạch và nhịp tim tại Pháp.
  • Đầy đủ thiết bị thực hiện các cận lâm sàng quan trọng nhằm chẩn đoán nhịp nhanh nhĩ chính xác và nhanh chóng cho người bệnh: điện tâm đồ, holter điện tim, siêu âm tim…
  • Phác đồ điều trị nhịp nhanh nhĩ cá thể hóa theo Hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Nhịp tim châu Âu, chỉ định can thiệp phù hợp với từng bệnh nhân và phối hợp liên chuyên khoa nhằm mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh.
  • Hệ thống lập bản đồ điện sinh lý 3D Ensite X thế hệ mới nhất từ Abbott, đầu tiên tại Việt Nam giúp can thiệp triệt đốt chính xác, giảm nguy cơ biến chứng.
  • Hệ thống phòng can thiệp tim mạch hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn khử khuẩn cao nhất của Pháp, đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối.

Để được thăm khám và tư vấn cụ thể về nhịp nhanh nhĩ với TS. BS. Alain Lebon, vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.

Cấp cứu

(84-24) 3574 1111

Đội ngũ bác sĩ cấp cứu và bác sĩ phẫu thuật được đào tạo nội bộ sẵn sàng 24/7.
Tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp khẩn cấp.

Chatbot