Skip to content
Kiến thức, Thư viện bệnh - Tháng 5 27, 2025

IBS và bệnh Celiac: Phân biệt các hội chứng ruột kích thích

Cập nhật lần cuối: Tháng 6 13, 2025

Tư vấn y tế: PGS.TS.BS. Nguyễn Quang Duật

Hội chứng ruột kích thích (IBS) và bệnh Celiac đều là những rối loạn tiêu hóa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Mặc dù có một số triệu chứng tương đồng, hai tình trạng này có cơ chế bệnh sinh, phương pháp chẩn đoán và hướng điều trị khác nhau.

Hội chứng ruột kích thích (IBS) và bệnh Celiac khác nhau như thế nào?

  • Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một trong những bệnh lý đường tiêu hoá phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc từ 5-20% dân số. Hội chứng này lành tính, tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại có tác động lớn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
  • Bệnh Celiac: Bệnh celiac hay còn gọi là bệnh không dung nạp Gluten, đây là bệnh gây ra do phản ứng với gluten, không cho cơ thể hấp thu các thực phẩm có chứa gluten. Bệnh Celiac dẫn đến tình trạng viêm và bất sản niêm mạc ruột non, gây ra hàng loạt các rối loạn tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng tại ruột non.

Bảng so sánh các đặc điểm chính của IBS và bệnh Celiac:

Tiêu chíHội chứng ruột kích thích (IBS)Bệnh Celiac
Nguyên nhânChưa xác định rõ, nhưng có liên quan đến rối loạn nhu động ruột, hệ vi sinh vật đường ruột, căng thẳng thần kinh, nội tiết tố và chế độ ăn uống.Bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch tấn công niêm mạc ruột non khi có sự hiện diện của gluten (protein trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen).
Triệu chứng chínhĐau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón hoặc xen kẽ cả hai. Không có tổn thương thực thể ở ruột.Tiêu chảy mạn tính, đau bụng, giảm cân, mệt mỏi, thiếu máu, loãng xương do kém hấp thu dinh dưỡng.
Phương pháp chẩn đoánDựa trên tiêu chí Rome IV. IBS là chẩn đoán loại trừ, cần xét nghiệm để loại trừ các bệnh khác.Xét nghiệm máu tìm kháng thể chống tự miễn và chẩn đoán xác định bằng sinh thiết niêm mạc ruột non qua nội soi.
Điều trịĐiều trị triệu chứng, thay đổi chế độ ăn uống, quản lý căng thẳng và dùng thuốc hỗ trợ tiêu hóa.Loại bỏ hoàn toàn gluten khỏi chế độ ăn suốt đời.

IBS và bệnh Celiac có liên quan đến nhau không?

Mặc dù IBS và bệnh Celiac là hai tình trạng riêng biệt, một số người mắc IBS có thể không dung nạp gluten mà không phải mắc bệnh Celiac. Điều này có thể gây nhầm lẫn khi chẩn đoán.

Không dung nạp gluten không phải bệnh Celiac hay được gọi là tình trạng nhạy cảm với gluten không phải Celiac (NCGS). Đây là tình trạng mà người bệnh có triệu chứng tiêu hóa khi ăn thực phẩm chứa gluten nhưng không có phản ứng miễn dịch như bệnh Celiac.

Nguyên nhân có thể liên quan đến FODMAP – nhóm carbohydrate lên men có trong nhiều loại thực phẩm (bao gồm cả thực phẩm chứa gluten) gây đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy.

Chế độ ăn không gluten có giúp giảm triệu chứng IBS không?

Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn ít FODMAP (bao gồm giảm gluten) có thể giúp cải thiện triệu chứng IBS.

Tuy nhiên, việc loại bỏ gluten hoàn toàn chỉ cần thiết đối với bệnh nhân Celiac, không phải cho tất cả bệnh nhân IBS.

Nếu nghi ngờ bệnh Celiac, bệnh nhân nên thực hiện xét nghiệm máu trước khi tự ý kiêng gluten, vì việc loại bỏ gluten trước khi xét nghiệm có thể khiến kết quả chẩn đoán không chính xác.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn gặp các triệu chứng đau bụng kéo dài, tiêu chảy mạn tính, sụt cân không rõ nguyên nhân hoặc thiếu máu do thiếu sắt, hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác.

Việc phân biệt IBS và bệnh Celiac đòi hỏi các xét nghiệm chuyên sâu để tránh điều trị sai hướng.

Các xét nghiệm cần thiết để loại trừ bệnh Celiac khi nghi ngờ IBS:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra kháng thể tTG-IgA, EMA-IgA để phát hiện bệnh Celiac.
  • Xét nghiệm di truyền: Kiểm tra gen HLA-DQ2, HLA-DQ8 (hỗ trợ chẩn đoán nhưng không khẳng định bệnh).
  • Nội soi sinh thiết ruột non: Nếu xét nghiệm máu dương tính, sinh thiết sẽ giúp xác nhận tổn thương niêm mạc đặc trưng của bệnh Celiac.

Kết luận

Hội chứng ruột kích thích (IBS) và bệnh Celiac có nhiều triệu chứng tương đồng, nhưng khác nhau về cơ chế bệnh sinh, phương pháp chẩn đoán và điều trị.

IBS không gây tổn thương niêm mạc ruột, điều trị chủ yếu bằng thay đổi lối sống và chế độ ăn uống.

Bệnh Celiac là bệnh tự miễn, cần kiêng gluten hoàn toàn suốt đời để bảo vệ niêm mạc ruột.

Nếu có triệu chứng nghi ngờ, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ tiêu hóa để thực hiện các xét nghiệm cần thiết trước khi thay đổi chế độ ăn.

Xem thêm các triệu chứng đường tiêu hoá.

Cấp cứu

(84-24) 3574 1111

Đội ngũ bác sĩ cấp cứu và bác sĩ phẫu thuật được đào tạo nội bộ sẵn sàng 24/7.
Tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp khẩn cấp.

Chatbot