Sốc điện chuyển nhịp là gì?
Rung nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim phổ biến, thường gặp ở người trên 60 tuổi, trong đó hai tâm nhĩ đập quá nhanh đến mức rung lên. Tình trạng này làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 5 lần, nguy cơ suy tim và tử vong lên gấp 3 lần. Tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng thuốc hoặc thực hiện các thủ thuật tim mạch đặc biệt như sốc điện chuyển nhịp, triệt đốt rung nhĩ qua ống thông hoặc phẫu thuật Maze.
Sốc điện chuyển nhịp có tác dụng khôi phục nhịp tim bình thường ở bệnh nhân rung nhĩ, đặc biệt trong trường hợp điều trị bằng thuốc không hiệu quả. Phương pháp này sử dụng dòng điện với mức năng lượng đủ lớn để đưa cơ tim vào trạng thái trơ tạm thời, làm ngừng các xung điện bất thường. Sau đó, nút xoang sẽ tiếp tục phát xung, kiểm soát nhịp tim trở lại trạng thái ổn định.
Khi nào bệnh nhân rung nhĩ cần sốc điện chuyển nhịp?
Sốc điện chuyển nhịp được thực hiện trong các trường hợp rung nhĩ cần khôi phục nhịp tim nhanh chóng. Phương pháp này đặc biệt cần cho bệnh nhân có huyết động không ổn định, với các dấu hiệu nguy hiểm như huyết áp tụt (dưới 90/60 mmHg), giảm lượng nước tiểu, suy tim cấp, khó thở, gan to, tĩnh mạch cổ nổi.
Ngoài ra, sốc điện còn được áp dụng với bệnh nhân rung nhĩ dai dẳng (tình trạng rung nhĩ kéo dài trên 7 ngày) và rung nhĩ kéo dài (tình trạng rung nhĩ kéo dài trên 1 năm) thường xuyên có triệu chứng khó chịu và không thể phục hồi nhịp xoang bằng phương pháp dùng thuốc.
Quy trình thực hiện sốc điện chuyển nhịp
Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước thủ thuật sốc điện chuyển nhịp?
Quá trình sốc điện chuyển nhịp thường được thực hiện trong bệnh viện hoặc phòng khám dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ tim mạch, có thể tiến hành ngay lập tức hoặc theo lịch hẹn.
Trước khi thực hiện sốc điện chuyển nhịp, bệnh nhân cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo thủ thuật diễn ra an toàn và hiệu quả. Cụ thể, bệnh nhân cần nhịn ăn uống ít nhất 8 giờ, tránh bôi kem, phấn, hoặc thuốc mỡ lên vùng ngực và lưng trong 24 giờ trước thủ thuật. Bệnh nhân nên mang theo danh sách thuốc đang sử dụng và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, cần sắp xếp người đưa đón vì bệnh nhân không được tự lái xe trong ngày thực hiện sốc điện.
Quá trình sốc điện chuyển nhịp diễn ra như thế nào?
Quá trình sốc điện thường diễn ra trong khoảng 10 – 20 phút. Trước tiên, bệnh nhân sẽ được gây mê nên không cảm thấy đau trong quá trình thực hiện. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt những miếng dán lớn có cảm biến (được gọi là bản điện cực sốc điện) lên ngực, sườn hoặc lưng của bệnh nhân. Các bản điện cực này được kết nối với máy sốc điện và máy sẽ ghi lại nhịp tim rồi hiển thị trên màn hình. Khi bác sĩ ấn nút phóng điện, máy sẽ truyền đi những xung điện có năng lượng cao và tốc độ nhanh đến tim của bệnh nhân nhằm khôi phục nhịp tim bình thường. Bác sĩ sẽ theo dõi và đánh giá nhịp tim sau mỗi lần sốc điện và có thể thực hiện thêm những cú sốc điện tiếp theo để đảm bảo nhịp tim của bệnh nhân hoàn toàn ổn định.
Cần lưu ý gì sau khi thực hiện sốc điện chuyển nhịp?
Sau khi thực hiện sốc điện chuyển nhịp, bệnh nhân sẽ được theo dõi sức khỏe ít nhất 1 giờ tại bệnh viện. Ngay sau khi hoàn tất thủ thuật, bác sĩ sẽ thông báo kết quả, hướng dẫn điều trị tiếp theo và kê thuốc duy trì nhịp tim nếu cần. Hầu hết bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày nhưng có thể vẫn cảm thấy buồn ngủ trong vài giờ sau thủ thuật. Bác sĩ có thể kê thuốc bôi cho vùng da dán điện cực nếu vùng da này bị kích ứng.
Sốc điện chuyển nhịp điều trị rung nhĩ có hiệu quả không?
Sốc điện chuyển nhịp là phương pháp khôi phục nhịp xoang hiệu quả cho bệnh nhân rung nhĩ. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh và bệnh lý nền của bệnh nhân. Nếu rung nhĩ được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ sốc điện chuyển nhịp thành công sẽ cao hơn. Các bệnh lý nền như bệnh tim mạch, tăng huyết áp và đái tháo đường cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả của sốc điện chuyển nhịp.
Mặc dù sốc điện có thể nhanh chóng khôi phục lại nhịp tim bình thường cho bệnh nhân, nhưng hiệu quả của phương pháp này không tồn tại lâu dài và không giải quyết được nguyên nhân gây ra rung nhĩ. Do đó, bệnh nhân thường được kê thêm thuốc và cần theo dõi sức khỏe lâu dài để duy trì nhịp tim ổn định và ngăn ngừa rung nhĩ tái phát.
Sốc điện chuyển nhịp có rủi ro và biến chứng nào?
Sốc điện chuyển nhịp là phương pháp an toàn và hiệu quả trong điều trị rung nhĩ, nhưng cũng có thể gây ra một số biến chứng, đặc biệt ở người lớn tuổi hoặc có các bệnh lý nền.
Biến chứng nghiêm trọng nhất của sốc điện chuyển nhịp là đột quỵ. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra những biến chứng này rất thấp (dưới 0,1%) nếu bệnh nhân tuân thủ dùng thuốc chống đông theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, sốc điện chuyển nhịp có thể gây ra một số biến chứng khác như nhịp tim chậm, hạ huyết áp tạm thời, tổn thương tim (thường là tạm thời và không có triệu chứng), suy tim và tổn thương da do tiếp xúc với bản điện cực.
Với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia tim mạch giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là địa chỉ uy tín trong tầm soát, thăm khám và điều trị rung nhĩ:
- TS.BS Alain Patrice Lebon – bác sĩ chuyên khoa Tim mạch và điện sinh lý được chứng nhận bởi Hiệp hội Nhịp tim Châu Âu với hơn 20 năm kinh nghiệm điều trị bệnh lý tim mạch và nhịp tim tại Pháp.
- Đầy đủ thiết bị thực hiện các cận lâm sàng quan trọng nhằm chẩn đoán bệnh rung nhĩ chính xác và nhanh chóng cho người bệnh: siêu âm tim doppler màu, siêu âm tim qua đường thực quản, điện tâm đồ, holter điện tim…
- Phác đồ điều trị rung nhĩ cá thể hóa theo Hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Nhịp tim châu Âu, chỉ định can thiệp phù hợp với từng bệnh nhân và phối hợp liên chuyên khoa nhằm mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh.
- Hệ thống lập bản đồ điện sinh lý 3D Ensite X thế hệ mới nhất từ Abbott, đầu tiên tại Việt Nam giúp can thiệp triệt đốt chính xác, giảm nguy cơ biến chứng.
Để được tư vấn về bệnh lý rung nhĩ hoặc đặt lịch khám với các bác sĩ giàu kinh nghiệm của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.