Bị trĩ sau sinh có tự khỏi được không?
Trong trường hợp bị trĩ ở mức độ nhẹ, bạn có thể tự khỏi. Tuy nhiên nếu tình trạng nặng thì bạn có thể cần đến những can thiệp y tế. Nếu bị trĩ nhẹ sau sinh, mẹ có thể điều chỉnh lại chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt.Tình trạng có thể được cải thiện trong vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, tình trạng này có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, cần phải can thiệp phẫu thuật. Một số biến chứng thường gặp bao gồm:
- Sa nghẹt búi trĩ: Đây là biến chứng phổ biến nhất, xảy ra khi búi trĩ phát triển quá lớn, gây áp lực lên các cơ vòng và làm tắc nghẽn lưu thông máu. Người mắc phải tình trạng này thường cảm thấy đau khi chạm vào búi trĩ và gặp khó khăn khi đại tiện.
- Rối loạn chức năng hậu môn: Khi búi trĩ ngày càng lớn, nó sẽ chèn ép lên các cơ quan xung quanh, làm ảnh hưởng đến khả năng co thắt của hậu môn và gây khó khăn trong việc tống các chất thải ra ngoài cơ thể.
- Thiếu máu: Đây là biến chứng nghiêm trọng khi bệnh trĩ đã ở giai đoạn nặng và có hiện tượng chảy máu kéo dài.
- Viêm nhiễm hoặc hoại tử búi trĩ: Viêm nhiễm xảy ra khi các búi trĩ tiết dịch liên tục ra ngoài, kết hợp với quá trình bài tiết chất cặn bã, dẫn đến viêm nhiễm. Nếu không được điều trị sớm, viêm nhiễm có thể làm các búi trĩ loét, thậm chí gây hoại tử.
- Các bệnh phụ khoa: Do vị trí gần nhau của hậu môn và âm đạo, vi khuẩn từ hậu môn dễ dàng lây lan sang âm đạo, gây ra các bệnh lý phụ khoa.
Nguyên nhân bị trĩ ở sản phụ sau sinh
Tình trạng trĩ sau khi sinh thường xuất phát từ một số nguyên nhân như do rặn khi sinh nở, táo bón hay do đã có tiền sử bị trĩ trước đó.
Dưới đây là một số lý do chính khiến phụ nữ bị trĩ sau khi sinh con:
Rặn nhiều khi sinh
Trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, nếu sản phụ rặn quá mạnh hoặc không đúng cách, tử cung mở rộng sẽ tạo áp lực lớn lên khoang chậu, làm máu dồn vào khu vực hậu môn, khiến các búi trĩ sa ra ngoài.
Táo bón
Có nhiều nguyên nhân gây táo bón cho phụ nữ mang thai và sau sinh. Một số yếu tố như ngồi hoặc nằm lâu, làm chậm quá trình di chuyển của phân trong ruột, dẫn đến tái hấp thụ nước quá nhiều và gây táo bón. Chế độ ăn uống thiếu rau xanh, ít nước, hoặc việc bổ sung canxi quá mức cũng có thể góp phần gây táo bón. Táo bón kéo dài là yếu tố làm tăng nguy cơ bị trĩ.
Trọng lượng thai nhi
Thai nhi lớn tạo áp lực lên vùng trực tràng và hậu môn, khiến các tĩnh mạch bị nén lại, cản trở quá trình lưu thông máu, gây phình tĩnh mạch và hình thành trĩ.
Tiền sử bị trĩ
Những phụ nữ đã từng mắc bệnh trĩ trước khi mang thai thường gặp phải tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn sau khi sinh, với các triệu chứng như chảy máu, thuyên tắc búi trĩ và viêm nhiễm. Ngoài ra, sự gia tăng nồng độ progesterone trong thời gian mang thai làm giãn tĩnh mạch, khiến máu dồn lại và dễ dẫn đến tái phát bệnh trĩ.
Dấu hiệu nhận biết khi bị trĩ sau sinh
Các dấu hiệu của bệnh trĩ sau sinh có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ của nghiêm trọng, nhưng nhìn chung, những triệu chứng phổ biến thường gặp bao gồm:
Đi ngoài ra máu
Ở giai đoạn đầu, tình trạng đi đại tiện ra máu thường xảy ra ít và máu chảy không nhiều. Người bệnh chỉ có thể nhận biết khi nhìn vào giấy vệ sinh hoặc thấy tia máu trong phân. Khi bệnh tiến triển, tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn, tần suất và lượng máu tăng dần.
Đôi khi, người bệnh có thể cảm nhận rõ máu chảy ra. Trong một số trường hợp, máu có thể đông lại thành cục trong trực tràng, gây ra tình trạng đại tiện có cục máu đông.
Đau và sưng hậu môn
Khi búi trĩ bị tắc mạch hoặc sa xuống, có thể gây ra tình trạng sưng và đau đớn tại hậu môn. Cơn đau thường rất dữ dội, khiến người bệnh khó có thể ngồi, di chuyển hoặc thực hiện các hoạt động bình thường. Một số người còn cho biết mức độ đau có thể tồi tệ hơn cả khi sinh.
Ngứa hậu môn
Ngứa ở vùng hậu môn là một trong những dấu hiệu thường gặp của bệnh trĩ sau sinh. Cảm giác ngứa và khó chịu khiến người bệnh cảm thấy thiếu tự tin, đặc biệt là khi gặp gỡ người khác.
Sa búi trĩ sau khi sinh
Ở giai đoạn nhẹ (độ 1 và 2), bệnh trĩ sau sinh thường ít ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, khi bệnh trở nên nghiêm trọng (từ độ 3 trở lên), tình trạng sa búi trĩ sẽ xuất hiện, khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu, đặc biệt khi ngồi, đi lại hoặc mang vác đồ nặng.
Nứt và rát hậu môn
Khi bệnh kéo dài mà không được điều trị, vùng hậu môn có thể bị nứt và gây cảm giác rát, khó chịu. Đồng thời, tình trạng này cũng làm tăng khả năng chảy máu mỗi khi đi vệ sinh.
Ngoài các dấu hiệu đã kể trên, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng khác như: tiết dịch nhầy ở khu vực hậu môn, xuất hiện các cục u mềm gần hậu môn, viêm da quanh hậu môn, viêm trực tràng, mệt mỏi và suy nhược cơ thể do mất máu.
Sản phụ nên làm gì khi bị trĩ hậu sản?
Khi phát hiện bị trĩ sau sinh phải làm sao? Bạn nên thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa, đồng thời thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn để cải thiện tình trạng.
Thăm khám bác sĩ chuyên khoa
Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của trĩ, sản phụ nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để xác định tình trạng cụ thể. Bác sĩ sẽ tiến hành khám và có thể yêu cầu một số xét nghiệm để loại trừ các vấn đề nghiêm trọng khác. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với mức độ bệnh.
Duy trì chế độ ăn uống hợp lý
Một trong những nguyên nhân gây ra trĩ là táo bón, do đó chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ sau sinh cần được quan tâm đặc biệt để tránh tình trạng này. Thực phẩm giàu chất xơ như rau củ, quả, ngũ cốc nguyên hạt và nước uống đủ sẽ giúp cải thiện quá trình tiêu hóa và làm mềm phân. Sản phụ cũng cần hạn chế các thực phẩm có thể gây táo bón, chẳng hạn như thực phẩm chứa nhiều chất béo, thực phẩm chế biến sẵn và đồ ngọt.
Tăng cường vận động nhẹ nhàng
Vận động nhẹ nhàng như đi bộ có thể giúp cải thiện lưu thông máu và giảm bớt áp lực lên vùng hậu môn. Tuy nhiên, sản phụ cần tránh các hoạt động thể chất nặng nhọc, đặc biệt là trong giai đoạn hồi phục sau sinh. Vận động nhẹ sẽ giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng và ngăn ngừa tình trạng trĩ phát triển nặng hơn.
Tắm nước ấm và vệ sinh vùng hậu môn đúng cách
Vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ và đúng cách rất quan trọng trong việc giảm đau và ngứa ngáy do trĩ. Sản phụ có thể sử dụng nước ấm để tắm vùng hậu môn hoặc sử dụng bồn tắm ngồi với nước ấm. Nước ấm giúp làm dịu cơn đau, đồng thời giảm sưng viêm và ngứa. Sau khi tắm, sản phụ nên lau khô bằng khăn mềm và nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương cho vùng da nhạy cảm.
Để đảm bảo sức khỏe trước, trong và sau khi sinh, mẹ bầu nên thực hiện thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế đáng tin cậy. Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội tự hào sở hữu đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, cùng hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế hiện đại, trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều phụ nữ.
Bạn có thể tìm hiểu Chương trình thai sản được bệnh viện cung cấp, với lộ trình thăm khám khoa học dành cho phụ nữ suốt quá trình trước khi mang thai đến sau khi sinh, đảm bảo cho mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và một kỳ chuyển dạ an toàn.
Lưu ý: Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, bạn không nên thực hiện theo khi chưa có chỉ định từ bác sĩ. Khi nhận thấy dấu hiệu bất thường về sức khỏe, nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để có hướng xử lý phù hợp và an toàn.
Hy vọng qua bài viết trên bạn đã có câu trả lời cho thắc mắc bị trĩ sau sinh có tự khỏi không. Tùy vào mức độ bị nhẹ hay nặng mà sẽ có biện pháp phù hợp. Điều quan trọng là cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho cả mẹ và bé.