Những chấn thương như bong gân, căng cơ, rách cơ hoặc dây chằng, nếu không được xử lý đúng cách, có thể gây đau đớn và tổn thương lâu dài. Bên cạnh quá trình điều trị và chăm sóc của đội ngũ y tế, người bệnh cũng cần lưu ý một số thông tin hữu ích để giảm đau và rút ngắn thời gian phục hồi.
Với mong muốn giúp người bệnh xử lý chấn thương phần mềm tốt hơn, các bác sĩ đã đưa ra những cụm viết tắt đơn giản, dễ nhớ. PEACE và LOVE là 2 trong số đó.
Ngay sau khi bị chấn thương phần mềm, trong khi chờ được thăm khám và điều trị bởi bác sĩ có chuyên môn, bạn có thể làm theo nguyên tắc PEACE với những bước đơn giản dưới đây. Những bước này có thể áp dụng trong thời gian vài phút, vài giờ đến vài ngày đầu sau chấn thương.
P – Protection (Bảo vệ): Hạn chế cử động vùng bị thương. Tuy nhiên, không nên bất động hoàn toàn vì cơ thể cần có sự vận động nhẹ để kích hoạt quá trình tái tạo và phục hồi. Việc bất động quá lâu sẽ cản trở quá trình này.
E – Elevation (Kê cao): Nếu có thể, hãy kê vùng bị thương cao hơn tim để giảm tích tụ dịch mô tại vị trí chấn thương.
A – Avoid Anti-inflammatories (Tránh thuốc chống viêm): Việc can thiệp vào phản ứng tự nhiên của cơ thể (kể cả chườm lạnh) có thể làm gián đoạn quá trình hồi phục. Hãy tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ.
C – Compression (Băng ép): Dùng băng ép giúp giảm chảy máu bên trong, tuy nhiên vẫn nên duy trì chuyển động nhẹ ở khớp nếu có thể.
E – Education (Hiểu biết): Tìm hiểu về chấn thương của bạn, lắng nghe lời khuyên từ bác sĩ và đặt câu hỏi, đặt ra mục tiêu hồi phục phù hợp và chuẩn bị tâm lý để đối mặt với cơn đau. Bạn càng hiểu rõ, bạn càng vững vàng.
Khi đã có kế hoạch điều trị cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa hoặc nhóm bác sĩ liên chuyên khoa (có thể bao gồm bác sĩ vật lý trị liệu, phẫu thuật chỉnh hình, chuyên gia chấn thương chỉnh hình và các chuyên khoa liên quan), việc quan trọng tiếp theo là kiểm soát quá trình hồi phục, tránh tái phát hoặc cản trở cơ chế tự phục hồi của cơ thể. Đó là lúc chúng ta cần đến LOVE:
L – Load (Tác động lực): Các mô cần được tiếp xúc với lực cản để kích hoạt lại chức năng, tuy nhiên mức độ phù hợp cần được xác định kỹ lưỡng, có thể với sự hỗ trợ từ chuyên gia.
O – Optimism (Lạc quan): Tâm lý đóng vai trò lớn trong hồi phục. Hãy vượt qua nỗi sợ và cảm giác chán nản do đau đớn bằng sự giúp đỡ từ người thân và sự tin tưởng vào bản thân cũng như kết quả bạn mong muốn.
V – Vascularisation (Tăng tuần hoàn): Máu lưu thông tốt là yếu tố then chốt để hồi phục. Tập các bài cardio nhẹ nhàng cho các vùng khác của cơ thể không chỉ giúp tăng tuần hoàn mà còn nâng cao tinh thần.
E – Exercise (Tập luyện): Khi cơ thể dần hồi phục, bạn cần khôi phục khả năng vận động, sức mạnh và độ linh hoạt. Cảm giác đau và sức chịu đựng của bạn chính là thước đo cho những gì bạn có thể thực hiện. Hãy theo dõi các mốc tiến bộ để tăng thêm động lực.
Như vậy, hai nhóm nguyên tắc PEACE và LOVE chính là kim chỉ nam cho hành trình hồi phục. Những hướng dẫn này ban đầu được áp dụng trong điều trị chấn thương thể thao mức độ cao, tuy nhiên, hiện nay phương pháp này đã được áp dụng cho nhiều loại chấn thương cơ xương khớp hơn, giúp đơn giản hóa quá trình điều trị ngay từ lúc chấn thương xảy ra cho đến khi người bệnh hồi phục hoàn toàn.
Để biết thêm thông tin hoặc đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa tại HFH, vui lòng liên hệ qua HOTLINE 024.35771100, inbox fanpage “Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội” hoặc Zalo OA zalo.me/2008009049335817955.