Nhịp nhanh trên thất là gì?
Nhịp nhanh trên thất là tình trạng rối loạn nhịp tim, trong đó nhịp tim tăng nhanh do các tín hiệu điện bất thường trong tim phát sinh từ vùng trên tâm thất (bao gồm nút xoang, nhĩ, nút nhĩ thất và các đường dẫn truyền phụ).
Nhịp nhanh trên thất là bệnh lý không quá phổ biến, nhưng có sự chênh lệch rõ rệt về tỷ lệ mắc ở các nhóm đối tượng khác nhau. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nhịp nhanh trên thất ảnh hưởng đến khoảng 2,29 người trên 1.000 người, tương đương với tỷ lệ 0,229% dân số. Tình trạng này phổ biến hơn ở phụ nữ, với nguy cơ gấp đôi so với nam giới, và đặc biệt gia tăng ở những người trên 65 tuổi – nhóm tuổi có nguy cơ cao gấp 5 lần so với người trẻ hơn.
Phân loại nhịp nhanh trên thất
Nhịp nhanh trên thất có thể được chia thành 2 nhóm dựa trên cơ chế và vị trí khởi phát khác nhau, bao gồm nhịp nhanh bộ nối nhĩ thất và nhịp nhanh nhĩ.
Nhịp nhanh xuất phát từ bộ nối
- Nhịp nhanh vào lại nút nhĩ thất: xảy ra khi có vòng tái nhập xung điện trong nút nhĩ thất. Nhịp nhanh vào lại nút nhĩ thất là một trong những loại nhịp nhanh trên thất phổ biến nhất ở người trưởng thành, chiếm 50-60% các trường hợp.
- Nhịp nhanh vào lại nhĩ thất: xảy ra khi có đường dẫn truyền phụ giữa buồng nhĩ và buồng thất của tim. Trong nhịp nhanh vào lại nhĩ thất, xung điện từ nút xoang được dẫn truyền qua đường dẫn phụ theo chiều xuôi hoặc ngược, tạo thành một vòng tái nhập làm nhịp tim nhanh bất thường. Bệnh nhân mắc rối loạn nhịp này thường ở độ tuổi trẻ hơn so với những người bị nhịp nhanh vào lại nút nhĩ thất.
Nhịp nhanh vào lại nhĩ thất có thể xuất hiện trong hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW), một bệnh lý bẩm sinh đặc trưng bởi sự xuất hiện của đường dẫn truyền phụ trên điện tâm đồ và triệu chứng hồi hộp liên tục.
Nhịp nhanh xuất phát từ nhĩ
Các loại nhịp nhanh nhĩ không chịu ảnh hưởng bởi sự dẫn truyền qua nút nhĩ thất (hay còn gọi là độc lập với nút nhĩ thất).
- Nhịp nhanh xoang: xảy ra khi nút xoang bị kích thích dẫn đến tăng nhịp tim.
- Nhịp nhanh vào lại nút xoang: xảy ra khi có vòng tái nhập xung điện trong nút xoang
- Nhịp nhanh xoang không thích hợp: Tần số tim nhanh kéo dài không liên quan đến các yếu tố sinh lý.
- Nhịp nhanh nhĩ: bắt nguồn từ một hoặc nhiều ổ phát xung điện trong tâm nhĩ. Nếu là nhịp nhanh nhĩ khu trú, nó thường có một vị trí khởi phát rõ ràng. Ngoài ra, một dạng khác là nhịp nhanh nhĩ đa ổ, thường xảy ra ở những bệnh nhân bị suy tim hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
- Cuồng nhĩ: là một dạng rối loạn nhịp nhĩ nhanh có nguyên nhân do vòng tái nhập lớn trong tâm nhĩ, khiến nhĩ co bóp với tần số rất cao.
- Rung nhĩ: là tình trạng hai tâm nhĩ không co bóp theo nhịp đều đặn mà rung rất nhanh và hỗn loạn.
Triệu chứng của nhịp nhanh trên thất
Trong nhịp nhanh trên thất, tim có thể đập nhanh với tần số trên 100 lần/phút, thậm chí tới 150-200 lần/phút. Các triệu chứng của nhịp nhanh trên thất có thể khác nhau về mức độ, tùy thuộc vào loại nhịp nhanh trên thất cũng như tình trạng của mỗi người.
Nhìn chung, nhịp nhanh trên thất thường gây ra các triệu chứng:
- Hồi hộp, đánh trống ngực
- Đau ngực
- Chóng mặt, choáng váng
- Hụt hơi
- Mệt mỏi, ngất xỉu
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các triệu chứng của nhịp nhanh trên thất thường không rõ ràng, như đổ mồ hôi, bú kém, thay đổi màu da, mạch nhanh… Nếu thấy trẻ có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nhịp nhanh trên thất thường xuất phát từ một trong các nguyên nhân sau đây:
- Rối loạn hệ thống dẫn truyền tim: tồn tại đường dẫn truyền phụ giữa buồng nhĩ và buồng thất hoặc những bất thường ở nút nhĩ thất gây ra vòng tái nhập, tạo nên nhịp nhanh.
- Các bệnh lý tim mạch: hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch vành, bệnh van tim, tim bẩm sinh… có thể làm thay đổi cấu trúc và chức năng của tim, tạo điều kiện cho sự dẫn truyền xung điện bất thường, dẫn đến nhịp nhanh trên thất.
- Bệnh tuyến giáp: tình trạng cường giáp không được kiểm soát cũng góp phần gây ra nhịp nhanh trên thất.
- Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: do giảm oxy máu, chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây kích thích hệ thần kinh giao cảm và làm tăng nhịp tim, tạo điều kiện cho các rối loạn nhịp.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Ngoài ra, những yếu tố sau đây cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc nhịp nhanh trên thất ở người trưởng thành và người cao tuổi:
- Thường xuyên tiêu thụ caffeine: Caffeine có thể kích thích tim, làm tăng nhịp tim và là yếu tố gây ra hoặc làm trầm trọng thêm cơn nhịp nhanh trên thất.
- Sử dụng rượu quá mức: Rượu và các đồ uống có cồn nói chung đều gây ảnh hưởng xấu đến nhịp tim và làm tăng khả năng xảy ra các rối loạn nhịp. Nam giới uống nhiều hơn 14 ly mỗi tuần và nữ giới uống từ 7 ly trở lên mỗi tuần được coi là sử dụng quá mức gây hại sức khỏe.
- Hút thuốc lá nhiều năm: Nicotine trong thuốc lá có thể kích thích hệ thần kinh giao cảm, gây tăng nhịp tim và làm tăng nguy cơ loạn nhịp.
- Căng thẳng quá mức kéo dài: Stress, căng thẳng cũng là yếu tố làm tăng nhịp tim, góp phần gây ra nhịp nhanh trên thất hoặc khiến tình trạng loạn nhịp nghiêm trọng hơn.
- Sử dụng chất kích thích như cocaine, methamphetamine…
Chẩn đoán nhịp nhanh trên thất
Chẩn đoán nhịp nhanh trên thất thường được thực hiện thông qua các bước bao gồm hỏi bệnh, thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để xác định loại rối loạn nhịp, nguyên nhân và đánh giá mức độ nghiêm trọng.
Trước hết, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân để nắm được thông tin về các triệu chứng (như tim đập nhanh, khó thở, đau ngực, chóng mặt, ngất xỉu…) và tiền sử bệnh tim mạch, bệnh lý nền (như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh van tim).
Sau đó, người bệnh cần thực hiện điện tâm đồ. Trong cơn nhịp nhanh trên thất, điện tâm đồ có thể ghi nhận tần suất nhịp tim, hình dạng sóng P, khoảng thời gian giữa các nhịp… giúp bác sĩ xác định loại rối loạn nhịp.
Trong trường hợp nghi ngờ người bệnh bị nhịp nhanh trên thất nhưng điện tâm đồ không phát hiện được các sóng điện tim bất thường, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân đeo holter điện tim liên tục trong 24 giờ hoặc vài ngày. Đây là thiết bị ghi điện tim có kích thước nhỏ gọn để đeo bên người, nhằm phát hiện các cơn nhịp nhanh trên thất xảy ra không thường xuyên hoặc không tái phát trong thời gian thăm khám.
Ngoài ra, một số xét nghiệm cận lâm sàng khác có thể được chỉ định trong chẩn đoán nhịp nhanh trên thất bao gồm khảo sát điện sinh lý tim, siêu âm tim, xét nghiệm máu, chụp X-quang ngực…
Điều trị nhịp nhanh trên thất
Tùy vào từng loại nhịp nhanh trên thất cũng như mức độ triệu chứng, nguy cơ biến chứng, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị nhịp nhanh trên thất có chia thành:
Xử trí cấp cứu
Sốc điện chuyển nhịp đồng bộ ngay cho bệnh nhân sốc, đau thắt ngực không ổn định, khởi phát suy tim đột ngột, phù phổi.
Cắt cơn nhịp nhanh
- Các biện pháp không dùng thuốc: Cường phế vị (xoa xoang cảnh, ngâm mặt vào nước lạnh…) có thể giúp cắt cơn trong nhịp nhanh vào lại nút nhĩ thất hoặc nhịp nhanh vào lại nhĩ thất.
- Điều trị bằng thuốc: Các thuốc có thể được sử dụng bao gồm các thuốc như APT, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci, thuốc chống loạn nhịp tim…
Dự phòng tái phát
- Điều trị bằng thuốc: Người bệnh cần sử dụng một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ, như thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci, thuốc chống đông…
- Can thiệp triệt đốt: Phương pháp này có thể được cân nhắc khi nhịp nhanh trên thất tái phát nhiều lần. Tỷ lệ điều trị thành công khá cao đối với nhịp nhanh vào lại nút nhĩ thất, nhịp nhanh vào lại nhĩ thất, nhịp nhanh nhĩ, cuồng nhĩ. Sau khi triệt đốt thành công, bệnh nhân không cần sử dụng thuốc, giúp giảm gánh nặng cả về tài chính, sức khỏe và tinh thần cho người bệnh.
Biến chứng của nhịp nhanh trên thất
Mặc dù hầu hết các trường hợp nhịp nhanh trên thất không nguy hiểm tính mạng, nhưng nếu không được kiểm soát, một số loại nhịp nhanh trên thất có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là ở bệnh nhân có bệnh tim nền.
- Tăng nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não: Nhịp nhĩ quá nhanh, tim không thể bơm máu hiệu quả, dòng máu trong nhĩ có thể bị ứ trệ, tạo điều kiện hình thành cục máu đông, gây tắc mạch não. Bệnh nhân có rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ kéo dài có nguy cơ đột quỵ cao hơn, đặc biệt ở những người có bệnh tim nền (van tim, suy tim, đái tháo đường, tăng huyết áp).
- Suy tim: Trong các tình trạng như rung nhĩ, cuồng nhĩ, nhịp nhanh nhĩ kéo dài, nhịp nhanh vào lại nhĩ thất tái phát, tim liên tục phải làm việc quá sức, làm tăng nguy cơ dẫn đến suy tim. Do đó, người bệnh thường có triệu chứng mệt mỏi, khó thở, phù, giảm khả năng gắng sức. Nếu không được kiểm soát, suy tim có thể tiến triển trầm trọng hơn, làm tăng nguy cơ nhập viện và tử vong do bệnh tim mạch.
- Huyết động không ổn định: Là biến chứng có thể gặp trong nhịp nhanh vào lại nhĩ thất, cuồng nhĩ nhanh, nhịp nhanh nhĩ với tần số rất cao. Nhịp tim quá nhanh làm giảm thời gian đổ đầy thất, giảm cung lượng tim, gây tụt huyết áp, chóng mặt, ngất xỉu. Nếu không điều trị, có thể dẫn đến sốc tim, đặc biệt ở bệnh nhân có bệnh tim nền như hẹp van tim, bệnh mạch vành, suy tim trước đó.
- Rung thất và ngừng tim: Đây là một trong những biến chứng hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm. Bệnh nhân có hội chứng Wolff-Parkinson-White khi bị rung nhĩ có thể dẫn đến tần số thất rất cao nếu xung điện dẫn truyền nhanh qua đường phụ. Điều này có thể thoái triển thành rung thất, dẫn đến ngừng tim nếu không được cấp cứu kịp thời.
Phòng ngừa nhịp nhanh trên thất
Một số biện pháp thay đổi lối sống sau đây có thể giúp cải thiện tình trạng sức khỏe và giảm nguy cơ xảy ra các cơn nhịp nhanh:
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời hạn chế muối và chất béo bão hòa.
- Tập thể dục thường xuyên: Duy trì tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần ở cường độ vừa phải để tăng cường sức khỏe và kiểm soát cân nặng.
- Hạn chế tiêu thụ caffeine: Khuyến cáo chung về mức tiêu thụ caffeine an toàn đối với người trưởng thành là khoảng 200-400mg/ngày. Tuy nhiên, với những người có nguy cơ rối loạn nhịp tim, nên giới hạn lượng caffeine đảm bảo không gây kích thích tim.
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn: Không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. 1 đơn vị cồn tương đương với ¾ lon bia 330ml (5%), 1 cốc bia hơi 330ml, 1 ly rượu vang 100ml (13,5%), hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).
- Bỏ hút thuốc: Cai thuốc càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe tổng thể nói chung và tim mạch nói riêng.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Ngủ đủ giấc, thực hiện các liệu pháp giảm căng thẳng như thiền, yoga hoặc hít thở sâu, giúp giảm tần suất các cơn nhịp nhanh trên thất.
Để phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý tim mạch, người bệnh nên chủ động đi khám khi gặp các triệu chứng bất thường như chóng mặt, ngất xỉu, đau ngực trong khi có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ kể trên. Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là địa chỉ uy tín trong thăm khám và điều trị các bệnh tim mạch nói chung và nhịp nhanh trên thất nói riêng.
- Phác đồ điều trị cá thể hóa theo Hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Nhịp tim châu Âu, chỉ định can thiệp phù hợp với từng bệnh nhân.
- TS.BS Alain Patrice Lebon – tiến sĩ y khoa Tim mạch, điện sinh lý được chứng nhận bởi Hiệp hội Nhịp tim Châu Âu, 20 năm kinh nghiệm điều trị bệnh lý rối loạn nhịp tim.
- Hệ thống lập bản đồ tim 3D Abbott EnSite X EP System thế hệ mới nhất đầu tiên tại Việt Nam sử dụng ống thông dùng một lần nhập khẩu từ Mỹ.
- Hệ thống phòng can thiệp DSA hiện đại, tuân thủ các tiêu chuẩn khử khuẩn cao nhất của Pháp.
Để được tư vấn về bệnh lý nhịp nhanh trên thất hoặc đặt lịch khám với các bác sĩ, chuyên gia tim mạch hàng đầu của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.