Skip to content
Kiến thức, Thư viện bệnh - Tháng 5 27, 2025

Bại não thể múa vờn có biểu hiện thế nào? Điều trị ra sao?

Cập nhật lần cuối: Tháng 6 23, 2025

Bại não thể múa vờn đặc trưng bởi các cử động không kiểm soát, uốn vặn hoặc giật đột ngột do tổn thương hạch nền não. Trẻ thường gặp khó khăn trong vận động chính xác, nói chuyện và giữ thăng bằng.

Bại não thể múa vờn là gì?

Bại não thể múa vờn, hay thể loạn vận động, là tình trạng lặp đi lặp lại các cử động vặn người không tự chủ. Đây là một trong ba dạng phổ biến của bệnh bại não, bên cạnh bại não thể co cứng và bại não thể thất điều. Trong đó, tỷ lệ nam bị mắc phải cao hơn so với nữ.

Các dấu hiệu cũng thường xuất hiện sớm, từ khoảng 2 tuổi, và ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận cơ thể của trẻ.

Bệnh nhân bị bại não thể thất điều có thể xuất hiện các cử động bất thường ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, gây ra cảm giác mệt mỏi, căng thẳng, đau đớn và khó khăn trong các hoạt động như ngồi, đứng, cầm nắm, thậm chí là giao tiếp. Một số trẻ cũng gặp khó khăn trong việc nghe và điều khiển hơi thở. Tuy nhiên, người bị bệnh này thường không bị ảnh hưởng về mặt trí tuệ.

Bại não thể múa vờn có thể phân biệt với bại não thể co cứng thông qua tình trạng trương lực cơ. Khi so với với bại não thể thất điều, có thể chẩn đoán và phân biệt thông qua khả năng thăng bằng hay khả năng phối hợp vận động giữa các bộ phận.

Bại não thể múa vờn có biểu hiện như thế nào?

Trẻ bị bại não thể múa vờn có một số đặc điểm dễ nhận biết như cử động xoắn, chậm chạp hoặc nhanh ở các bộ phận như bàn tay, cánh tay và bàn chân, nhưng không có mục tiêu rõ ràng. Khi có mục đích, các cử động thường diễn ra quá nhanh và mạnh mẽ. Trẻ gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng và dễ bị ngã.

Rối loạn vận động này thường bắt nguồn từ các tổn thương ở hệ thần kinh trung ương, với các triệu chứng như:

Trương lực cơ thay đổi bất thường

Một trong những biểu hiện điển hình và dễ nhận thấy nhất ở trẻ mắc bại não thể múa vờn là sự thay đổi trương lực cơ. Trương lực cơ của trẻ có thể thay đổi đột ngột, lúc tăng lên quá mức (co cứng cơ) hoặc giảm xuống một cách bất thường (yếu cơ), dẫn đến khó khăn trong việc điều khiển các cử động.

Trẻ có thể gặp phải các tình huống như tay chân bủn rủn, hoặc cơ thể cứng ngắc không thể di chuyển bình thường. Trong một số trường hợp, trẻ có thể thực hiện các hành động với tốc độ quá nhanh hoặc quá chậm. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng lớn đến các hoạt động hàng ngày của trẻ, như đi lại, cầm nắm, hoặc thậm chí là ngồi hay đứng.

Kiểm soát hành động khó khăn

Bại não thể múa vờn gây ra những khó khăn lớn trong việc kiểm soát hành vi và cử động của cơ thể. Trẻ mắc bệnh này thường không thể thực hiện các hành động theo ý muốn hoặc kiểm soát được các cử động của mình.Những hành động không chủ đích, không rõ ràng, như gật gù đầu, cử động các ngón tay, ngón chân, hoặc há mồm liên tục là những dấu hiệu đặc trưng. Trẻ cũng có thể bị chảy nước dãi do khó khăn trong việc kiểm soát các cơ vùng miệng và cơ lưỡi.

Hoạt động thô kém

Hoạt động thô là những vận động có tính chất phối hợp cơ bắp quan trọng, bao gồm việc đi, đứng, chạy, nhảy, hoặc các động tác vận động cơ thể khác. Trẻ bị bại não thể múa vờn thường gặp phải khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động này. Những cử động đơn giản như đi bộ, đứng vững hay chạy sẽ trở nên khó khăn hoặc không thể thực hiện được.

Múa giật

Múa giật là một trong những triệu chứng điển hình của bại não thể múa vờn. Đây là những cử động không kiểm soát, có tính chất xoay tròn hoặc vặn vẹo, làm cho trẻ di chuyển một cách bất thường và không thể kiểm soát.

Tình trạng này xảy ra do tổn thương ở hệ ngoại tháp – một phần của não bộ giúp điều khiển vận động. Khi hệ ngoại tháp bị tổn thương, quá trình điều phối với tiểu não bị gián đoạn, dẫn đến những cử động bất thường như múa giật.

Phản xạ nguyên thủy

Phụ huynh cũng có thể nhận biết dấu hiệu bại não ở trẻ thông qua các phản xạ nguyên thủy. Đây là những phản xạ mà trẻ em thường có ngay từ khi mới sinh ra, nhưng thông thường sẽ mất đi khi trẻ phát triển hơn. Ví dụ, các phản xạ như nuốt, mút tay, hoặc phản xạ giật mình có thể tiếp tục tồn tại và kéo dài lâu hơn bình thường ở trẻ mắc bại não thể múa vờn.

Sự tồn tại lâu dài của các phản xạ nguyên thủy này là do tổn thương ở các vùng não điều khiển các phản xạ tự động này. Điều này cho thấy rằng não bộ của trẻ không thể phát triển và hoàn thiện chức năng điều khiển vận động một cách bình thường.

Rối loạn điều hòa cảm giác

Trẻ mắc bại não thể múa vờn có thể gặp phải tình trạng rối loạn điều hòa cảm giác, dẫn đến phản ứng quá mức hoặc không phản ứng với các kích thích giác quan từ môi trường xung quanh.

Trẻ có thể phản ứng mạnh khi có ai đó chạm vào người hay khi gặp phải một tình huống quen thuộc. Ngược lại, một số trẻ lại hầu như không có biểu hiện gì ngay cả khi gặp tình huống nguy hiểm.

Động kinh, khó nhai nuốt

Bại não thể múa vờn không chỉ ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động mà còn tác động đến các giác quan và hệ thần kinh của trẻ. Trẻ có thể gặp phải các vấn đề như rối loạn nhai nuốt, động kinh, hoặc mất thính lực ở các tần số cao.

Khả năng bị liệt

Trong những trường hợp bại não nghiêm trọng và kéo dài, việc truyền tín hiệu từ não đến các cơ bắp sẽ bị gián đoạn. Điều này khiến các chi của trẻ gặp khó khăn trong việc vận động hoặc thậm chí có thể dẫn đến liệt toàn thân hoặc liệt một phần cơ thể.

Rối loạn dinh dưỡng

Trẻ bị bại não thể múa vờn cũng có thể gặp phải tình trạng rối loạn dinh dưỡng. Tuy không làm teo cơ, nhưng bệnh có thể dẫn đến hiện tượng cơ bắp bị căng cứng hoặc phình to, gây khó khăn trong việc di chuyển hoặc thực hiện các cử động cơ bản.

Các triệu chứng của bại não thể múa vờn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của trẻ, gây khó khăn trong các sinh hoạt thường nhật. Do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và chẩn đoán bại não một cách chính xác, từ đó nhận được sự tư vấn và điều trị kịp thời.

Điều trị và phục hồi chức năng cho trẻ bị bại não thể múa vờn

Các phương pháp thường được áp dụng cho trẻ bị bại não thể múa vờn là vật lý trị liệu, điện trị liệu, thủy trị liệu và các can thiệp về giao tiếp và ngôn ngữ. Tùy vào từng trường hợp sẽ có những biện pháp can thiệp riêng. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt cũng phải được điều chỉnh phù hợp với từng trẻ.

Vật lý trị liệu

Các bài tập vật lý trị liệu có vai trò giúp trẻ cải thiện những vấn đề về vận động thô, từ đó phát triển kỹ năng vận động theo từng mức độ, từ cơ bản đến phức tạp. Cụ thể là các kỹ năng như kiểm soát đầu cổ, lẫy, ngồi, quỳ, bò, đứng, đi, và chạy sẽ được rèn luyện.

Khi trẻ thành thạo những động tác này, các chuyên gia có thể tiến hành các bài tập phức tạp hơn, giúp phát triển kỹ năng vận động ở mức độ cao hơn.

Điện trị liệu

Điện trị liệu thường được sử dụng cho trẻ mắc bại não thể múa vờn mà không có dấu hiệu động kinh lâm sàng. Phương pháp này sử dụng dòng điện một chiều với tần suất thấp và ổn định, nhằm hỗ trợ quá trình điều trị.

Có 2 phương pháp được sử dụng phổ biến trong điện trị liệu là Galvanic dẫn CaCl2 cổ và Galvanic dẫn CaCl2 lưng.

Thủy trị liệu

Phương pháp thủy trị liệu sử dụng nước để tác động vào cơ, giúp thư giãn và giảm bớt lực cơ cho trẻ. Nhờ vậy, trẻ mắc bại não có thể dần cải thiện khả năng thực hiện các động tác theo ý muốn và kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, phương pháp này không được áp dụng cho trẻ có triệu chứng động kinh đi kèm.

Huấn luyện giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ

Trẻ bị bại não thể múa vờn cần được hỗ trợ để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp và khả năng tương tác bằng lời nói. Quá trình này giúp trẻ xây dựng mối quan hệ với người xung quanh và nâng cao khả năng tự lập, giảm bớt sự phụ thuộc vào người khác.

Việc huấn luyện khả năng giao tiếp cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Khi tương tác với trẻ, các chuyên gia hoặc phụ huynh cần chú ý điều chỉnh tốc độ nói, nói chậm rãi, rõ ràng và sử dụng các câu ngắn gọn, dễ hiểu.

Bên cạnh đó, có thể sử dụng hình ảnh, video, hoặc các hoạt động vui chơi hàng ngày để kích thích sự chú ý của trẻ, giúp trẻ dễ dàng tiếp nhận. Khi trẻ hoàn thành được nhiệm vụ, hãy động viên và khen ngợi để trẻ cảm thấy phấn khởi và tiếp tục nỗ lực.

Để đảm bảo và phòng tránh các nguy cơ sức khỏe cho trẻ thì việc thăm khám ngay từ khi mang thai có vai trò rất quan trọng. Mẹ có thể tham khảo chương trình thai sản được cung cấp tại các cơ sở y tế uy tín để theo dõi sức khỏe dõi từ trước, trong và sau khi sinh, giúp mẹ thêm yên tâm trên hành trình chào đón con vào đời.

Lưu ý: Nội dung chỉ mang tính chất minh họa, không thay thế cho các chẩn đoán, thăm khám của chuyên gia y tế. Bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế có uy tín, chất lượng và đảm bảo thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Mong rằng qua bài viết trên bạn đã hiểu hơn về bệnh bại não thể múa vờn. Việc nhận diện và điều trị bệnh kịp thời và chính xác đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống của trẻ. Nếu bạn cần tư vấn thêm, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ chuyên môn.

Cấp cứu

(84-24) 3574 1111

Đội ngũ bác sĩ cấp cứu và bác sĩ phẫu thuật được đào tạo nội bộ sẵn sàng 24/7.
Tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp khẩn cấp.

Chatbot