Skip to content
Kiến thức - Tháng 5 27, 2025

Nguyên nhân, chẩn đoán và cách xử lý khi trẻ đầy bụng buồn nôn

Cập nhật lần cuối: Tháng 6 22, 2025

Trẻ bị đầy bụng buồn nôn có thể do rối loạn tiêu hóa, ăn quá nhanh, không hợp thức ăn hoặc nhiễm siêu vi. Việc chẩn đoán dựa trên triệu chứng, thói quen ăn uống và kiểm tra bụng.

Dấu hiệu trẻ bị đầy bụng buồn nôn cần chú ý

Tình trạng đầy hơi xảy ra khi dạ dày và ruột của trẻ bị tích tụ khí, đôi còn gây cảm giác căng tức khó chịu. Hiện tượng này có thể xuất hiện ở cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ngoài ra, để có phương pháp xử lý hiệu quả, cha mẹ cần phân biệt được giữa hai hiện tượng nôn và trớ.

Trớ

Trớ là một hiện tượng sinh lý bình thường, xảy ra khi thức ăn hoặc dịch dạ dày trào ngược lên miệng hoặc mũi mà không có sự can thiệp của các cơ bụng. Đây là một hiện tượng tự nhiên, không có dấu hiệu cảnh báo trước và thường gặp ở trẻ dưới 4 tháng tuổi, sau đó sẽ giảm dần.

Nôn

Nôn là một hiện tượng bệnh lý, có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào của trẻ. Nôn thường đi kèm với sự co thắt của các cơ bụng và sẽ có dấu hiệu báo trước. Lượng nôn ra ngoài cũng thường nhiều hơn so với trớ.

Khi bị đầy bụng kèm theo nôn trớ, trẻ có thể gặp thêm các triệu chứng ợ hơi, ợ chua ợ nóng, đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Nếu tình trạng này kéo dài, sức khỏe của bé có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nguyên nhân khiến bé bị đầy bụng buồn nôn

Có nhiều yếu tố khác nhau có thể gây ra tình trạng đầy bụng và buồn nôn ở trẻ, trong đó phổ biến có thể kể đến như:

  • Trẻ bú quá nhiều khiến dạ dày bị quá tải, từ đó gây ra hiện tượng nôn trớ.
  • Trẻ bú sai cách hoặc ngậm vú không đúng, dẫn đến nuốt phải khí, gây ra đầy hơi và nôn trớ.
  • Dị ứng với protein có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức, thường xảy ra vài giờ sau khi trẻ bú và gây ra các triệu chứng như đầy bụng, đau bụng, nôn và phù nề quanh miệng.
  • Cho bé bú hoặc ăn bằng dụng cụ không sạch có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của bé.
  • Việc đặt bé nằm ngay sau khi bú no hoặc thắt tã quá chặt cũng có thể gây hiện tượng nôn trớ.
  • Không dung nạp lactose do thiếu hụt enzyme lactase trong ruột non, gây khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn, nôn và tiêu chảy.
  • Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, chế độ ăn của mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến bé. Các thực phẩm chưa được nấu chín kỹ, đậu, bông cải xanh, tỏi, sữa hay đồ uống có ga cũng có thể gây đầy hơi cho bé.
  • Việc sử dụng kháng sinh có thể làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn đến các vấn đề như tiêu chảy, táo bón, đầy bụng và phân không tiêu.
  • Nếu tình trạng đầy bụng và nôn tái diễn thường xuyên, có thể do các bệnh về đường tiêu hóa như viêm ruột, dị tật đường tiêu hóa, tắc nghẽn dạ dày hoặc ruột.

Cách xử lý tình trạng đầy bụng buồn nôn ở trẻ em

Trong khi tình trạng đầy bụng buồn nôn ở người lớn có thể dùng các phương pháp như xoa bụng để giảm đầy hơi hay tăng cường tiêu hóa, việc xử lý cho trẻ nhỏ cần áp dụng một số biện pháp đặc biệt như sau:

Khi trẻ bị nôn trớ

Nếu bé bị nôn, bạn nên đặt trẻ nằm nghiêng về một bên để tránh bị sặc. Dùng khăn lau sạch chất nôn trên miệng và mũi của bé, sau đó vỗ nhẹ vào lưng để giúp bé đẩy hết chất nôn ra ngoài.

Bé bị khó thở hay ngừng thở do sặc sữa

Trong trường hợp bé bị sặc sữa và có dấu hiệu khó thở, cha mẹ nên đặt bé nằm sấp, đầu hơi nghiêng xuống và vỗ mạnh vào lưng bé, tại vùng giữa hai bả vai, từ trên xuống dưới và hướng ra trước. Thực hiện khoảng 5 lần vỗ liên tiếp. Sau đó, nhẹ nhàng lật bé lại để kiểm tra tình trạng.

Nếu không có cải thiện, tiếp tục thực hiện thao tác ấn ngực bằng cách dùng hai ngón trỏ và giữa của bàn tay trái ấn mạnh xuống dưới xương ức, mỗi lần ấn khoảng 5 lần với tốc độ ấn 1 lần/giây.

Bé chỉ bị đầy hơi

Nếu bé chỉ bị đầy hơi, bạn có thể giúp bé ợ hơi để thoát khí. Đặt bé ngồi thẳng trong lòng bạn, hơi cúi người về phía trước, rồi đặt tay lên ngực bé. Tiếp theo, vỗ nhẹ hoặc xoa lưng bé để bé có thể ợ hơi. Ngoài ra, bạn có thể bế bé qua vai, tay một bên ôm mông bé và tay còn lại xoa lưng bé theo chiều kim đồng hồ để giúp bé dễ dàng thải khí ra ngoài.

Phòng ngừa tình trạng đầy bụng buồn nôn ở trẻ

Để giảm thiểu nguy cơ đầy hơi và nôn trớ ở trẻ, cha mẹ cần thực hiện một số biện pháp sau:

  • Trong khoảng 30 phút sau khi bé ăn, dùng đầu ngón tay massage nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ từ rốn của bé ra ngoài. Lưu ý massage cần nhẹ nhàng để tránh tác động quá mạnh lên da của bé.
  • Đảm bảo tất cả các dụng cụ ăn uống của bé luôn sạch sẽ. Mẹ cần rửa tay kỹ càng trước khi cho bé bú sữa hoặc ăn thức ăn dặm.
  • Nếu bé bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu, mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của bản thân. Nên tránh ăn những thực phẩm có thể gây đầy hơi cho bé (các loại đậu, bắp cải, súp lơ,…).
  • Với bé sơ sinh dưới 6 tháng mà không thể bú mẹ hoàn toàn, có thể xem xét bổ sung sữa công thức. Hãy chọn loại sữa dễ tiêu hóa và tham khảo bác sĩ để có lựa chọn phù hợp nhất cho bé.
  • Đối với trẻ trên 1 tuổi và phải sử dụng kháng sinh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thêm men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa. Đồng thời, tìm hiểu thời gian uống men tiêu hóa sao cho đạt hiệu quả tốt nhất để hỗ trợ hệ tiêu hóa.

Đặc biệt lưu ý rằng, dù sử dụng biện pháp nào thị mẹ cũng nên thường xuyên tham khảo ý kiến bác sĩ về các vấn đề liên quan đến sức khỏe và phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ em.

Trẻ bị đầy bụng buồn nôn là tình trạng khá thường gặp trong quá trình phát triển. Bằng những phương pháp đơn giản được thực hiện đúng cách, cha mẹ có thể giúp trẻ vượt qua những khó khăn này dễ dàng hơn. Hãy luôn chú ý lắng nghe và quan sát để hiểu rõ cơ thể của con và để cùng bé trưởng thành khỏe mạnh nhé.

Cấp cứu

(84-24) 3574 1111

Đội ngũ bác sĩ cấp cứu và bác sĩ phẫu thuật được đào tạo nội bộ sẵn sàng 24/7.
Tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp khẩn cấp.

Chatbot