Hiện tượng băng huyết sau khi sinh là gì?
Băng huyết sau sinh, hay còn được gọi là xuất huyết sau sinh, là tình trạng mất máu quá mức xảy ra sau khi sinh con. Tình trạng băng huyết sau sinh xuất hiện nếu sản phụ bị mất 500ml đối với sinh thường hoặc trên 1.000ml đối với sinh mổ.
Băng huyết sau sinh là một biến chứng sản khoa nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời và hiệu quả.Dựa vào thời điểm xảy ra băng huyết, có thể chia thành 2 tình trạng chính là băng huyết nguyên phát và băng huyết thứ phát. Trong đó, băng huyết thứ phát là hiện tượng mà nhiều sản phụ sau sinh gặp phải.
Băng huyết nguyên phát là tình trạng chảy máu xuất hiện ngay trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh. Mặt khác, băng huyết thứ phát là tình trạng chảy máu xảy ra từ 24 giờ đến 12 tuần hoặc lâu hơn sau sinh. Dạng băng huyết này kéo dài hơn so với băng huyết nguyên phát. Nếu chảy máu kéo dài sau 1 tháng hoặc 2-3 tháng, đó là vấn đề cần lưu ý.
Nguyên nhân gây ra băng huyết ở phụ nữ sau sinh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng băng huyết sau khi sinh, trong đó phổ biến thường là do đờ tử cung, tổn thương đường sinh dục, huyết khối hoặc bất thường về bánh nhau.
Đờ tử cung
Đờ tử cung là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến băng huyết sau sinh, là tình trạng tử cung không có khả năng co bóp để ngừng chảy máu.
Thông thường, sau khi sinh, tử cung cần phải co lại để ngừng chảy máu từ các mạch máu đã cắt đứt khi nhau thai bong ra. Tuy nhiên, trong trường hợp đờ tử cung, cơ tử cung không thực hiện được chức năng co bóp này, dẫn đến hiện tượng chảy máu liên tục và có thể gây băng huyết nghiêm trọng.
Đường sinh dục bị tổn thương
Tổn thương đường sinh dục cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến băng huyết sau sinh. Các tổn thương này có thể xảy ra tại các vị trí như tử cung, cổ tử cung, âm đạo và tầng sinh môn.
Những tổn thương này đôi khi không dễ dàng nhận thấy ngay sau khi sinh, nhưng nếu không được xử lý kịp thời, chúng có thể gây ra tình trạng xuất huyết kéo dài. Nguyên nhân có thể do sinh con quá nhanh, quá mạnh hoặc sự can thiệp y tế không đúng cách trong quá trình sinh. Các vết rách hoặc rạch tầng sinh môn, đặc biệt khi không được khâu chính xác, cũng có thể góp phần vào tình trạng băng huyết.
Huyết khối
Rối loạn đông máu, khi cơ thể không thể hình thành cục máu đông để ngừng chảy máu, có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết kéo dài. Các yếu tố nguy cơ của huyết khối bao gồm béo phì, nhiễm trùng khi mang thai, tiền sử chảy máu trước khi sinh và các bệnh lý tim mạch. Những rối loạn này làm giảm khả năng đông máu, khiến sản phụ dễ dàng bị chảy máu trong và sau sinh.
Bánh nhau bất thường
Các trường hợp bất thường như nhau bám thấp, nhau cài răng lược hoặc nhau tiền đạo có thể gây ra tình trạng chảy máu nghiêm trọng trong và sau khi sinh.
Nhau bám thấp và nhau tiền đạo gây ra tình trạng bong nhau không hoàn toàn sau khi sinh, trong khi nhau cài răng lược có thể bám quá sâu vào cơ tử cung và gây tổn thương cho các mạch máu, dẫn đến tình trạng xuất huyết mạnh. Ngoài ra, nếu bánh nhau có diện tích quá lớn, khi bong ra sẽ tạo ra một diện tích rộng với nhiều mạch máu bị vỡ, gây mất máu nhiều và tăng nguy cơ băng huyết sau sinh.
Top 7 dấu hiệu băng huyết cần chú ý
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi sản phụ bị băng huyết sau sinh là lượng máu ra nhiều không kiểm soát. Ngoài ra, mẹ cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác như tụt huyết áp, tăng nhịp tim hay khát nước.
1. Chảy máu không kiểm soát
Một trong những dấu hiệu rõ ràng và dễ nhận diện nhất của băng huyết là tình trạng chảy máu không kiểm soát sau khi em bé được sinh ra và nhau thai được tống xuất. Sự chảy máu này có thể thay đổi về mức độ, có thể là lượng máu ít hoặc nhiều. Máu có thể có màu đỏ tươi hoặc đỏ bầm, tùy thuộc vào độ mới hay cũ của máu. Chảy máu có thể loãng hoặc có cục máu đông.
Đặc biệt, nếu máu không được tống ra ngoài một cách hiệu quả và ứ lại trong buồng tử cung, tử cung sẽ bị giãn ra, khiến đáy tử cung cao dần lên và trở nên mềm nhão, không còn khả năng co bóp mạnh mẽ để ngừng chảy máu. Đây là dấu hiệu nghiêm trọng của băng huyết và cần can thiệp y tế ngay lập tức.
2. Huyết áp giảm nhanh
Khi lượng máu trong cơ thể giảm nhanh chóng, huyết áp của sản phụ có thể giảm mạnh. Tình trạng huyết áp thấp này có thể dẫn đến choáng váng, mệt mỏi, và trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây ngất xỉu.
Đồng thời, da của sản phụ sẽ trở nên xanh xao và lạnh, không còn giữ được độ hồng hào bình thường do thiếu máu cung cấp oxy. Da có thể trở nên nhợt nhạt, lạnh và ẩm ướt, đây là một dấu hiệu của tình trạng sốc mất máu cần được xử lý ngay.
3. Nhịp tim nhanh
Để bù đắp cho sự thiếu hụt lượng máu, tim sẽ phải tăng cường hoạt động, dẫn đến nhịp tim nhanh hoặc không đều. Nhịp tim tăng nhanh là một phản ứng của cơ thể nhằm duy trì lưu lượng máu và oxy đến các cơ quan quan trọng, đặc biệt là não và tim. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài và không được điều trị, sẽ dẫn đến sự suy yếu của cơ thể và làm tăng nguy cơ các biến chứng nguy hiểm.
4. Khát nước
Khi cơ thể mất nhiều máu, sản phụ có thể cảm thấy khát nước dữ dội. Tình trạng này xảy ra do sự thiếu hụt thể tích máu, khiến cơ thể cần được bù đắp bằng lượng nước và dịch truyền vào cơ thể. Cảm giác khát nước là dấu hiệu của sự mất nước trong cơ thể, và trong những tình huống này, cần phải cung cấp dịch và truyền dịch đầy đủ để duy trì sự ổn định trong cơ thể.
5. Chỉ số hồng cầu giảm
Băng huyết làm giảm lượng hồng cầu trong cơ thể, khiến khả năng mang oxy và các dưỡng chất của máu bị suy giảm. Kết quả là chỉ số hồng cầu trong máu sẽ giảm xuống, gây thiếu máu. Việc đo và kiểm tra chỉ số hồng cầu là một phương pháp quan trọng để xác định mức độ mất máu và tình trạng thiếu oxy trong cơ thể, từ đó giúp bác sĩ đưa ra các quyết định điều trị chính xác.
6. Sưng đau ở âm đạo và khu vực xung quanh
Sau sinh, vùng âm đạo và các cơ quan xung quanh có thể bị sưng tấy do quá trình sinh đẻ. Tuy nhiên, nếu tình trạng sưng đau kéo dài và không giảm, kèm theo dấu hiệu đau dữ dội, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng băng huyết do các tổn thương trong quá trình sinh đẻ hoặc nhiễm trùng.
7. Không thấy sự xuất hiện của khối cầu an toàn trên xương vệ
Khối cầu an toàn là một dấu hiệu cho thấy tử cung của sản phụ đã co lại và ngừng chảy máu. Tuy nhiên, nếu không thấy khối cầu an toàn xuất hiện trên xương vệ, có thể là dấu hiệu của việc tử cung không co thắt đúng cách, dẫn đến băng huyết sau sinh.
Tùy vào mức độ mất máu và hiệu quả cấp cứu mà khả năng gặp biến chứng của sản phụ sẽ khác nhau. Nếu không được can thiệp kịp thời và hiệu quả, tình trạng này có thể gây ra sốc do thiếu máu, suy thận, suy đa cơ quan, đến nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, băng huyết sau sinh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhiễm trùng hậu sản, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của sản phụ.
Về lâu dài, các biến chứng từ băng huyết sau sinh có thể bao gồm viêm tắc tĩnh mạch, tình trạng thiếu máu kéo dài, và hội chứng Sheehan do tổn thương tuyến yên. Những biến chứng này có thể dẫn đến hậu quả như mất khả năng sinh sản hoặc trường hợp nghiêm trọng hơn là phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
Các hậu quả này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn có tác động sâu sắc đến cuộc sống tinh thần và chất lượng sống của sản phụ sau sinh. Chính vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu nghiêm trọng để xử lý kịp thời các cơ sở y tế có ý nghĩa rất quan trọng.
Sản phụ cần làm gì để phòng tránh băng huyết sau sinh?
Để phòng ngừa băng huyết sau sinh, thai phụ cần khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Việc thực hiện các xét nghiệm và siêu âm giúp phát hiện sớm các dị tật thai và bất thường sức khỏe của mẹ.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý cũng là những yếu tố không thể thiếu. Mẹ có thể bổ sung thêm sắt và acid folic theo hướng dẫn của bác sĩ là cách quan trọng để ngăn ngừa thiếu máu. Điều này giúp giảm nguy cơ băng huyết sau sinh và duy trì sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
Đặc biệt, khi có dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra máu hoặc nước âm đạo, thai máy yếu, sản phụ cần đến ngay cơ sở y tế. Việc phát hiện sớm và xử lý kịp thời có thể ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Mang thai và sinh con luôn là một quá trình đầy thử thách đối với phụ nữ. Để đảm bảo sức khỏe, mẹ nên thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín.
Mẹ có thể tham khảo Chương trình thai sản của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, được thiết kế theo lộ trình thăm khám khoa học từ trước, trong, đến sau khi sinh. Đồng hành với mẹ là đội ngũ bác sĩ sản phụ khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao. Nhờ vậy, mẹ có thể yên tâm có một thai kỳ khỏe mạnh và một kỳ chuyển dạ an toàn.
Lưu ý: Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, tra cứu, không thay thế cho ý kiến thăm khám và chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa. Sản phụ không nên tự ý điều trị tại nhà mà cần đi khám tại các cơ sở y tế uy tín và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.Hiện tượng băng huyết sau khi sinh là một biến chứng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của sản phụ.
Việc nhận diện sớm các dấu hiệu và can thiệp kịp thời là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự an toàn cho sản phụ. Nếu còn thông tin y khoa liên quan nào cần giải đáp, hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ.