Knowledge - T5, 12/05/2024 - 10:02
NGOẠI TÂM THU: RỐI LOẠN NHỊP TIM PHỔ BIẾN NHẤT
Lần cập nhật cuối 12/05/2024 - 10:03
Ngoại tâm thu là tình trạng xuất hiện các ổ phát nhịp ngoại lai ở tâm thất hoặc tâm nhĩ. Bệnh có thể tiến triển nặng dẫn đến suy tim nếu không được điều trị sớm và hiệu quả.
Ngoại tâm thu là một trong 4 rối loạn nhịp tim phổ biến nhất, có thể tiến triển nặng dẫn đến suy tim nếu không được điều trị sớm và hiệu quả.
Ngoại tâm thu là gì? Gồm những loại nào?
Ngoại tâm thu là tình trạng xuất hiện các ổ phát nhịp ngoại lai ở tâm thất hoặc tâm nhĩ. Các ổ này phát ra xung nhịp cạnh tranh với với ổ chủ nhịp, tạo ra các nhịp tim ngoại lai. Các nhịp ngoại lai này đến sớm tạo các nhát bóp sớm xuất hiện đơn độc hoặc báo hiệu một chuỗi nhịp nhanh sau đó, rồi nối tiếp bằng khoảng nghỉ bù.
Ngoại tâm thu có thể được gọi tên theo số nhịp bất thường và tần suất xuất hiện:
- Ngoại tâm thu nhịp đôi: một ngoại tâm thu đi kèm một nhát xoang bình thường rồi lại đến một ngoại tâm thu.
- Ngoại tâm thu nhịp ba: sau mỗi ngoại tâm thu sẽ là 2 nhát xoang
- Ngoại tâm thu cặp: hai ngoại tâm thu đi liên tiếp
- Ngoại tâm thu chuỗi (theo cơn): trên 3 ngoại tâm thu đi liền nhau.
Dựa trên vị trí xuất hiện các ổ phát nhịp ngoại lai, ngoại tâm thu được phân loại thành ngoại tâm thu thất và ngoại tâm thu nhĩ.
Ngoại tâm thu thất là loại rối loạn nhịp tim nguy hiểm khi tâm thất tự động phát nhịp sớm hơn nhịp bình thường-vốn truyền từ tâm nhĩ xuống qua nút nhĩ thất. Ngoại tâm thu thất có thể tăng lên khi người bệnh sử dụng chất kích thích, thiếu oxy máu hoặc có bất thường về điện giải.
Ngoại tâm thu thất trái nguy hiểm hơn nếu đi kèm bệnh tim thực thể. Ngoại tâm thu thất phải thường gặp ở những bệnh nhân không có bệnh nền tim mạch.
Ngoại tâm thu nhĩ là rối loạn nhịp tim liên quan đến việc xuất hiện các xung điện ở tâm nhĩ, tạo ra các nhát bóp sớm hơn so với nhát bóp tạo ra bởi nhịp xoang bình thường. Ngoại tâm thu nhĩ có thể dẫn truyền từ tâm nhĩ xuống tâm thất như nhịp tim bình thường nhưng cũng có trường hợp dẫn truyền lệch hướng hoặc không dẫn do nhịp ngoại lai xuất hiện quá sớm khi nút nhĩ thất còn trong thời kỳ trơ.
Ngoại tâm thu biểu hiện như thế nào? Có nguy hiểm không?
Ngoại tâm thu có thể gặp ở cả người khỏe mạnh. Khi đó, ngoại tâm thu xuất hiện ít, thưa thớt nên không biểu hiện cụ thể. Trường hợp này thường gặp ở những người trẻ hoặc không có bất kỳ bệnh lý tim mạch nào. Bệnh nhân thường phát hiện ra ngoại tâm thu qua khám sức khỏe tổng quát hoặc thăm khám bệnh lý khác.
Khi ngoại tâm thu xuất hiện thường xuyên hơn, người bệnh thường xuất hiện cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, mệt mỏi, khó thở. Ở giai đoạn nặng, đặc biệt ở người bệnh ngoại tâm thu có bệnh cơ tim, khi tần suất ngoại tâm thu dày hơn, người bệnh ngoại tâm thu thất có thể thấy cảm giác hụt hơi, nghẹn ở họng, chóng mặt, đau ngực, thậm chí ngất xỉu.
Khi bệnh tiến triển nặng, tim co bóp không đều, giảm dòng chảy tưới máu mạch vành dẫn đến suy tim, tăng nguy cơ đột tử. Do đó ngay khi có các triệu chứng bất thường, người bệnh cần được thăm khám chuyên khoa để kịp thời điều trị.
Nguyên nhân gây ngoại tâm thu
Ngoại tâm thu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính. Đa số những trường hợp ngoại tâm thu xuất hiện thưa thớt, nguyên nhân không thể được xác định chính xác. Trong những trường hợp nặng hơn, nguyên nhân có thể do sử dụng chất kích thích, lạm dụng rượu bia, lo lắng quá mức, các bệnh lý cơ tim, cường giáp…
Chẩn đoán ngoại tâm thu
Ngoại tâm thu có thể được chẩn đoán qua cận lâm sàng đơn giản. Một lần đọc điện tâm đồ đủ để bác sĩ phát hiện những bất thường của bệnh nhân. Trong một số trường hợp chưa thể kết luận về mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân đeo máy đo điện tâm đồ Holter trong 24 giờ liên tục để theo dõi nhịp tim của bệnh nhân trong suốt quá trình sinh hoạt và nghỉ ngơi.
Nghiệm pháp gắng sức có thể được cân nhắc thêm để phát hiện các bất thường chỉ xuất hiện khi bệnh nhân hoạt động gắng sức.
Ngoại tâm thu được điều trị như thế nào?
Ở người khỏe mạnh, không có bệnh lý tim mạch, ngoại tâm thu thường không cần điều trị vì đây là các trường hợp lành tính, không gây ra triệu chứng khó chịu.
Những bệnh nhân có triệu chứng lo âu quá mức sẽ được cân nhắc chỉ định thuốc chẹn beta hoặc thuốc chống trầm cảm, rối loạn lo âu. Để đảm bảo sức khỏe tim mạch, mọi người cần giảm các yếu tố tác động liên quan đến tâm lý như căng thẳng, lo lắng, mất ngủ và hạn chế sử dụng chất kích thích.
Ở những bệnh nhân có bệnh cơ tim, bệnh tim tiềm ẩn, bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra phác đồ phù hợp nhất. Tùy theo tình trạng triệu chứng, số lượng và tần suất ngoại tâm thu, bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc điều trị bằng thủ thuật, một số rất ít trường hợp cần đến phẫu thuật.
Các thuốc được sử dụng thường là thuốc chống loạn nhịp, thuốc chẹn beta, chẹn kênh canxi hoặc amiodarone. Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh các tác dụng phụ của thuốc.
Thủ thuật can thiệp, tiêu biểu là triệt đốt qua ống thông sử dụng năng lượng cao tần, được cân nhắc khi bệnh nhân điều trị bằng thuốc không còn hiệu quả hoặc bệnh nhân muốn điều trị dứt điểm. Một số trường hợp, triệt đốt được chỉ định ngay từ đầu.
Trong quá trình triệt đốt qua ống thông điều trị ngoại tâm thu, điện cực đốt sẽ được đặt vào đúng vị trí ổ ngoại vi sau khi các ổ này được xác định vị trí nhờ điện thế hoạt hóa nội mạc sớm nhất hoặc phương pháp tạo nhịp (pace mapping). Các hệ thống lập bản đồ tim 3D tiên tiến ngày càng hỗ trợ bác sĩ tối đa trong xác định vị trí can thiệp, nâng cao hiệu quả điều trị khỏi hoàn toàn.
Bên cạnh đó, người bệnh cần điều chỉnh lối sống, chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên để đảm bảo hiệu quả điều trị và sức khỏe tim mạch.
Điều trị ngoại tâm thu tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội
Tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, người bệnh sẽ được thăm khám và điều trị hiệu quả bởi đội ngũ chuyên gia tim mạch chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm:
- Chuyên gia người Pháp: TS. BS. Alain Lebon - tiến sĩ y khoa chuyên ngành Tim - Mạch và điện sinh lý được chứng nhận bởi Hiệp hội Nhịp tim Châu Âu, hơn 20 năm kinh nghiệm điều trị bệnh lý tim mạch và nhịp tim tại Pháp;
- Bác sĩ chuyên khoa tim mạch người Việt: TS. BS. Ngô Chí Hiếu - tiến sĩ nội tim mạch, hơn 26 năm kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu về cấp cứu và hồi sức tim mạch; BSCKII. Phạm Thu Thủy được đào tạo nâng cao tại Đại học Paris 6 (Pháp), từng công tác tại các bệnh viện uy tín tại Pháp
Được đầu tư đồng bộ cả về đội ngũ chuyên môn và hệ thống thiết bị tiên tiến, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đã và đang là địa chỉ uy tín trong tầm soát và điều trị bệnh lý rối loạn nhịp tim:
- Đầy đủ thiết bị thực hiện các cận lâm sàng quan trọng trong chẩn đoán: siêu âm tim doppler màu, siêu âm tim qua đường thực quản, điện tâm đồ, điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức, holter điện tim, chụp mạch vành…
- Hệ thống lập bản đồ tim 3D Abbott EnSite X EP System thế hệ mới nhất - đầu tiên tại Việt Nam, giúp bác sĩ quan sát rõ ràng vị trí can thiệp, giảm tổn thương và tăng tỷ lệ thành công
- Hệ thống phòng chụp mạch vành, can thiệp số hóa DSA hiện đại, tuân thủ quy định nghiêm ngặt về phòng chống nhiễm khuẩn
- Các gói khám tầm soát tim mạch toàn diện đáp ứng nhu cầu phát hiện sớm nguy cơ tim mạch tiềm ẩn, chương trình đánh giá tim mạch cho người chơi thể thao…
Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa của HFH, vui lòng liên hệ qua HOTLINE 024.35771100, INBOX Fanpage “Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội” hoặc Zalo OA zalo.me/2008009049335817955