Ợ chua, ợ nóng là hiện tượng như thế nào?
Ợ chua, ợ nóng là hiện tượng xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác bỏng rát và khó chịu tại khu vực xương ức và vùng ngực. Triệu chứng này thường bắt nguồn từ cơ trơn của thực quản và có thể lan dần lên cổ họng và sau tai.
Khi bị ợ chua hay ợ nóng, người bệnh có thể cảm thấy đau đớn khi cúi người hoặc nằm xuống. Sau khi ợ, sẽ cảm thấy có vị đắng hoặc chua trong miệng.
Trên thực tế, ợ chua và ợ nóng không phải là tên gọi của bệnh lý, mà là dấu hiệu của sự rối loạn trong hệ tiêu hóa. Đây là một tình trạng khá phổ biến và có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào.
Ợ chua, ợ nóng là dấu hiệu của bệnh lý gì?
Như đã đề cập, ợ chua và ợ nóng có thể là dấu hiệu bệnh đường tiêu hóa và nguyên nhân gây ra các triệu chứng này cũng rất đa dạng, có thể do bệnh lý, chế độ sinh hoạt hoặc do thai kỳ.
Nguyên nhân do thói quen trong sinh hoạt
- Ăn quá no hoặc ăn quá nhiều thực phẩm béo: Khi tiêu thụ một lượng lớn thức ăn hoặc đồ có nhiều chất béo, quá trình tiêu hóa sẽ bị chậm lại. Thức ăn bị ứ đọng lâu trong dạ dày dần sinh khí, gia tăng áp suất trong dạ dày. Điều này tạo ra áp lực lên cơ thắt thực quản dưới, khiến khí và axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây cảm giác ợ nóng.
- Thực phẩm gây ợ nóng: Các món ăn cay nóng, đồ có cồn, nước có ga, trà đặc hay trà bạc hà có thể kích thích dạ dày sản sinh axit nhiều hơn. Điều này làm rối loạn nhu động dạ dày và gây ra tình trạng dư thừa axit và trào ngược lên trên thực quản, gây ợ nóng, khó tiêu.
- Thói quen tập luyện: Các bài tập gập bụng, đẩy tạ, trồng cây chuối hoặc chạy quá sức có thể tạo ra áp lực lớn lên vùng bụng và ngực. Lực ép này có thể tăng sức ép lên dạ dày, khiến axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra tình trạng ợ nóng.
- Thuốc: Thuốc chống viêm thuộc nhóm NSAID, thuốc Glucocorticoid có thể làm mỏng đi lớp bảo vệ của niêm mạc dạ dày, khiến axit dễ dàng tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc. Khi đó, hệ thần kinh điều khiển nhu động dạ dày sẽ bị kích thích, gây ra sự rối loạn co bóp và gây ra sự trào ngược axit lên thực quản. Điều này làm tổn thương niêm mạc thực quản và gây ra ho, ợ nóng.
Thông thường, nếu triệu chứng ợ chua, ợ nóng xảy ra do vấn đề về thói quen sinh hoạt thì chỉ kéo dài trong khoảng 1 – 3 ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài lâu hơn và có kèm theo các dấu hiệu khác lạ thì rất có khả năng nguyên nhân đến từ những bệnh lý nghiêm trọng.
Nguyên nhân từ bệnh lý
Có không ít các trường hợp ợ nóng, khó tiêu đến từ các bệnh liên quan đến dạ dày. Bên cạnh đó, cũng có một số bệnh lý khác góp phần gây ra tình trạng này, có thể kể đến như sau:
- Trào ngược dạ dày thực quản: Tình trạng này xảy ra khi có sự kết hợp của 3 yếu tố, là sự tiết ra quá mức của axit dịch vị, rối loạn co bóp dạ dày và sự suy giảm chức năng của cơ thắt thực quản dưới. Khi axit và enzym tiêu hóa từ dạ dày trào ngược lên, chúng là tổn thương niêm mạc thực quản và gây nóng rát, có thể kèm ợ hơi, ợ chua, đầy bụng buồn nôn, tức ngực,…
- Viêm loét dạ dày: Khi bị viêm loét dạ dày, khả năng tiêu hóa thức ăn của người bệnh bị suy giảm, khiến axit trong dạ dày bị tiết ra quá mức. Cùng lúc đó, các đầu mút thần kinh bị kích thích bởi axit, gây rối loạn sự co bóp của dạ dày. Điều này khiến dịch dạ dày bị trào ngược, gây ra các triệu chứng như ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, tức ngực và đau lan ra sau lưng.
- Ung thư dạ dày: Căn bệnh này không chỉ làm giảm khả năng tiêu hóa mà còn khiến bệnh nhân phải chịu đựng những cơn đau dữ dội. Bên cạnh đó, người bệnh còn phải chịu đựng các triệu chứng như ợ chua, ợ nóng, buồn nôn, nôn mửa và cảm giác đắng trong miệng.
- Sỏi mật: Mật là cơ quan có nhiệm vụ tiết ra dịch mật chứa enzyme để tiêu hóa chất béo. Khi bạn bị sỏi mật, lượng mật tiết ra sẽ bị kém đi, khiến cơ thể không thể tiêu thụ được hết lượng dầu mỡ nạp vào. Điều này có thể gây kích thích niêm mạc ruột, dẫn đến cảm giác ợ nóng, buồn nôn, nôn ói, và trào ngược.
Nguyên nhân do thai kỳ
Thống kê cho thấy có khoảng 80% phụ nữ bị ợ nóng khi mang thai. Nếu trước đó mẹ bầu không có dấu hiệu này thì đây có thể chỉ là hiện tượng ợ nóng sinh lý và không nguy hiểm đến sức khỏe. Nguyên nhân chính của tình trạng này đến từ sự thay đổi nội tiết và sự phát triển của thai nhi.
- Thay đổi nội tiết: Khi mang thai, mức hormone progesterone tăng cao, làm giảm trương lực cơ ở cơ quan thắt thực quản dưới và làm chậm quá trình co bóp của dạ dày. Việc này khiến thức ăn bị ứ đọng, sinh khí và thoát ra miệng, gây ra hiện tượng ợ hơi. Nếu cơn ợ hơi kèm theo axit dịch vị, mẹ bầu sẽ cảm thấy ợ nóng và nóng rát ở thực quản.
- Sự phát triển của thai nhi: Vào những tháng cuối, thai nhi phát triển ngày càng lớn, gây ra một áp lực lớn lên các cơ quan nội tạng, trong đó có dạ dày. Sự chèn ép này khiến dạ dày bị đẩy lên cao, kéo theo việc axit dịch vị bị dồn và trào ngược lên thực quản, khiến cho mẹ bầu bị ợ nóng.
Khi nào bị ợ chua, ợ nóng cần đi khám bác sĩ?
Nếu hiện tượng ợ nóng, ợ chua xảy ra với tần suất thấp và bạn có thói quen sinh hoạt, ăn uống chưa khoa học, hay căng thẳng thì cần điều chỉnh lại càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu có các dấu hiệu sau thì bạn nên đi khám sớm vì có thể là dấu hiệu nghiêm trọng về sức khỏe:
- Ợ chua kéo dài và xảy ra thường xuyên (với tần suất hơn 2 lần mỗi tuần).
- Xuất hiện đồng thời với các triệu chứng buồn nôn, nôn, khó nuốt, chán ăn, sụt cân, đau khi ăn,…
- Đã sử dụng một số loại thuốc không cần kê đơn nhưng tình trạng ợ chua không có dấu hiệu thuyên giảm.
Cách khắc phục và phòng tránh tình trạng ợ chua, ợ nóng
Phần lớn các trường hợp bị ợ nóng có thể được cải thiện ngay tại nhà. Tuy nhiên, tình trạng này ít nhiều vẫn gây khó chịu cho sinh hoạt thường ngày, vì vậy để khắc phục và phòng tránh tình trạng ợ chua, ợ nóng quay lại, bạn nên kết hợp thực hiện các biện pháp như sau:
Cải thiện thói quen ăn uống
Bạn không nên ăn quá no mà chỉ ước chừng khoảng 60% khẩu phần, kết hợp thêm với các bữa ăn phụ. Việc này sẽ giúp giảm tải cho dạ dày, giảm bớt áp lực cho hệ thiêu hóa và hạn chế tình trạng trào ngược axit dạ dày.
Ngoài ra, cũng nên chú ý ăn uống đúng giờ để dạ dày có thể hoạt động theo nhịp sinh học ổn định, tránh bị kích thích tăng tiết axit quá mức. Tuy nhiên, không nên ăn tối quá muộn, bởi thức ăn chưa tiêu hóa hết sẽ tạo ra khí, dẫn đến tình trạng đầy bụng, ợ nóng.
Hạn chế căng thẳng tâm lý
Áp lực về mặt tâm lý, căng thẳng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa và gián tiếp dẫn đến các triệu chứng ợ chua, ợ nóng. Vì vậy, việc sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi thư giãn, nâng cao trạng thái tinh thần cũng là một cách giảm ợ nóng và cải thiện sức khỏe hiệu quả.
Thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ
Việc khám sức khỏe định kỳ có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nó giúp bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng ợ nóng, đồng thời đưa ra phương án điều trị thích hợp. Bạn cần tuân thủ đầy đủ kế hoạch điều trị của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng theo chỉ định, không tự ý thay đổi liều lượng, thời gian dùng hoặc loại thuốc sử dụng.
Ợ chua, ợ nóng là những triệu chứng thường gặp và có thể mất sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên chúng cũng có thể là dấu hiệu cho nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, nếu gặp phải tình trạng này trong một thời gian dài, người bên nên đi bệnh viện kiểm tra sớm để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị kịp thời.