Rung nhĩ kéo dài là gì?
Rung nhĩ là tình trạng hai tâm nhĩ rung nhanh và không đều. Khi tình trạng rung nhĩ kéo dài hơn 12 tháng liên tục, người bệnh được chẩn đoán là mắc rung nhĩ kéo dài. Thuật ngữ này được sử dụng để phân biệt với các loại rung nhĩ khác, bao gồm rung nhĩ kịch phát, rung nhĩ dai dẳng và rung nhĩ vĩnh viễn.
- Rung nhĩ kịch phát: là tình trạng rung nhĩ kết thúc trong vòng 7 ngày, có thể tự chấm dứt mà không cần điều trị.
- Rung nhĩ dai dẳng: xảy ra khi rung nhĩ không tự chấm dứt trong vòng 7 ngày. Người bệnh cần dùng thuốc hoặc can thiệp tim mạch đặc biệt để phục hồi nhịp tim bình thường.
- Rung nhĩ vĩnh viễn: thuật ngữ này được sử dụng trong trường hợp các biện pháp nhằm khôi phục nhịp tim bình thường cho bệnh nhân rung nhĩ hầu như không hiệu quả.
Bệnh nhân rung nhĩ kéo dài thường xuyên có các triệu chứng khó chịu như hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, hụt hơi, đau tức ngực, chóng mặt, uể oải, mệt mỏi. Tần suất và mức độ nghiêm trọng của những triệu chứng này có thể tăng dần theo thời gian.
Các yếu tố tăng nguy cơ rung nhĩ kịch phát tiến triển thành rung nhĩ kéo dài
Rung nhĩ kịch phát hoặc rung nhĩ dai dẳng có thể tiến triển nặng hơn và trở thành rung nhĩ kéo dài. Các yếu tố có thể thúc đẩy quá trình này bao gồm:
- Tuổi cao: Bệnh nhân cao tuổi mắc rung nhĩ kịch phát hoặc rung nhĩ dai dẳng có nguy cơ cao tiến triển thành rung nhĩ kéo dài. Nguyên nhân là do theo thời gian, các buồng tim giãn ra và dày lên, độ đàn hồi của cơ tim giảm đi. Bên cạnh đó, hệ thống dẫn truyền xung điện của tim cũng bị lão hóa và hoạt động kém hiệu quả.
- Có bệnh nền tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim phì đại và các dị tật tim bẩm sinh: Những bệnh lý này có thể làm tổn thương mô tim, từ đó khiến rung nhĩ tiến triển nặng hơn.
- Một số bệnh lý của các cơ quan khác như cường giáp, đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… cũng góp phần thúc đẩy rung nhĩ kịch phát và rung nhĩ dai dẳng tiến triển thành rung nhĩ kéo dài.
- Lối sống không lành mạnh như thường xuyên sử dụng rượu bia, đồ uống chứa cafein và hút thuốc sẽ gia tăng tần suất cũng như độ dài của các đợt rung nhĩ.
- Phát hiện bệnh không kịp thời hoặc không tuân thủ chế độ điều trị: Rung nhĩ kịch phát có thể tự kết thúc mà không cần điều trị nhưng khoảng 70% bệnh nhân sẽ tái phát bệnh sau 1 năm và hơn 30% bệnh nhân sẽ tiến triển nặng hơn trong vòng 10 năm, đặc biệt khi bệnh nhân không được theo dõi và điều trị kịp thời.
Ảnh hưởng của rung nhĩ kéo dài tới sức khỏe
So với rung nhĩ kịch phát, nguy cơ xảy ra biến chứng ở bệnh nhân rung nhĩ kéo dài cao hơn đáng kể, trong đó biến chứng nặng nề và phổ biến nhất là đột quỵ. Trong rung nhĩ kéo dài, thời gian tâm nhĩ rung hỗn loạn dài hơn khiến nguy cơ hình thành cục máu đông trong buồng tim tăng lên. Khi cục máu đông thoát ra khỏi tim và cản trở dòng máu tới não, bệnh nhân sẽ bị đột quỵ do thiếu máu não cục bộ. Bệnh nhân cũng có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim nếu cục máu đông gây tắc động mạch vành.
Rung nhĩ kéo dài cũng làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng suy tim vì tim liên tục phải làm việc quá sức. Hậu quả là bệnh nhân thường xuyên cảm thấy khó thở, mệt mỏi và hạn chế thực hiện các hoạt động gắng sức như leo cầu thang, mang vác vật nặng. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Các phương pháp điều trị rung nhĩ kéo dài
Các phương pháp điều trị rung nhĩ kéo dài bao gồm dùng thuốc hoặc thực hiện can thiệp tim mạch nhằm kiểm soát tần số thất, cố gắng đưa nhịp tim về nhịp xoang bình thường, dự phòng huyết khối tắc mạch và bệnh cơ tim.
Bệnh nhân rung nhĩ kéo dài thường phải phối hợp sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau và dùng thuốc trong thời gian dài. Các loại thuốc thường được bác sĩ tim mạch kê đơn cho bệnh nhân rung nhĩ kéo dài bao gồm:
- Thuốc chống loạn nhịp: Loại thuốc này có tác dụng đưa nhịp tim của bệnh nhân trở về nhịp xoang bình thường.
- Thuốc chống đông máu: Bệnh nhân rung nhĩ kéo dài cần duy trì thuốc chống đông để ngăn ngừa cục máu đông hình thành và hạn chế biến chứng đột quỵ.
- Thuốc kiểm soát nhịp tim: Giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu của bệnh nhân như hồi hộp, đánh trống ngực, hụt hơi, khó thở.
Bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định bệnh nhân rung nhĩ kéo dài thực hiện triệt đốt rung nhĩ qua ống thông nếu phương pháp dùng thuốc không hiệu quả hoặc bệnh nhân muốn điều trị dứt điểm rung nhĩ. Triệt đốt qua ống thông là phương pháp can thiệp tối thiểu, trong đó ống thông được đưa vào buồng tim, tiếp cận vị trí cơ tim gây rối loạn nhịp tim. Sau đó, năng lượng tần số radio tại đầu ống thông sẽ tạo tổn thương nhiệt phá hủy mô tim gây bệnh.
Triệt đốt rung nhĩ qua ống thông có tính an toàn cao do nhiệt lượng tạo ra bằng năng lượng cao tần ở đầu ống thông đốt có thể lan dần theo chiều sâu toàn bộ bề dày của tim, giúp bác sĩ dễ dàng kiểm soát mức độ tổn thương, giảm diện tích tác động và nguy cơ biến chứng.
Tỷ lệ thành công của can thiệp triệt đốt rung nhĩ kéo dài thấp hơn so với rung nhĩ dai dẳng và thấp hơn nhiều so với rung nhĩ kịch phát. Bệnh càng tiến triển nặng, hiệu quả việc điều trị bằng thuốc cũng như triệt đốt đều giảm. Do đó, việc thực hiện đốt sóng sớm trong quá trình tiến triển của bệnh là rất quan trọng để đảm bảo tỷ lệ thành công cao và giảm số lần can thiệp lại.
Phòng ngừa rung nhĩ kịch phát tiến triển thành rung nhĩ kéo dài
So với rung nhĩ kịch phát và rung nhĩ dai dẳng, điều trị rung nhĩ kéo dài thường khó khăn hơn. Tỷ lệ bệnh nhân rung nhĩ kéo dài được điều trị khỏi hoàn toàn không cao, nguy cơ tái phát bệnh lên tới 50% do cấu trúc tim đã thay đổi.
Để phòng ngừa rung nhĩ kịch phát và rung nhĩ dai dẳng tiến triển thành rung nhĩ kéo dài, người bệnh nên:
- Thay đổi lối sống: Duy trì lối sống tốt cho hệ tim mạch giúp bệnh nhân rung nhĩ kiểm soát triệu chứng, giảm nguy cơ rung nhĩ tiến triển và gây ra biến chứng. Vì vậy, người bệnh nên duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường rau xanh và trái cây trong chế độ dinh dưỡng, đồng thời hạn chế rượu bia và bỏ hút thuốc.
- Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ: Người bệnh cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng, giảm liều thuốc hoặc ngừng thuốc.
- Triệu đốt rung nhĩ qua ống thông nếu có chỉ định: Đây là thủ thuật an toàn với tỷ lệ thành công lên đến 85% với bệnh nhân rung nhĩ kịch phát. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này sẽ giảm dần với bệnh nhân rung nhĩ dai dẳng và rung nhĩ kéo dài. Bệnh nhân có thể cần thực hiện triệt đốt 2 lần để điều trị dứt điểm
- Tái khám định kỳ: Bệnh nhân rung nhĩ cần tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị, theo dõi tiến triển bệnh và điều chỉnh phác đồ điều trị sao cho phù hợp.
- Cân nhắc phương pháp triệt đốt ngay khi rung nhĩ không được kiểm soát bằng thuốc chống loạn nhịp.
Chăm sóc bệnh nhân rung nhĩ kéo dài tại nhà
Chăm sóc tại nhà đúng cách sẽ giúp bệnh nhân rung nhĩ kéo dài kiểm soát triệu chứng, giảm nguy cơ biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Dưới đây là những lưu ý khi chăm sóc người bệnh rung nhĩ kéo dài tại nhà:
- Dùng thuốc đúng liều và theo dõi tác dụng phụ của thuốc: Người bệnh cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình dùng thuốc, nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào (như chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi…), hãy thông báo với bác sĩ để bác sĩ điều chỉnh thuốc kịp thời.
- Theo dõi nhịp tim tại nhà: Người bệnh có thể sử dụng máy đo nhịp tim tại nhà để kiểm tra nhịp tim định kỳ. Nếu nhịp tim quá nhanh (trên 100 nhịp/ phút) hoặc quá chậm (dưới 60 nhịp/ phút), người bệnh nên thông báo với bác sĩ khi tái khám định kỳ.
- Theo dõi và phòng ngừa biến chứng: Bệnh nhân rung nhĩ kéo dài và gia đình nên lưu ý các dấu hiệu của tình trạng đột quỵ như yếu liệt một bên cơ thể, khó nói, méo miệng, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội, ngất xỉu… Nếu xuất hiện những dấu hiệu này, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức.
Với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia tim mạch giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là địa chỉ uy tín trong tầm soát, thăm khám và điều trị rung nhĩ.
- TS.BS Alain Patrice Lebon – tiến sĩ y khoa chuyên ngành Tim – Mạch và điện sinh lý được chứng nhận bởi Hiệp hội Nhịp tim Châu Âu với hơn 20 năm kinh nghiệm điều trị bệnh lý tim mạch và nhịp tim tại Pháp.
- Phác đồ điều trị rung nhĩ cá thể hóa theo Hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Nhịp tim châu Âu, chỉ định can thiệp phù hợp với từng bệnh nhân và phối hợp liên chuyên khoa nhằm mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh.
- Hệ thống lập bản đồ tim 3D Abbott EnSite X EP System thế hệ mới nhất và đầu tiên tại Việt Nam sử dụng ống thông dùng một lần nhập khẩu từ Mỹ, giúp bác sĩ xác định và tác động tới mô tim gây ra rung nhĩ chính xác tới từng milimet.
- Hệ thống phòng can thiệp DSA hiện đại, tuân thủ các tiêu chuẩn khử khuẩn cao nhất của Pháp.
Để được tư vấn về bệnh lý rung nhĩ kịch phát hoặc đặt lịch khám với các bác sĩ, chuyên gia tim mạch hàng đầu của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.